Tình yêu cứu độ - Tình yêu không mong giàu có
Thứ sáu - 16/12/2022 20:49
547
Một đôi nam nữ yêu nhau đã được 3 năm và đã sẵn sàng để tiến tới hôn nhân.
Một tháng trước khi đám cưới diễn ra, người con trai biến mất, chỉ để lại một mẩu giấy: “Anh xin lỗi, đợi đến lúc anh giàu rồi chúng ta hãy kết hôn em nhé”.
Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má cô gái trẻ, cô gái đau đớn xé tan mảnh giấy.
Hai năm sau, chàng trai khoác trên mình một bộ vest sang trọng, lái xe chiếc xe thể thao đời mới nhất phiên bản giới hạn quay trở về tìm cô gái.
Nhưng chàng trai ngỡ ngàng phát hiện ra cô gái đã kết hôn với một người công nhân bình thường và họ đã có con với nhau.
Chàng trai cảm thấy phẫn nộ, thay vì chờ đợi một người như anh ta cô gái đã sẵn sàng kết hôn với một người chẳng có gì.
Cô gái mỉm cười nhẹ nhàng: “Chúng tôi không cần bất cứ điều gì, chỉ cần tình yêu là đủ". Chàng trai bất chợt hiểu ra ![1]
Câu truyện không có hậu và quả là như một lời thức tỉnh cho những ai đang có suy nghĩ muốn xây dựng một tình yêu trên quỹ đạo của sự giàu có. Chỉ khi đôi bạn biết sống với nhau bằng “tình yêu không mong giàu có” khi ấy họ mới vượt qua thử thách để xây đắp một tình yêu vững bền.
Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, bằng tình yêu không mong giàu có
Chữ “giàu có” trong luận điểm này, người viết xin giới thiệu trong phạm trù quyền uy. Từ lâu, dân Chúa vẫn mang trong mình một quan niệm về Thiên Chúa quyền uy. Trong việc mong chờ Đấng Cứu Thế cũng vậy, họ trông mong một vị thiên sai mang lại nguồn sống cho dân tộc của họ. Trong cách thức ngự đến, người Do Thái trông mong một vị Chúa đến một cách oai phong lẫm liệt, để muôn dân được phủ phục tôn thờ. Nào ngờ, Người đã làm cho tất cả phải thất vọng.
Thiên Chúa đến với con người trong thân thế của một hài nhi chẳng có gì khác với bất kì bé thơ nào chốn trần ai này. Đây là một cách hòa mình vào với lòng nhân thế. Một góc nhìn khác, về gia đình, Thiên Chúa đã đến trong tư cách người con của một gia đình thấp cổ bé miệng. Tại sao Thiên Chúa lại “khác thường” như vậy? Tác giả Tin Mừng thứ tư đã cho ta thấy ý định tự ngàn xưa của Thiên Chúa: “Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14).
Vậy vinh quang của Thiên Chúa ở đâu trong biến cố hạ sinh này? Phải chăng Thiên Chúa cô đơn khi không trao thân cho con người, nên phải đến trong một thân phận khốn khổ như thế để con người cảm thương? Hoàn toàn không! Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo đã đưa ra 4 lý do: để cứu độ chúng ta, để giúp chúng ta nhận ra tình thương của Chúa, để trở thành mẫu mực thánh thiện cho chúng ta và để chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa[2]. Thiên Chúa sinh xuống làm người là để cứu độ loài người. Nơi Thiên Chúa, tất cả đã tròn đầy và việc ca tụng Thiên Chúa, tất cả chỉ là sinh ích cho chúng ta. “Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con.”[3] Qua việc nhập thể, Thiên Chúa không còn “lờ mờ” như thời Cựu Ước nữa, mà là một Thiên Chúa tỏ tường. Phụng vụ hôm nay đề cập đến hai danh từ quan trọng: Emmanuen[4] và Giêsu[5]. Hai danh xưng này hòa quyện nơi ngôi Lời nhập thể, ta khám phá ra một tình yêu nhưng không. Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta để minh chứng một Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ (Mt 1,23-25).
Phận người xin gửi trao, bằng tình yêu không mong giàu có
Trong việc khứng ban ơn Cứu độ cho nhân loại, Thiên Chúa đến với con người bằng một tình yêu chủ động và trọn vẹn. Trong bản văn Tin Mừng Chúa Nhật thứ tư Mùa Vọng, hình ảnh Đức Maria và Thánh Giuse trao gửi phận người cho Thiên Chúa cũng là chi tiết đáng để chúng ta suy gẫm.
Với Đức Maria, Mẹ đã thân thưa lên lời Fiat một cách đầy xác tín. Đầu tiên là Đức Maria thốt lên đó để đáp lại lời của sứ thần Gabriel: “Ecce ancilla domini, FIAT mihi secundum verbum tuum” (Lc 1,38). “Fiat” được dịch là “vâng” trong trường hợp này. Vì thế, tiếng “Fiat” của Đức Maria không chỉ đơn thuần là một tiếng “Xin vâng” mà còn là lời “Hãy trở thành hiện thực”. “Hiện thực” nơi lời “Fiat” của Mẹ là gì? Chính là việc Mẹ đón nhận ý muốn của Thiên Chúa như ý muốn của Mẹ; là việc Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Với tiếng “Fiat”, Mẹ được cộng tác vào việc thành toàn kế hoạch của Thiên Chúa, mà dưới cái nhìn của nhân loại xem ra là không thể được. Nhờ tiếng “Fiat” của Đức Mẹ mà công cuộc làm cho nhân loại “trở nên tinh tuyền và thánh thiện nhờ tình thương của Thiên Chúa, trong Đức Kitô” (Ep 1,4b) được khởi sự. Và chính lúc thưa “Fiat”- “Xin vâng” (Lc 1,38) là cả một tình yêu đáp trả tình yêu, Đức Maria đã gửi trọn phận mình vào tay Thiên Chúa, bất chấp đó là một mạo hiểm chết người: trinh nữ mà lại mang thai, phải ăn nói ra sao với thánh Giuse? Mới đính hôn thôi mà sắp thành mẹ, phải dàn xếp thế nào cho hợp luật pháp?
Còn Thánh Giuse thì sao? Lúc này, Ngài bị đặt vào một tình huống khó xử. Nhưng chính trong hoàn cảnh ấy, Ngài đã minh chứng bằng nét đẹp về một tình yêu với Tiên Chúa qua sự lựa chọn của mình. Đây có lẽ không phải là sự lựa chọn của lý trí cho bằng một sự lựa chọn của lfong tín thác. Chính lúc thực thi lựa chọn xem ra khó khăn ấy, Giuse đã đón nhận ý Chúa và đón tiếp Đức Maria về nhà, một người mà phàm nhân dẫu có bản lĩnh cách mấy cũng khó mà dám xâm mình mạo hiểm (Mt 1,24).
Không gì khác, chính sự tín thác trong việc trao gửi phận người đã làm cho Đức Maria và Thánh Giuse nên chung mái nhà. Đây quả là mái nhà của những phận người biết mở ra để đón nhận con Thiên Chúa, mặc cho bài ca của sự trao đổi ấy không thiếu những đảo phách, những dấu lặng mà hôm nay, Tin Mừng đã cho ta thấy một bằng chứng nhãn tiền đó là việc khó xử của Thánh Giuse, người công chính.
Giáng Sinh nên trọn vẹn, bằng tình yêu không mong giàu có
Phần chúng ta thì sao? Tình yêu không mong giàu có của chúng ta phải được thực thi thế nào? Có phải là qua những bài ca Giáng sinh bất hủ? Phải chăng là qua những hang đá khiến người ngoại đạo phải trầm trồ về kích cỡ cũng như vẻ đẹp? Phải, phải chứ! Nhưng đây không phải là điều căn cốt. Điều chính yếu là mỗi người tín hữu phải biết mở lòng để cưu mang thánh ý và làm cho thánh ý trổ sinh hoa trái tốt tươi qua cuộc đời chính trực của mình.
Nếu ngày xưa trong khúc hát quan họ Sion, câu xướng “Ai được lên Núi Chúa?” đã nhận được lời đáp “Chỉ những người thật thà ngay chính tay sạch lòng thanh mới được bước tới Thánh Cung” (Tv 23,3-4), thì hôm nay cũng thế, trong bài ca cuộc sống ai cũng nôn nao xôn xao ồn ào huyên náo tiếp cận lễ Giáng Sinh cả, kẻ tiếp thị, người tiếp tân; nhưng chỉ có những tấm lòng trinh trong mới xứng đáng trở nên Hang đá tiếp đón Chúa sinh vào. Chúa chỉ một lần đến sinh ra trên trần thế là đủ để cứu chuộc muôn người, nhưng giả như Người có đến sinh ra nhiều lần hơn nữa cũng vẫn thiếu, nếu lòng người chưa sẵn sàng một tình yêu trong veo mở ra đón nhận. Liệu ta hôm nay đã sẵn có một tâm hồn như thế trước lễ Giáng Sinh?[6]
Hẳn là Mùa Vọng sẽ không thể trọn vẹn nếu ta lãng quên những người đang sống quanh mình. Trong khi còn đang sống trong những ngày chờ đợi và chưa được tiếp đón chính Chúa, ta hãy khởi bắt đầu và lại bắt đầu việc đón tiếp những hình ảnh sóng động của Chúa qua những người ta gặp gỡ với một tình yêu chân thành. Xin được mượn những lời thơ của nhà thơ Xuân Ly Băng như một thông điệp: “Nếu không gặp Ngài trong nghèo khổ, sẽ chẳng gặp Ngài giữa cao sang. Nếu không gặp Ngài ở dưới đất, sẽ chẳng gặp Ngài chốn Thiên Đàng”.
[1] x. https://www.marry.vn/blog/nhung-cau-chuyen-ngan-cuc-hay-va-y-nghia-ve-tinh-yeu
[3] Lời Tiền Tụng chung IV
[4] Mát thêu chẳng cố ý nêu ra một tên mới của Đấng Thiên sai, song chỉ muốn nói lên ý nghĩa của con người và của công cuộc Người thực hiện. Trong sách tiên tri Isaia Is 7, 14; bản văn ông trích dẫn, và Is 8, 8 cũng đã không nhấn mạnh đến sự hiện diện đơn thuần của Thiên Chúa, điều mà cả Kinh Thánh đều giả thiết, nhưng đến sự hiện diện tích cực, hằng cứu giúp của Ngài. Như vậy, qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa sẽ hiện diện giữa dân Ngài để cứu vớt họ. Lời hứa long trọng của Chúa Kitô vinh hiển “Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”, Is 28,20 đánh dấu việc thể hiện hoàn toàn lời loan -báo trên. Như thế, Tin Mừng Mt mở đầu và kết thúc với ý tưởng này là: Thiên Chúa đã hiện diện tích cực với nhân loại trong con người Chúa Giêsu.
x. https://gpvinh.com/chua-nhat-iv-mua-vong-nam-a-cac-bai-suy-niem-chu-giai-loi-chua-7805#CN4VONG-C_8030
[5] tên chỉ định con người và, đặc biệt trong Kinh Thánh, chỉ định chức vụ mà Thiên Chúa đặt định cho trong lịch sử cứu rỗi. Iêsous là phiên âm hy lạp của tiếng hy bá Yehôshua (Xh 24, 1 3) hoặc Yéthua (Nhm 7, 7), “Giavê là sự cứu độ”, một tên riêng khá phổ thông trong Cựu ước và Tân ước.
x. https://gpvinh.com/chua-nhat-iv-mua-vong-nam-a-cac-bai-suy-niem-chu-giai-loi-chua-7805#CN4VONG-C_8030
[6] Thông vi vu, Mùa vọng - mùa trong veo.