Sự trung tín của Lời
Thứ sáu - 23/12/2022 20:24
602
Trong ngày đại lễ Chúa Giáng Sinh, Mẹ Giáo Hội cho chúng ta ba bài đọc và cả ba bài đọc đều hướng đến việc Thiên Chúa cứu độ loài người.[1]
Bài đọc thứ nhất trích trong sách Ngôn sứ Isaia kêu gọi dân Do thái đừng nản lòng, vì Thiên Chúa sẽ cứu độ dân ngài và ánh sáng của Thiên Chúa sẽ tỏa sáng trên Giêrusalem, từ đó tỏa ánh sáng ấy cho thế giới. Trong bài Tin mừng, Thánh Gioan viết về Ngôi Lời chính là Con của Thiên Chúa. Ngài có sự sống mật thiết với Thiên Chúa và Ngài cũng chính là Thiên Chúa. Thế giới này được tạo thành bởi lời của Thiên Chúa. Nơi Kinh Thánh Cựu ước, trong trình thuật tạo dựng[2], bản văn Sáng thế ký lặp lại cấu trúc: “Thiên Chúa phán...” - “liền có...”. Như vậy, Lời chính là tiếng nói của Thiên Chúa và Lời đây cũng chính là Thiên Chúa. Vì vậy, Thiên Chúa sáng tạo nên vũ trụ này bằng Lời của Ngài. Và trong dòng lịch sử của thế giới nhân loại, Thiên Chúa đã sáng tạo nên con người một cách tốt đẹp. Ngài lấy bùn đất nặn nên con người và đồng thời Ngài thổi hơi vào lỗ mũi và làm cho nó sống động. Qua kiểu diễn tả này, Kinh Thánh cho ta thấy Thiên Chúa đã sáng tạo nên con người một cách “tâm linh”. Thiên Chúa ban cho con người sự sống của Thiên Chúa.
Hành động thổi hơi là chi tiết mà chỉ khi tạo dựng con người, Thiên Chúa mới làm như thế. Vạn vật không được Ngài thổi hơi và làm cho nên sống động. Chi tiết này quan trọng. Con người có linh hồn giống Thiên Chúa. Tuy nhiên, không biếttrân trọng sự trìu mến của Thiên Chúa khi sáng tạo, con người phản bội lsij Thiên Chúa. Nhưng bằng tình yêu hải hà,Thiên Chúa vẫn yêu thương con người và chính vì thế, Thiên Chúa hứa ban ơn Cứu độ từ ngàn xưa. Thiên Chúa đã nói lời đó và Thiên Chúa vẫn giữ lời.
Bằng nhiều cách, Thiên Chúa đã gửi các ngôn sứ đến để loan báo cho dân biết là Thiên Chúa vẫn trung tín. Lời Chúa trong thư gửi tín hữu Do Thái đã cho chúng ta thấy điều đó.[3] Thiên Chúa vẫn yêu thương con người dẫu rằng con người bội nghĩa bất trung. Dù cho con người phản bội, Thiên Chúa vẫn sai các ngôn sứ đến để lôi kéo con người ăn năn trở lại.Thiên Chúa làm điều kỳ diệu nữa, một điều mà con người không thể nào tưởng tượng được, là cho chính Ngôi Lời của mình nhập thể trong lòng Đức trinh nữ Maria. Người con đó vừa là con người, vừa là Thiên Chúa, là chính đức Giêsu Kitô đến ở cùng chúng ta. Thiên Chúa chỉ cần phán một lời là có thể cứu chúng ta, nhưng Ngài lại chọn tỏ lòng yêu thương chúng ta bằng cách nhập thể và ở với chúng ta mà theo ngôn ngữ của thánh Phaolô: Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, chỉ trừ tội lỗi[4]; và theo sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo: Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi.[5]
Vì vậy, việc Thiên Chúa Giáng Sinh làm người là một công trình kỳ diệu của Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng được thực hiện qua chính Ngôi Lời của Người. Người con ấy không ai khác là Đức Giêsu Kitô, Đấng yêu chúng ta và yêu cho đến cùng[6] - In finem dilexit eos. Người con đó không những ở với chúng ta, nhưng Ngài còn dám chấp nhận chết vì chúng ta. Tình yêu của Thiên Chúa là như vậy: Một tình yêu sáng tạo, một tình yêu cứu độ. Vì thế, mỗi người chúng ta dù là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà[7]; người thời trước, người thời sau, người trí thức, người bình dân, người sống đời tu, người sống đời thường[8]; đều mang hình ảnh của Thiên Chúa. Chính vì thế, việc Đức Giêsu Kitô nhập thể trong thân phận con người cũng nâng phẩm giá con người lên. Đàng khác, việc nhập thể như một lời nhắc nhởcon người về một Thiên Chúa luôn hiện diện giữa chúng ta. Ngài hiện diện ở từng người chúng ta, những con người đó đang sinh sống với chúng ta.
Phẩm giá của con người cao quý không phải vì tự nó cao quý, nhưng được Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc. Thiên Chúa tha thứ, ban cho sự sống như một tặng phẩm thần linh. Vì được phú ban phẩm giá cao quý như thế nên con người không thể đánh đổi bằng cách loại trừ hay làm cho phẩm giá mình bầm dập. Thiên Chúa đã đến trong thế giới này, trong trái đất nhỏ bé này của chúng ta. Ngài đã từng sống, cùng ăn, cùng uống, cùng hít một không khí với chúng ta. Vì vậy, chính Thiên Chúa đã đến viếng thăm chúng ta trong một môi trường này. Qua đó, theo Đức Giáo hoàng Phanxicô: Mỗi tạo vật đều có sự thiện và toàn vẹn riêng của mình […] Các thụ tạo khác nhau phản ánh ngay trong sự hiện hữu riêng mình như Thiên Chúa muốn, mỗi thứ một cách, ánh quang của sự khôn ngoan vô tận và sự thiện hảo của Thiên Chúa. Chính vì thế, con người phải tôn trọng bản chất tự nhiên đặc thù của chúng để tránh sử dụng chúng một cách vô trật tự.[9]
Ngôi lời đã nhập thể để hướng dẫn và chỉ bảo chúng ta để chúng ta biết Thiên Chúa yêu chúng ta nhường nào. Chúng ta phải tôn trọng phẩm giá mà Thiên Chúa trao ban cho anh chị em của chúng ta và chúng ta cũng phải trân trọng tất cả những giá trị Thiên Chúa đã trao ban cho vạn vật. Vì vậy, mỗi mùa Giáng sinh về lại nhắc nhở chúng ta về việc Thiên Chúa yêu thương. Tình yêu ấy mời gọi chúng ta đáp lại tình yêu thương của Ngài bằng cách sống mật thiết với Thiên Chúa và sống thuận hoà với anh chị em của mình và đúng mực với vạn vật xung quanh. Có như vậy, chúng ta mới sống ơn gọi của mình cách sung mãn. Thật vậy, chỉ khi kết hiệp mật thiết với Lời Chúa và trở nên thân tình với Đức Kitô, chúng ta mới có thể trao ban cho người khác. Không ai cho người khác điều mình không có”. Vì thế, trước khi ra chinh phục thế giới, ta phải đi tìm những “vũ khí” từ Thiên Chúa trước. Nếu ta chỉ còn trông thấy những con người thôi thì cuối cùng ta sẽ khuất mất Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô: Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và các thiên thần mà không có lòng mến, thì tôi cũng chỉ như thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng.[10]
Trong ngày hồng phúc này, chúng ta cũng không quên Mẹ Maria, Đấng đã sống hết mình với Chúa. Qua mẫu gương tuyệt hảo của Mẹ, Giáo Hội mời gọi chúng ta trở về với tinh thần đích thực của mầu nhiệm Giáng Sinh. Tinh thần ấy là khiêm nhường, cảm tạ và tín thác vào sức mạnh Tình yêu Thiên Chúa, để từ đó sẵn sàng lên đường viếng thăm tất cả mọi người, nhất là những người mà Đức Vua Tình Yêu – trong ngày chung thẩm – đã nhận là chính Người: Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.[11]
Merry Chrismas!
[1] Các bài đọc trong Thánh lễ ban ngày.
[8] Lời bài hát Tâm điểm yêu thương, Khắc Dũng
[9] Đức Thánh Cha Phanxicô, thông điệp Lautado Si, số 69; Bản dịch của Lm Augustino Nguyễn Văn Trinh.