Tôi có đang là muối và ánh sáng?
Thứ sáu - 03/02/2023 20:23
498
Đức Giêsu giới thiệu cho chúng ta hai hình ảnh rất bình thường và phổ biến trong đời sống, nói lên ý nghĩa hiện sinh của Đức tin Kitô giáo trong tương quan giữa chúng ta với tha nhân: Đó là muối và ánh sáng.[1]
Muối[2] là một phẩm vật rất gần gũi với cuộc sống, công dụng của muối rất quan trọng. Nếu không có muối để sử dụng, chắc chắn sức khỏe của chúng ta sẽ bị suy nhược. Nhiều người bị lạnh khi ở dưới nước lâu, người ta dùng nước muối hoặc nước có chất mặn để ngâm mình, lúc ấy cơ thể được ấm lại. Muối cũng còn được dùng để chữa lành những vết thương cho khỏi bị nhiễm trùng, làm cho các món ăn thêm đậm đà hương vị để chúng ta có bữa ăn ngon.
Về ánh sáng[3], chúng ta thấy nếu không có ánh sáng thì cuộc đời thiếu đi sự tươi vui và mạnh mẽ. Ánh sáng luôn đem lại những tác động để chúng ta có thể có sự trao đổi chất giữa mình với thiên nhiên, hầu chúng ta càng ngày càng được lớn lên và mạnh sức. Đồng thời, ánh sáng giúp chúng ta nhìn nhận được sự thật, điều hay lẽ phải, những nét đẹp hầu chúng ta ca tụng Đấng hóa công. Ánh sáng cũng giúp chúng ta có một nhãn quan tươi mới về cuộc đời cũng như về tha nhân, nhờ ánh sáng mà chúng ta được sống và lớn lên trong niềm vui.
Qủa thật, chính Đức Giêsu mới là muối và ánh sáng đích thực trong đời sống. Đức Giêsu đã đem sự sống của mình, một sự sống mới để đổi mới cuộc đời chúng ta, để làm cho những bóng tối hoặc thương tích trong đời sống của mỗi người được chữa lành nhờ sức mạnh cứu độ Ngài thực hiện. Trong hoạch định cứu độ, cuộc sống và cái chết của Đức Giêsu nhằm giúp chúng ta sống trong hạnh phúc an vui, yêu thương hòa thuận với nhau. Muối và ánh sáng gắn chặt với đời sống đức tin kể từ khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, để khi gắn kết với Đức Giêsu, chúng ta được đón nhận chính sự sống của Chúa. Chính nhờ muối của ân sủng, ánh sáng của ơn cứu độ, chúng ta trở nên những người có khả năng ướp mặn cho đời và đem ánh sáng cho đời giúp những người xung quanh.
Bí quyết để trở thành muối ướp mặn và ánh sáng chiếu soi trần gian đó là chia cơm sẻ áo cho những người khác, rước vào nhà những người không có nơi cư ngụ, không ngoảnh mặt làm ngơ trước những người anh em cốt nhục. Lúc ấy, ánh sáng của chúng ta sẽ bừng lên như rạng đông và những vết thương nơi tâm hồn chúng ta cũng sẽ được chữa lành. Vì thế, để có thể sống như những người thuộc về đức Kitô, chúng ta phải biết làm những điều mà Ngài dạy trong đời sống của mình. Những cử chỉ thật nhỏ với một tình yêu chân thành, tất cả sẽ đem lại sự tươi đẹp cho cuộc đời anh chị em.
Trong cuộc sống thường nhật, nhiều gia đình, trong đó không ít các gia đình công giáo bị ảnh hưởng tư tưởng kiêng kỵ điều nọ điều kia. Đặc biệt,trong những ngày tết, chúng ta vẫn thấy có những anh chị em nghèo khổ đến để gõ cửa và không ít gia đình xua đuổi họ. Nhiều người nghĩ rằng, người nghèo đến thăm vào những ngày tết tựa như một điềm báo một sự không may mắn. Bởi vì những ngày đầu xuân, người ta mong những ai đó sang trọng và nhiều có nét quý phái đến để xông đất để họ có được một năm làm ăn thịnh đạt. Với người Công giáo, chúng ta phải nhìn anh chị em của mình trong ánh sáng của Giêsu, bởi đó là sự gặp gỡ là sự thăm viếng của chính Chúa. Đức Giêsu thích hiện diện, thậm chí đồng hóa trong những anh chị em nghèo khổ nhất, cơ cực nhất.
Phần chúng ta, chúng ta đã sẵn sàng đón tiếp để đem lại những điều tốt đẹp nhất cho họ hay không? Chúng ta có sẵn sàng mở rộng tâm hồn để đón nhận những anh chị em nghèo khổ để trao cho họ niềm vui, để rồi chúng ta thật sự sống tinh thần Kitô giáo ngay từ những ngày đầu năm và suốt cả cuộc đời hay không? Cuộc lữ hành Đức tin là một hành trình chia sẻ cho anh chị em. Chính Đức Giêsu, qua những anh chị em ấy sẽ đem phúc lành cho chúng ta, sẽ đem lại cho cuộc sống của chúng ta niềm hi vọng. Đó là niềm hi vọng được xuất phát từ chính tâm hồn của chúng ta, xuất phát từ chính lòng nhân mà chúng ta kín múc nơi Đức Giêsu là Đấng mong muốn chúng ta hạnh phúc trong cuộc đời hiện tại, để mai sau chúng ta cũng tràn ngập hạnh niềm vui.
Xin ánh sáng và muối mặn của Đức Giêsu luôn tưới gội luôn thấm đẫm cuộc đời, để chúng ta cũng là những nhân tố đem lại hạnh phúc cho anh chị em mình.
[1] Mt 5,13-16 gồm có hai phần nhỏ: Phần I nói về căn tính “là muối” của các môn đệ. Căn tính ấy bị biến đổi theo chiều hướng tiêu cực: Muối – mất vị – không còn ý nghĩa gì – bị quăng ra ngoài – bị chà đạp. Phần II mô tả căn tính “là ánh sáng” của các môn đệ. Phần này biến đổi theo chiều hướng tích cực và đạt đến vinh quang của Cha: Thành được đặt trên núi – không bị che khuất – đèn được đặt trên giá đèn – chiếu sáng cả nhà – ánh sáng người môn đệ – chiếu sáng – người ta thấy việc tốt đẹp – tôn vinh Cha của các môn đệ.
[2] Trong đoạn văn này, động từ ngôi thứ hai số nhiều được sử dụng – anh em – như muốn nhắm đến các môn đệ. Động từ trạng thái “eimi”, mô tả căn tính đích thực của các môn đệ. Họ “là” muối chứ không phải họ có muối, có chất muối, hay đặc tính muối. Các môn đệ được sánh ví bằng muối. Cả con người các môn đệ là “muối”, chứ không phải chỉ một phần nào đó. Cả cuộc đời các môn đệ là “muối” chứ không phải chỉ là một khoảnh khắc nào hay một giai đoạn nào. Truyền thống Cựu Ước nói đến nhiều tác dụng tích cực của muối trong đời sống thường ngày và phụng vụ. Thứ nhất, muối dùng cho việc tế lễ: “Các của Lễ của ngươi, ngươi sẽ lấy muối ướp chúng, ngươi không được để muối của Giao Ước với Thiên Chúa ngươi bị mất, cùng với tất cả các lễ phẩm của ngươi, ngươi sẽ dâng muối” (Lv 2,13; Cf. Er 6,9; Ed 43,24; Xh 30,35) và dùng vào việc thanh tẩy (2 V 2,20-21). Muối có thể dùng vào mục đích y học: “Còn việc sinh ra của ngươi: vào ngày ngươi mới sinh, không ai cắt dây rốn, không tắm sạch ngươi bằng nước, không sát muối ngươi, cũng không bọc tả ngươi” (Ed 16,4). Sách Dân Số nói đến “giao ước muối”, trong đó muối được dùng trong bữa ăn hiệp thông như dấu chỉ của Giao Ước, có lẽ nhằm bảo tồn, duy trì Giao Ước (Ds 18,19). Sách Công Vụ dùng động từ “συναλίζομαι” (gặp gỡ) để diễn tả sự hiện diện của Đức Giêsu Phục Sinh với các môn đệ trong khoảng thời gian dài, sau khi Người sống lại từ cõi chết (Cv 1,3). Động từ này còn có nghĩa đặc biệt là “ăn muối với”, có lẽ nhằm diễn tả sự hiệp thông Giao Ước giữa Đấng Phục Sinh với các môn đệ. Ngoài ra, chức năng thông thường của muối là bảo tồn thực phẩm (Tb 6,5; Br 6,27), thêm vị cho thức ăn (G 6,6; Is 30,24).
[3] Họ “là ánh sáng” toàn phần, toàn thời gian, chứ không phải một phần, và bán thời gian. Thiên Chúa là ánh sáng (1 Ga 1,5; Cf. Is 60,19-20; Kh 21,10-11). Sách Sáng Thế mô tả Thiên Chúa đã tạo dựng điều đầu tiên là “ánh sáng”: “Thiên Chúa phán: ‘Hãy có ánh sáng hãy hiện hữu’ và ánh sáng liền hiện hữu”. Bản văn của truyền thống Tư Tế (P) cho thấy tầm quan trọng của “ánh sáng” trên địa cầu này. Sau đó, tác giả còn mô tả những vật sáng cụ thể: “Thiên Chúa làm ra hai vật chiếu sáng lớn, vật chiếu sáng lớn hơn trở thành chủ ban ngày, và vật chiếu sáng nhỏ hơn thành chủ ban đêm và các vì sao” (St 1,16). Vịnh gia Đavit ca tụng Chúa là “ánh sáng và ơn cứu độ” của ông (Tv 27,1). “Lời của Chúa là ngọn đèn và là ánh sáng chỉ đường” cho dân Người (Tv 119,105; Cf. Cn 6,23). Sách Isaia mô tả Giêrusalem ngày phục hưng như là ánh sáng cho tất cả mọi dân: “Các dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, các vua hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước” (Is 60,1-3). Sứ vụ của dân Israel là “ánh sáng cho dân ngoại” (Cf. Is 60,4-5). Đức Giêsu được giới thiệu như là ánh sáng bừng lên giữa nơi tối tăm mà ngôn sứ Isaiah đã nói đến (Mt 4,16; Is 9,1). Người là ánh sáng soi đường cho dân ngoại (Lc 2,32). Tác giả Tin Mừng thứ tư đã giới thiệu ngay từ đầu: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế giới và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9) Ý tưởng “Đức Giêsu là “ánh sáng thế gian” đã được Đức Giêsu khẳng định nhiều lần trong Tin Mừng thứ tư: “Tôi là ánh sáng của thế giới” (8,12; 9,5); “Tôi là ánh sáng đến trong thế giới” (12,46), cùng với vô số lần ám chỉ khác nữa (Ga 3,19-21; 12,35-36). Như thế, ánh sáng nối kết với Thiên Chúa, Đấng Mêsiah của Người, dân Người, Luật, đền thờ, Giêrusalem.