Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần
Chủ nhật - 04/12/2022 09:34
775
Sám hối, hoán cải là những hạn từ được nhắc nhiều trong Mùa Vọng. Việc sám hối này vừa giúp chúng ta dọn lòng trí mừng lễ Chúa Giáng Sinh, vừa chuẩn bị tâm hồn sao cho xứng hợp để đón Chúa đến xét xử trần gian. Chúng ta cần phải làm những gì để sẵn sàng cho sự kiện quan trọng ấy?
Phụng vụ lời Chúa hôm nay giúp người tín hữu gặp gỡ Con Người và sứ điệp của vị tiền hô là Thánh Gioan Tẩy Giả, con người với dáng vẻ rất khác thường. Gioan xuất hiện với diện mạo, trang phục gây sự chú ý và thu hút đám đông dân chúng, và nhất là giọng điệu ngôn ngữ mạnh mẽ của Ngài đã thức tỉnh những lương tâm đang ngủ trong nếp sống cũ. Đồng thời Gioan cũng lay động những người đang chờ đợi Chúa, nhưng mà là những người đang chờ đợi trong thụ động. Sự xuất hiện của Gioan Tẩy giả làm cho người người từ bắc chí nam, những người từ Giêrusalem hay Galilê, người ta đều kéo đến gặp để xin chịu phép rửa tỏ lòng sám hối.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của ngôn sứ Gioan không chỉ tạo ra hiện tượng vào thời của Ngài, mà mỗi Mùa Vọng, lời của Ngài được vang lên lại thúc giục chúng ta chuẩn bị cách tích cực; từ suy nghĩ đến hành động để đổi mới đời sống. “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”[1]. Lời kêu gọi rất ngắn gọn nhưng rõ ràng của Gioan đã cho chúng ta thấy sự cần thiết cũng như cùng đích của việc thay đổi nếp sống. Điều này hệ tại nơi những suy nghĩ, lời nói, hành động cần được đổi mới để sao cho phù hợp với cuộc sống mới trong Nước Trời.
Trong xã hội dân sự ngày nay, hầu như ai cũng biết thói quen xả rác bừa bãi là nguyên nhân đưa đến những bất cập: Ô nhiễm nguồn nước, tắc nghẽn cống rãnh, phát sinh dịch bệnh…, nhưng để thay đổi thói quen này thật không dễ. Không dễ bởi người ta nghĩ đến lợi ích của bản thân hơn là lợi ích cộng đồng. Trong lĩnh vực tôn giáo, chúng ta thấy cách riêng là Kitô giáo, Kinh Thánh thường xuyên phát đi thông điệp Metanoia[2], nghĩa là mỗi tín hữu hãy thực hành việc sám hối, hoán cải tâm hồn, từ bỏ tội lỗi để trở về với Thiên Chúa.
Về phương diện thực hành, việc sám hối thường xuất phát từ nhiều lý do: Chẳng hạn khi người ta nhận ra những sai lầm trong suy nghĩ, trong lời nói, trong hành động của mình; khi ấy lương tâm ngay thẳng sẽ mách bảo chúng ta cần thay đổi cách suy nghĩ cách hành động để sửa sai. Đàng khác, chúng ta cũng có thể thực hiện việc canh tân đổi mới suy nghĩ hành vi vì sợ phải đối diện với sự công thẳng của Thiên Chúa. Thánh Augustinô, một con người tội lỗi, đã thay đổi cuộc đời của ngài để trở về với Thiên Chúa. Lòng sám hối sự thay đổi đời sống của Ngài phát triển từ tình thương của Thiên Chúa và nhận ra Thiên Chúa quá yêu thương mình. Có lẽ điều này khiến Augustinô cần phải thay đổi để sao cho phù hợp. Chẳng thế mà Ngài từng thốt lên trong cuốn Tự thuật:
“Lạy Chúa, con yêu mến Chúa quá trễ: Ôi vẻ đẹp của ngàn xưa nhưng muôn thuở vẫn còn tươi mát, trẻ trung.Con yêu mến Chúa quá trễ: Chúa ở bên trong tâm hồn, còn con, con sống hời hợt bên ngoài và chỉ chú tâm tìm kiếm Chúa ở đó.
Chúa hiện diện ở trong con nhưng con không sống ở trong Chúa. Nhiều tạo vật đã kềm hãm khiến con sống xa Chúa.Chúa đã gọi tên con, Chúa đã lớn tiếng kêu gọi con, Chúa đã đâm thủng đôi tai giả điếc làm ngơ của con.Chúa đã tỏa ánh sáng chiếu soi và đã phá tan màn đêm tối dày đặc nơi con.Chúa thở ra hơi thơm ngào ngạt, con hít vào và con khao khát Chúa. Chúa đã chạm đến con và con luôn cảm thấy nung nấu được hưởng sự bình an của Chúa”.
Hơn nữa, lời kêu gọi của vị tiền hô Gioan hôm nay cho chúng ta thấy một khía cạnh khác nữa, một động lực khác nữa để thực hiện hành vi sám hối: Đó là vào Nước Trời. Chúng ta cần thay đổi đời sống vì Nước Trời, Nước Thiên Chúa, đang đến gần. Khung cảnh tuyệt diẹu này được Isaia loan báo: Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. (Is 11, 6-8).[3] Nước Thiên Chúa là thế, là nơi những con thú hoang dã sống chung trong hòa bình với gia súc và sống chung với trẻ thơ. Khi ấy, chúng không làm hại nhau, không có cảnh cá lớn nuốt cá bé, không còn cảnh tàn sát lẫn nhau hoặc là gây hại cho nhau. Chúng ta, những người có Đức Tin, chúng ta phải nên sứ giả cho viễn cảnh ấy.
Ai đó đã từng nói rằng, nơi mỗi con người chúng ta có một chút gian xảo của con rắn; có một chút hung dữ của con sư tử; có một chút sức mạnh hủy diệt của con gấu; đồng thời có một chút hiền lành của chiên con và một chút trong sáng đơn thành của trẻ thơ. Một khi người ta để cho sự hung dữ, sự gian xảo thắng thế, thì xã hội trở nên bất an. Trái lại khi người ta để cho sự hiền lành trong sáng và đơn thành bộc lộ ra thành hành động thì xã hội sẽ sống trong an bình và gia đình sống cảnh đầm ấm an vui. Đó không chi khác chính là viễn tưởng mà ngôn sứ Isaia báo và mời gọi chúng ta hoán cải để cảm nếm sự ngọt ngào nơi vương quốc của Thiên Chúa. Nhờ việc nhận biết lòng thương xót của Thiên Chúa, người ta sẽ biết phải làm gì để sống một đời sống mới.
Lời kêu gọi chuẩn bị tâm hồn là một lời kêu gọi đổi mới không chỉ diện mạo bên ngoài: Đầu tóc, trang phục… mà là sự đổi mới trong tâm hồn, trong suy nghĩ và nhất là trong hành động. Kinh Thánh đã dùng một thứ ngôn ngữ rất mạnh để nhắm vào những người chỉ ưa thích sự thánh thiện bên ngoài đó chính là nhóm người Pharisêu. Phần chúng ta, hãy tỏ lòng sám hối để sinh hoa quả là những việc lành việc thiện hầu chứng tỏ lòng sám hối từ nội tâm. Lòng sám hối đích thực đưa ta đến việc gặp Chúa trong mọi biến cố của đời sống thường nhật.
Trong mỗi Thánh lễ chúng ta thấy nghi thức sám hối đưa ta vào việc khiêm tốn nhìn nhận trước Chúa và cộng đoàn về những lỗi lầm chúng ta phạm trong ý nghĩ, trong lời nói cũng như việc làm. Đó là một sự chuẩn bị rất xứng hợp khi chúng ta nài xin Lòng thương xót và tha thứ của Chúa, và chúng ta cũng được hòa mình vào ánh sáng của Lời Chúa được gặp Ngài trong Bí tích Thánh Thể. Như thế, việc sám hối đích thực không chỉ là nỗ lực của mỗi cá nhân chúng ta mà còn chính yếu do sự trợ giúp của ân sủng Chúa.
Cây nến thứ hai của Mùa Vọng đã được thắp lên. Với cái nhìn vật lý, lúc này cây nên thứ nhất được thắp sáng hơn nhờ cây nến này. Chúng ta cũng có thể dựa vào hình ảnh đó để suy ra niềm tin của mình. Mỗi ngày, hành trình đức Tin cũng phải trở nên mạnh mẽ hơn vì Chúa đang đến gần. Việc Chúa đến gần đang trở thành niềm vui trong lòng của chúng ta. Xin cho ngọn lửa yêu mến của Chúa thánh thần lớn dần trong tâm hồn mỗi người, như thế lòng trí chúng ta được thanh tẩy và sẵn sàng đón mừng Chúa đến.
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin hướng dẫn chúng con biết hành động theo thánh ý Chúa, để nhờ kết hợp với con Một Chúa là Ðức Giêsu Kitô, chúng con đem lại hoa quả dồi dào là việc lành phúc đức.[4]
[1] Đây chính là thông điệp mà Đức Giêsu rao giảng khi khai mạc sứ vụ (Mt 4,17). Mátthêu là tác giả duy nhất trong các tác giả sách Tin Mừng, đặt lên môi miệng người dẫn đường thông điệp này. Đó là một trong những dấu hiệu cho thấy tác giả Mátthêu muốn làm cho hình ảnh của người dọn đường giống với hình ảnh của Đấng Mêsiah nhất có thể.
x. https://josephpham-horizon.blogspot.com/2022/12/dim-trong-nuoc-dim-trong-thanh-linh-va.html?m=1
[2] Nếu hiểu từ Métanoia theo nghĩa thông thường là thay đổi ý kiến, hoán cải. Điều này gợi lên cho chúng ta một định hướng rõ nét: trên con đường về với Chúa, con người cần biết điều chỉnh không ngừng những suy nghĩ, lựa chọn của mình, cho phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Sự điều chỉnh này có thể chỉ là một sự thay đổi trong nhận thức, nhưng đôi khi sự điều chỉnh đòi hỏi người đón nhận phải thay đổi cả quan niệm sống, cắt đứt với quá khứ, để sống cuộc sống mới. Để có được sự điều chỉnh quan niệm sống hoặc niềm tin một cách dứt khoát, cần phải có ơn Chúa và tấm lòng biết lắng nghe chân thành của người đón nhận. Kinh nghiệm cũng cho thấy rằng sự điều chỉnh này cần phải được thực hiện trong suốt cả cuộc đời, bời vì bản tính tội lỗi của xác thịt nơi con người hoán cải luôn tìm cách thỏa hiệp với khuynh hướng chiều theo ý mình hơn là sống theo ý Chúa.
x. https://gpquinhon.org/q/than-hoc/metanoia-theo-thanh-phaolo-2731.html
[3] Theo bản chú giải của nhóm Phiên dịch CGKPV thì điều này nói lên sự hài hòa, trật tự mới của vườn địa đàng.
[4] Lời tổng nguyện Chúa nhật II Mùa Vọng, năm A