Mục đích hay cứu cánh

Thứ sáu - 13/01/2023 19:10  576
bartolom esteban murillo saint john baptist pointing christ 1655 td8b28Khi bắt đầu vụ mùa, những người nông dân thấy cần phải đào một cái giếng để có nước. Họ chăm chỉ tìm mọi cách đào cho được, vì đó là việc làm cần thiết cho việc trồng cấy. Cái giếng là niềm vui của người nông dân khởi sự một vụ mùa. Tuy nhiên, niềm vui thấy cái giếng chỉ là niềm vui tạm thời bởi mục đích chính yếu không phải là đào giếng mà là nguồn nước tưới lên những cánh đồng của mình và làm cho mùa màng trở nên xanh tốt.

Việc chú ý tới cái giếng, tới nguồn nước, một lúc nào đó cũng không còn nữa. Người nông dân sẽ nhìn thấy cây lúa lớn lên từng ngày và vui mừng với cây lúa mình đã trồng cấy. Niềm vui thấy cây lúa phát triển cũng lại chỉ là một niềm vui tạm thời bởi niềm vui tiếp theo và lớn hơn là mùa gặt. Cứ như vậy, niềm vui gặt lúa về, thấy cả một xe lúa đầy ắp, cũng sẽ phải qua đi… Tuy nhiên, đời người đâu phải nhìn thấy đống lúa ấy mà vui, nhưng thóc phải được xay xát thành gạo, nấu thành cơm và miếng cơm ấy sau khi ăn rồi lại được chuyển hóa thành chất dinh dưỡng nuôi cơ thể.

Lúc này niềm vui không còn là niềm vui bên hạt gạo và bữa ăn ngon, mà là niềm vui đoàn tụ gia đình, niềm vui sum họp bên mâm cơm và con cái được lớn lên mạnh khỏe. Cứ thế, niềm vui của một người nông dân sẽ được biến đổi: Từ một giếng nước, sang dòng nước, cây lúa, xe lúa, bàn cơm… và cuối cùng lại trở về với con cái của mình đang được lớn lên trong hạnh phúc.

Chuyện tưởng chừng thật đơn giản, nhưng không phải không có những người khóa cái giếng lại và không muốn cho người khác đụng tới cái giếng của mình. Có những người chỉ khoái đồng lúa mà không muốn cho ai bước vào. Có những người khoái bồ lúa ở trong nhà, cứ bo bo giữ nó trong khi có những người bên cạnh đang cần một cọng rơm, một bữa ăn gia đình ấm cúng mà chẳng hề đoái hoài.

Đó là sự khác biệt giữa mục đích, cái gì đó ta nhắm tới và cái trước mắt. Đời người có một điều khác cao cả và ý nghĩa hơn là cứu cánh. Cứu cánh có nghĩa là cái đích cuối cùng của đời người. Sự mập mờ giữa mục đích và cứu cánh thật đơn giản nhưng cũng quá ư tế nhị. Có rất nhiều người trong cuộc đời dừng lại ở những niềm vui vụn vặt mau qua trong khi phải hướng tới cứu cánh. Nếu ai đó không tỉnh táo, cứ đau đáu ý định vun vén cho bản thân, thế nào họ cũng dừng lại ở một mục đích nho nhỏ với vài thành công tầm thường nào đó trong cuộc đời.

 Nhìn vào cuộc đời, có nhiều người vì một chút vui khoái nào đó mà biến những chuyện tầm phào nhảm nhí nên như tất cả cuộc đời. Cứu cánh là một mục đích khác. Khi một người đi tìm Chúa bằng đời sống tu trì, để loan báo Tin Mừng thì trước hết họ phải học hành, phải giữ kỉ luật…

Nhìn lại cuộc đời của chúng ta, có lẽ có ai đó vẫn cứ ngại, có ai đó vẫn luôn luôn bị cám dỗ dừng lại ở mục đích nhỏ, vui vì một mục đích tầm thường và cứ khăng khăng ở lại đó. Cuộc đời ta đâu chỉ có vậy. Cuộc đời có đủ thứ cám dỗ, nhưng ta luôn phải tìm gặp và quy hướng về Chúa, vì Ngài chính là mục đích tối hậu, là cứu cánh của ta.

Đức Khổng Tử đã nói một điều tương tự: Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thâp nhi tri thiên mệnh, lục thâp nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du củ.[1] Cuộc đời ta cứ được đưa dần dần để đạt được cứu cánh của mình là trở về với Đấng sáng tạo nên mình.

Nói như thế có vẻ xa xôi, nhưng ai đó một khi cứ bám víu vào những mục đích nhỏ thì không có khả năng đạt tới mục đích lớn. Ai đó cố gắng bám víu vào những điều tầm thường thì ý nghĩa sự hiện hữu của người ấy sẽ bị cản trở bởi đó là một sai lầm lớn khi sống giữa chốn gian trần này.

Thánh Gioan Tẩy Giả cho ta thấy cuộc đời chỉ có một điều, một ơn gọi ngay từ khi được hoài thai trong bụng bà Êlisabet là làm tiền hô cho Chúa. Cuộc đời đó sáng lên qua việc chăm chú quan sát, lắng nghe, khám phá ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ và giới thiệu cho người khác. Vì thế, Gioan có thể vui tựa như phù rể lúc thấy chàng rể hạnh phúc. Lúc này Gioan hoàn thành cuộc đời của mình một cách viên mãn khi ông nói “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian. (Ga 1,29-34). Đó chính là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi (Ga 1,15). Đấng đó là Đấng cho Gioan biết: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 1,18).

Nếu không thoát khỏi thái độ bám víu, vun vén cho mình thì Gioan không thể thấy Thần Khí Chúa ngự trên Đức Giêsu hầu có khả năng giới thiệu Ngài cho người khác, không có khả năng biến mình thành chứng nhân để ơn ứu độ được thực thi nơi anh chị em. Hãy nhìn vào Gioan để hiểu thế nào là một cuộc đời chân chính, một cuộc đời sống vì ơn gọi và sứ mạng, một cuộc đời cống hiến tất cả để thực hiện cho được sứ mạng Chúa trao phó. Đó là một cuộc đời sống vì cứu cánh.

Là kitô hữu, chúng ta phải khám phá ra điều gì đó lớn lao, sứ điệp gì đó trọn vẹn. Điều này không gì khác hơn là khám phá ra Chúa và trình bày Chúa cho tha nhân. Hãy sống để chất “trời” được thấm nhập vào cõi đất.

Xin Chúa cho chúng ta dù ở vị trí, giai đoạn nào đi nữa cũng bớt được thái độ bảo thủ để tiếp tục đi, để tiến triển ý nghĩa cuộc đời, không chỉ là giới thiệu Chúa cho người khác mà còn khơi dậy niềm khao khát Chúa nơi họ.

 

[1] Sách Luận ngữ có chép câu nói của Khổng Tử (551-479 Trước CN): “Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học. Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ”. Nghĩa là: Ta 15 tuổi mới có chí học hành. 30 tuổi thì (tự) đứng vững được (tự lập), 40 tuổi chẳng nghi hoặc (vì trí tuệ đã mở mang), 50 tuổi biết mệnh trời, 60 tuổi biết phán đoán mọi sự, 70 tuổi theo lòng mình muốn mà không vượt ra ngoài khuôn khổ đạo lý.
Từ đó, người đời sau cho rằng Khổng Tử chia cuộc đời con người thành 6 giai đoạn như sau:
1. “Thập hữu ngũ nhi chí vu học”: 15 tuổi thì để hết tâm trí vào việc học. [Chữ “hữu” ở đây có nghĩa là “thêm” (thập hữu ngũ: mười thêm năm, tức là 15)]. Nói cách khác, thiếu thời cần tập trung vào việc tu dưỡng, xác định chí hướng và tích lũy kiến thức.
2. “Tam thập nhi lập”: 30 tuổi thì tự lập, gây dựng sự nghiệp cho mình, có khả năng nuôi sống bản thân và xác lập một vị trí nhất định của mình trong xã hội.
3. “Tứ thập nhi bất hoặc”: 40 tuổi có thể hiểu thấu mọi sự lý trong thiên hạ, có kiến thức và kinh nghiệm phong phú, nên đối với những việc diễn ra trong xã hội có chính kiến rõ ràng, kiên định, không còn nghi ngờ (bất hoặc).
4. “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: 50 tuổi mới có thể thông suốt chân lý của tạo hóa, tức là hiểu được mệnh của trời. Ở tuổi này đã nắm vững quy luật tự nhiên và xã hội, biết được xu thế của thời cuộc, nên công việc thường thuận lợi và dễ dàng đi đến thành công.
5. “Lục thập nhi nhĩ thuận”: 60 tuổi thì không còn chướng tai gai mắt; do lý giải đúng căn nguyên của mọi việc diễn ra xung quanh và thấu hiểu nhân tình thế thái, nên dễ thông cảm và có thái độ khoan dung hơn – nhìn sự việc không còn thấy chướng tai gai mắt (thuận nhĩ); không như tuổi trẻ hiểu biết còn nông cạn, nên trước nhiều sự việc thường cảm thấy khó chịu, bực mình.
Tuy sách giải thích “Lục thập nhi nhĩ thuận” là “Sáu mươi tuổi ưa nghe (nói) những điều thuận tai”, nhưng nhiều người nghiêng về cách giải thích của học giả Nguyễn Hiến Lê: “Lục thập nhi nhĩ thuận”, chữ “nhĩ” ở đây được xem như chữ “dĩ”, nghĩa là “Sáu mươi tuổi thì thuận theo mệnh trời”.
6. “Thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du củ”: 70 tuổi sẽ đạt đến tình trạng hoàn hảo về cách xử thế ở đời, nói hay làm điều gì cũng thể hiện đúng với chủ tâm của lòng mình, muốn sao được vậy và không bao giờ vượt ra khỏi khuôn khổ (bất du củ = không vượt ra ngoài quy tắc).
“Thất thập cổ lai hy” không phải lời Khổng Tử mà được trích từ một câu thơ của thi hào Đỗ Phủ (712 – 770) thời nhà Đường, Trung Quốc. Nguyên văn hai câu 3 và 4 trong bài “Khúc giang” (bài thứ hai) của họ Đỗ là: “Tửu trái tầm thường hành xử hữu/ Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Tản Đà dịch thơ: “Nợ tiền mua rượu đâu không thế? Sống bảy mươi năm đã mấy người?”. Họ Đỗ viết như thế, bởi thời đó, rất hiếm có người thọ đến 70 tuổi (bản thân ông cũng chỉ sống chưa đến tuổi 59).

So với “thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ” thì “thất thập cổ lai hy” phổ biến hơn (Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói đến cụm từ này trong Di chúc). Vì thế, không ít người cứ theo cái đà tam thập, tứ thập, ngũ thập, lục thập… mà phóng luôn “thất thập cổ lai hy”, không hề biết rằng mình đã làm cái việc mà người ta gọi là “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
 

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập410
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm382
  • Hôm nay40,862
  • Tháng hiện tại901,223
  • Tổng lượt truy cập78,904,674
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây