Chúa Nhật thứ VII thường niên A
“Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Lv 19,2). Đó là lời Thiên Chúa truyền cho Môsê để ông truyền lại cho dân. Kèm theo lệnh truyền là hàng loạt giáo huấn cụ thể sống yêu thương, đặc biệt là yêu thương người đồng loại. Trong Cựu Ước, người Do thái quan niệm “người anh em, người đồng loại” là người ruột thịt trong gia đình, là người cùng quê hương xứ sở, là đồng bào của mình. Trong thực hành, họ vẫn giữ một khoảng cách với người ngoài, thậm chí là thù ghét dân ngoại.
Đoạn Tin mừng hôm nay nằm trong chương 5 Tin Mừng theo Thánh Mátthêu. Nếu nhìn tổng thể chương này thì ở phần đầu, Đức Giêsu lên núi ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Ngài công bố bát phúc hay Hiến chương Nước Trời, sau đó là một loạt huấn dụ liên quan đến lề luật thánh. Mátthêu có lẽ cố tình trình bày hình ảnh Đức Giêsu lên núi, ngồi xuống và công bố lề luật. Trong công thức tuyên bố, Đức Giêsu lặp đi lặp lặp lại cấu trúc “anh em nghe luật sư dạy rằng” song song với “còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết”. Điều đó khẳng định Đức Giêsu là một Môsê mới, một Đấng ban lề luật mới. Ngài đến để hoàn thiện và nâng lề luật lên một tầm cao mới.
“Anh em nghe luật dạy rằng mắt đền mắt răng đền răng…”[1] (Mt 5, 38). Thoạt nhiên, chúng ta nghe thật khủng khiếp, một thứ hành xử kiểu “hòn đất ném đi hòn chì ném lại” (do út des). Đây là một cách hiểu không chính xác. Trong một thế giới mà sự thù hận lên ngôi, người ta đối xử với nhau theo cách “được đón nhận - đón nhận được”. Anh phá tôi một điều nhỏ tôi có thể đến làm hại anh một điều lớn hơn nhiều. Chính vì thế, luật Thiên Chúa trao cho ông Môsê để nhắc dân Chúa giữ công bằng và hạn chế báo thù.
Mạc khải của Thiên Chúa diễn ra một cách tiệm tiến và ít nhiều phản ánh tâm thức văn hóa, lối sống và suy nghĩ của con người thời đại. Trong lúc con người mang tâm thức trả thù báo oán, luật cần đưa ra để hạn chế báo thù. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đến nâng luật đó lên một tầm cao mới. Luật xưa dạy rằng “mắt đẹp mắt răng đền răng, còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác; trái lại, nếu ai bị vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì anh hãy cho; ai muốn vay mượn, thì anh đừng ngoảnh mặt đi…” (Mt 5,39-42). Anh em phải yêu kẻ thù vì anh em có một Cha trên trời. Kinh nghiệm hiện sinh cho thấy chúng ta có thể làm điều ấy nếu chúng ta thực sự ý thức cảm thức thuộc về. Xin được minh chứng:
Đời sống của cộng đồng nhân loại có thể tạm ví như việc xây nhà. Có hai loại nhà: Loại thứ nhất chú trọng đến việc nối kết kèo cột ăn khớp với nhau sao cho thật chắc. Loại thứ hai chú trọng đến móng nhà vững chắc. Loại nhà thứ nhất kèo và cột ăn khớp chặt chẽ với nhau. Điều này cũng giống như việc lựa người làm bạn là người hợp tính hợp nết để thán phục để trân trọng và yêu mến. Loại nhà thứ hai có móng vững chắc nhưng kèo cột lắm khi không ăn nhập với nhau tựa như trong gia đình nhiều khi anh chị em không hợp nhau, tính tình khác nhau nhưng cùng một nhà, cùng là anh chị em với nhau. Nhiều khi trong gia đình đó, anh em không chơi với nhau tựa như kiểu bện kèo cột bung ra nhưng nền móng lại là tình cha, nghĩa mẹ vẫn còn đó.
Nếu cuộc sống của chúng ta là hành trình xây nhà theo kiểu kèo cột, nghĩa là ta chơi với những ai hợp tính, đức độ theo cái nhìn của mình, nhưng không dễ! Con người “nhân vô thập toàn” thế nào cũng có lúc nhận ra cái cái xù xì, xấu xa, uẩn khúc trong bản ngã. Một khi ta cứ chăm chú vào tính tình đức độ thế nào nó cũng bung ra tựa như căn nhà không móng chỉ chắc kiểu cột rồi sẽ sụp đổ tan tành. Một khi ta hiểu căn nhà của mình có móng vững chắc, dù kèo cột có lỏng lẻo, nhưng nó vẫn đứng đó bởi lúc nào đó ta sẽ lên buộc lại vì cái móng của ngôi nhà vẫn còn đó.
Đời sống Đức Tin của chúng ta cũng vậy. Thiên Chúa mời gọi chúng ta yêu thương anh chị em mình không phải vì họ tốt, nhưng vì chúng ta có Thiên Chúa là Cha yêu thương mọi người và Đức Giêsu là Đấng chịu chết để cứu độ ta. Đức Giêsu xây lại căn nhà của xã hội trên một nền móng đó hầu chúng ta nhận ra mọi người là anh chị em. Đức Giêsu yêu cầu chúng ta yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi bởi chúng bởi vì “anh em là con cái của Cha các con, Ðấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương”[2] (Mt 5, 44).
Hãy trở về với Chúa là Cha yêu thương chúng ta. Ngài thương anh chị em của ta dù cho người đó bị coi là kẻ thù, là kẻ gian ác. Sống tâm thế đó sẽ gắn kết tình nghĩa cộng đoàn nhân loại với nhau và mời gọi ta từng bước hòa giải, thứ tha, đón nhận anh chị em mình. Trong đời sống thường nhật, một kẻ gian ác, đầy dẫy tật xấu; một kẻ hệ tham lam ngu muội, ăn chơi trác táng có thể không được ai thương. Ta dễ dàng đánh giá người khác trên kèo cột, trên đức tính trong khi Chúa muốn ta hiểu người đó thuộc về, là anh chị em của mình. Khi ấy, ta sẽ tạo nên một nền móng vững chắc, dễ dàng đón nhận và yêu thương họ.
[1] Nguyên tắc báo thù theo đó phạm nhân phải bị bồi thường tương xứng với thiệt hại đã gây nên, vẫn được áp dụng chung chung và từ lâu, trong thế giới văn minh. Nguyên tắc đã xuất hiện trong bộ luật Hammourai 2000 năm trước Chúa Giêsu. Ở đây nó quy chiếu về Xh 21, 24 (x. Đnl 19, 21; Lv 24, 20). Trong bối cảnh Cựu ước, nó nhấn mạnh đến tính cách nghiêm khắc cần thiết của hình phạt, song cũng đánh dấu một bước tiến quan trọng so với chế độ báo thù cá nhân hỗn loạn (xem bài ca man rợ trong St 4, 24 chẳng hạn).
[2] Hình như lời tuyên bố này không chỉ kết thúc đoạn văn về lòng yêu thương thù địch, mà còn kết thúc cả đoạn gồm cc. 17-48 về việc chu tất Lề luật theo quan niệm của Chúa Giêsu. “Câu nói” (logion) rõ ràng cảm hứng từ Lv 19, 2: “Hãy nên thánh, vì Ta là Đấng thánh” và từ Đnl 18, 3: “Ngươi hãy nên trọn. lành trước mặt Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. Có nhiều cách giải thích nó. Nhưng hình như phải loại bỏ ý tưởng về một sự tương đồng kiểu hữu thể học (xa lạ với tư tưởng Hy bá) hay kiểu luân lý học theo nghĩa tuyệt đối không thể phạm tội là một điều bát khả đối với tạo vật, trừ phi được đặc ân ngoại thường). Thật ra, chủ đề “trọn lành”, trong các bản văn Kinh Thánh, diễn tả ý tưởng dấn thân hoàn toàn, thuộc trọn về một mình Thiên Chúa. Đó cũng là ý nghĩa của teleios (trọn lành) được một dùng thêm một lần nữa, trong câu chuyện Chúa Giêsu đề nghị người thanh niên giàu có bán của cải anh ta có và đi theo Người nếu anh muốn nên trọn lành (19, 21). Hạn từ này xem ra liên hệ với hạn từ công chính”: người trọn lành là người thực thi tròn đầy Lề luật đã được Chúa Kitô tái giải thích.