Sử dụng của cải trong tinh thần liên đới

Thứ bảy - 24/09/2022 04:56  512
Chúa Nhật XXVI Thường Niên C
Am 6,1a.4-7; 1 Tm 6,11-16; Lc 16,19-31

images 4Sự phát triển của khoa học kĩ thuật đã giúp cho đời sống của con người ngày càng được nâng cao về vật chất, sức khỏe, tinh thần. Thế nhưng, điều ấy cũng dẫn đến tình trạng phân hóa giữa người giàu, người nghèo, và một thực tế đáng buồn là số người chết vì đói khát và suy dinh dưỡng vẫn ở mức cao. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do căn bệnh vô cảm, dửng dưng của con người. Thế giới không thiếu lương thục mà chỉ thiếu sự sẻ chia. Căn bệnh vô cảm không phải chỉ có trong xã hội hiện đại mà đã có từ thời xa xưa, từ thời Cựu ước. Vì thế, phụng vụ lời Chúa Chúa Nhật XXVI Thường niên hôm nay mời gọi ta quản lý của cải Thiên Chúa ban và sử dụng chúng trong tinh thần liên đới sẻ chia với tha nhân.

Với bài đọc một, trích từ sách ngôn sứ A-mốt, qua ngôn sứ Thiên Chúa đã cảnh báo lối sống của những người giàu có, chỉ biết cậy dựa vào tiền bạc mà không cậy dựa vào Thiên Chúa, cũng không biết nghĩ đến anh em: “Khốn cho các ngươi là những kẻ sống yên ổn tại Sion, các ngươi nằm dài trên gường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ, ăn những chiên non nhất bầy và những bê béo nhất chuồng, uống rượu cả bầu, xức dầu hảo hạng, nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ” (Am 6,1a.4-6). Nói cách cụ thể hơn, A-mốt cảnh cáo vua chúa và những nhà lãnh đạo trong cả hai vương quốc Israel và Giu-đa, đã lạm dụng chức quyền để lãng phí tiền của vào những cuộc vui chơi trác táng, mà không chịu hoàn thành sứ vụ được trao là lo cho dân hiểu biết Thiên Chúa và mưu cầu cơm no áo ấm cho người dân. Chính vì thái độ dửng dưng đó của họ, mà tiên tri A-mốt đã tiên báo: “Chúng sẽ bị lưu đầy và dẫn đầu những kẻ bị lưu đầy, thế là tan tác bè lũ quân phè phỡn” (Am 6,7).

Tiếp đến, bài đọc hai Thánh Phaolô trong thư gửi ông Timôthê đã khuyên nhủ chúng ta: “Hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, gắng sống nhẫn nại và hiền hòa” (1Tm 6,11). Đây chính là sự giàu sang thiêng liêng, không bị mối mọt với thời gian, nhưng bền vững và xứng đáng được Thiên Chúa ban thưởng. Cho nên, chúng ta hãy tránh xa mọi cám dỗ bất chính do lòng ham mê tiền của gây ra, và biết dùng thời giờ để luyện tập nhân đức để giành cho được cuộc sống đời đời mà Thiên Chúa đã hứa cho các tín hữu trong ngày Đức Kitô quang lâm. Bên cạnh đó, thánh Phaolô cũng mời gọi chúng ta sống giới răn yêu thương của Chúa: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Khi yêu thương nhau, chúng ta sẽ loan báo cho thế giới biết Thiên Chúa là tình yêu, không phải nhờ sức mạnh của tài hùng biện, càng không phải do việc áp đặt chân lý, hay tuân giữ tốt các luật đạo đức, nhưng là nhờ đời sống bác ái đối với tha nhân. Chúng ta rao giảng Thiên Chúa nhờ việc gặp gỡ tha nhân, bằng sự quan tâm, tận tụi, đồng hành và lắng nghe họ, để phục vụ họ với niềm vui.

Đặc biệt với bài Tin Mừng, những lời Chúa Giêsu muốn nhắc bảo chúng ta, Ngài đã diễn tả thật sâu sắc qua một dụ ngôn. Dụ ngôn có hai nhân vật chính là ông nhà giàu và anh Ladarô. Ông nhà giàu thì sống trong nhung gấm, ngày ngày yến tiệc linh đình; anh Ladarô thì vừa nghèo khổ, vừa bệnh tật, không có người thân, không có nơi ở và phải nằm trước cổng ông nhà giàu. Anh ao ước có được những thứ trên bàn ăn của ông nhà giàu rớt xuống để ăn cho no, mà cũng chẳng có. Tuy nhiên, sau khi chết số phận của họ lại đảo ngược: anh Ladarô được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham; còn ông nhà giàu phải chịu cực hình dưới âm phủ.

Nhìn vào kết cục của hai nhân vật, có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ thắc mắc: không lẽ giàu là có tội? Và nghèo thì được chúc phúc? Ông nhà giàu không làm điều gì gian ác, không ức hiếp ai, không đánh đuổi hay chửi mắng anh Ladarô, tại sao ông phải sa hỏa ngục, phải chịu khốn khổ như vậy?

Thưa, tội của ông nhà giàu là sự vô cảm, thờ ơ với đau khổ của người khác. Bởi tội không chỉ là những gì ta đã làm, đã hành động mà còn cả những việc có thể giúp đỡ người khác mà ta đã bỏ qua không thực hiện, hay còn gọi là “những điều thiếu sót” như trong Kinh Thú Nhận chúng ta vẫn thường đọc. Qủa thực, ông nhà giàu có thấy, có biết Ladarô, nhưng ông thấy mà như không thấy sự hiện diện của anh trên đời. Tiện nghi vật chất đã trở thành bức tường, che khuất tầm mắt của ông, nó đóng kín ông với sự an toàn và thỏa mãn cho bản thân trong không gian riêng đó. Ông không cần Chúa, cũng chẳng cần biết đến anh em đồng loại. Chính ông đã tạo ra một vực thẳm ngăn cách. Vực thẳm đó ngày một lớn dần và kéo dài mãi đến đời sau. Trái ngược với ông, anh Ladarô được hưởng hạnh phúc, không phải vì anh nghèo cho bằng dù nghèo, nhưng anh không oán hận ai, nghèo mà vẫn giữ được tâm hồn ngay thẳng, một niềm phó thác cậy trông nơi Chúa.

Tiền bạc, của cải là những ơn huệ Chúa tặng ban. Chúng ta sử dụng nó để bảo đảm cho cuộc sống của bản thân và gia đình, nhưng chúng ta còn được mời gọi sử dụng nó trong tình liên đới và chia sẻ với tha nhân, đặc biệt với những ai nghèo khổ không nơi nương tựa. Trong ngày phán xét, Chúa sẽ không hỏi chúng ta giàu hay nghèo, chúng ta giữ chức vụ hay làm nghề nghiệp gì? Ngài chỉ hỏi về tình yêu thương mà ta đã dành cho người khác. Những hành động bác ái yêu thương đó có một giá trị vững bền, giúp ta xây dựng kho tàng ở trên trời, như chính Chúa đã nói: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước thôi, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10,42).

Xin Chúa giúp chúng ta có một đôi mắt thật sáng, có một trái tim nhạy bén, một đôi tay rộng mở, để có thể nhìn thấy anh chị em đang cần đến sự giúp đỡ của ta, và sẵn sàng nâng đỡ, chia sẻ với những anh chị em đó. Amen.

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập344
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm322
  • Hôm nay70,557
  • Tháng hiện tại1,127,891
  • Tổng lượt truy cập71,155,648
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây