Hãy sống sao cho nên công chính

Thứ bảy - 11/02/2023 18:57  372
2Chuyện kể rằng, ở một ngôi làng kia, có một thanh niên đang học cấp ba, và trong đầu anh suy tính thế nào mình cũng sẽ có bằng tốt nghiệp để tự hào với mọi người trong làng vì ở đây, tốt nghiệp phổ thông là điều xưa nay chưa từng có. Đàng khác, có một anh đang học cấp hai, nhưng trong đầu lại có suy nghĩ, sau này thế nào mình sẽ cố gắng học đại học và tiến thật xa trên đường tri thức.

Người học cấp ba, cách nào đó chỉ biết nhìn xuống và tự hào về những gì mình có, thì hẳn người đó không có một chân trời rộng mở, vì trong đầu anh đã có một hàng rào tự cao rằng mình hơn người khác. Còn người học cấp hai lại có chân trời rộng mở và lòng thiết tha tiến trên đường học vấn thì hẳn là sẽ có nhiều cơ may để thành công.

Có thể nói, câu chuyện trên đây mở ra một quy luật hiện sinh. Khi Chúa Giêsu rao giảng Tin mừng nước Thiên Chúa thì cũng có một quy luật tựa như vậy. Trong xã hội của người Do Thái, một bên là nhóm Xađốc, những người làm nghề thu thuế, những người sống dư giả, đầy đủ và luôn tự hào vì mình là người được Chúa thương. Đàng khác là những Kinh sư và Pharisêu, những người luôn tự hào vì đời sống nề nếp kỷ luật qua việc giữ luật một cách tỉ mỉ từng li từng tí. Tuy nhiên, đây lại là cách giữ luật theo nhãn quan của con người. Họ chỉ dựa vào năng lực của mình rồi so đo với người này người kia. Số đông những người còn lại là những người không có khả năng giữ Luật Môsê, bởi vì luật vừa nhiều lại vừa quá phức tạp.

Có thể nói, những Kinh sư và Pharisiêu thời Đức Kitô không phải là những người xấu, nhưng họ mới chỉ dừng lại ở chỗ giữ lề luật và phê phán người khác, nếu vi phạm lề luật. Họ tự nhận là công chính hơn người. Còn Chúa Giêsu đòi hỏi những người theo Chúa đi xa hơn, “Công chính hơn”. Không dừng lại ở cách sống “có đi có lại, mới tọai lòng nhau” hay đừng làm điều này, chớ làm điều kia như luật dạy, Chúa Giêsu còn công bố Hiến chương nước Trời cho những người đó. Ngài công bố cho những người thấp kém, tàn tật… nhưng cũng để nói cho những người đó rằng Chúa Giêsu không nhân nhượng: “Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20).

Chúa Giêsu thành toàn[1] luật Cựu ước và đặt vào đó tấm lòng nhân từ chứ không chỉ bên ngoài như lề luật của những người biệt phái. Chúa Giêsu mời gọi những ai theo Chúa học cách giữ luật ở một tầng cao mới. Ngài mời gọi mọi người tránh thái độ giữ luật “vừa vừa”. Nước của Thiên Chúa không phải là thái độ so đo tính toán làm sao vừa đủ để vào, nhưng là một lời mời gọi “anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện (Mt 5, 48). Ai mở lòng ra, dám can đảm, dám ước mơ đi vào nẻo đường hoàn thiện đó thì người ấy sẽ hiểu ra đây không phải là nẻo đường luân lý, nẻo đường dựa vào sức của mình mà là nẻo đường của Ơn cứu độ, nẻo đường của chính Thánh Thần Chúa, nẻo đường tình thương của chính Chúa.

Xã hội của thời đại mới là một “chiến trường” đầy bạo lực. Con người không cần lý lẽ. Người ta có thể dùng quyền để bẻ cong công lý. Người ta dùng sức mạnh để đè bẹp tự do và xâm phạm quyền sống của tha nhân. Giữa một thế giới mà con người luôn đòi loại trừ nhau bằng bạo lực, chỉ còn sự giả hình, thiếu tình liên đới với nhau; người tín hữu cần thể hiện cho người ta thấy lòng bao dung và tha thứ vẫn còn tồn tại trên trần gian. Vì Chúa, chúng ta vẫn có thể làm điều ấy.

Bài Tin mừng đặt trong bối cảnh bài giảng trên núi, Chúa Giêsu công bố hiến chương Nước Trời và ở đó không còn nỗ lực của con người mà chính quyền năng của Thiên Chúa sẽ quyết định. Nước Trời không còn là mỗi người loay hoay với khả năng của mình nhưng chính Thiên Chúa tặng ban nguồn sức sống của Ngài. Ai dám mơ ước cao vời thì chạy đến với tình thương và quyền năng của Chúa. Ai dám mơ ước đi chọn con đường công chính Chúa Giêsu mời gọi mới hiểu ra mình cần Thánh Thần Chúa và cần ơn Chúa để có thể đi vào Nước Trời. Hãy nhìn nhận mình yếu kém để chạy đến với Chúa bằng lòng khao khát nên hoàn thiện như Cha trên Trời.

Thái độ sống vị luật, sống trong nỗi sợ, không phải là con đường Chúa dạy. Con đường của Chúa dạy là yêu thương, thực thi bác ái từ trong trái tim, trong tâm khảm. Đối với Chúa, chớ giết người là giới răn Chúa truyền, nhưng: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Bất cứ ai giận anh em mình , thì đáng bị đưa ra tòa… Vậy nếu khi anh em sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”.
 

[1] Khi nói về mộtlời nói hay một lời loan báo, plêroô có nghĩa là “hiện tại hóa”; khi nói về mộtlệnh truyền, plêroô có nghĩa là “thi hành”. Mt dùng động từ này (plêroô / plêrôsai) 16 lần, mà có 12 lần là để đưa vào các câu trích Kinh Thánh. Các đoạn văn Kinh Thánh ấy được coi như được hiện tại hóa trong biến cố Giêsu, vì biến cố này vén mở cho thấy mộtý nghĩa mới của bản văn. Đức Giêsu khẳng định rằng Người hoàn tất Kinh Thánh, có nghĩa là Người đưa Kinh Thánh dến chỗ hoàn chỉnh, đạt ý nghĩa trọn vẹn. Người thực hiện Kinh Thánh không phải bằng cách “thi hành” những khoản luật sát mặt chữ, nhưng bằng cách vượt quá Kinh Thánh, đưa lại cho Kinh Thánh mộtý nghĩa mới (x. cc. 20-48). Như thế, câu 17 khẳng định có sự tiếp nối sâu xa từ Cựu Ước sang Tân Ước, đồng thời cho thấy Tân Ước vượt quá những giới hạn và những bất toàn của Cựu Ước.

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập330
  • Máy chủ tìm kiếm53
  • Khách viếng thăm277
  • Hôm nay38,607
  • Tháng hiện tại699,200
  • Tổng lượt truy cập70,726,957
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây