Chúa Nhật IV Thường Niên - Năm A
Xp 2,3; 3,12-13; 1Cr 1,26-31; Mt 5,1-12a
Trong dịp tết Quý Mão vừa qua, chúng ta đã đón nhận được rất nhiều lời cầu chúc tốt tốt đẹp từ thân nhân bạn bè. Trong đó có lẽ lời cầu chúc bao gồm mọi lời chúc là được hạnh phúc. Quả thật, hạnh phúc là khao khát và mục đích sống của mọi người. Ai cũng mong muốn mình được hạnh phúc. Thiên Chúa cũng bận tâm đến hạnh phúc của con người. Những gì Ngài đã làm: từ sáng tạo, nhập thể, cứu chuộc, và thánh hóa, đều nhằm đem lại hạnh phúc đời này và đời sau cho con người. Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta biết đâu là con đường dẫn đến hạnh phúc thật.
Người đời thường coi hạnh phúc bắt nguồn từ giàu sang, no đủ, từ danh thơm tiếng tốt..., nhưng Đức Giêsu có cái nhìn khác và đánh giá khác. Khi tuyên bố: Phúc cho những người có tâm hồn nghèo khó, đói khát, sầu khổ, bị bách hại… vì Chúa. Ngài cũng không chủ trương bần cùng hoá thế giới này. Những người nghèo khó không chỉ thuần tuý là những người thiếu cơm ăn áo mặc, nhưng là những người biết tín thác cuộc đời trong tay Thiên Chúa, biết cậy dựa vào Chúa, lấy Chúa làm cứu cánh của cuộc đời mình như bài đọc I ngôn sứ Xôphônia đã diễn tả. Như thế, họ sẽ trở thành những người có Thiên Chúa làm gia nghiệp, và họ sẽ là những người được hạnh phúc thực sự.
Nhiều người trẻ cho rằng hạnh phúc là phải có từ 1 đến 5. Tức là: Một là vợ đẹp, Hai là con khôn, Ba là nhà 3 tầng, Bốn là xe 4 bánh và Năm là đi du lịch 5 Châu. Nhưng kinh nghiệm cuộc sống cho thấy, tiền bạc, của cải, danh vọng và lạc thú không thể đem lại cho con người hạnh phúc đích thực. Bao nhiêu doanh nhân giàu có, hay các minh tinh màn bạc nổi tiếng có đầy đủ mọi thứ mà người đời xem là hạnh phúc, nhưng họ bất an và cuối cùng phải bỏ lại tất cả sau cái chết, thậm chí có người đã tự tìm đến cái chết, vì thấy cuộc sống trống rỗng và cô đơn.
Chúa Giêsu không lên án người giàu chỉ vì họ có nhiều tiền của, nhưng chỉ lên án những người giàu có không sử dụng của cải cho đúng, thậm chí còn dùng của cải như chướng ngại ngăn cản họ vào Nước Trời. Khi họ không phân định rõ ràng giữa phương tiện và mục đích, không nghĩ tới cùng đích của đời mình, không màng tới Thiên Chúa, mà cứ tìm tiền, tìm danh lợi, tìm lạc thú nhằm no thỏa nơi cuộc sống trần thế này.
Dưới mắt Chúa, làm giàu một cách lương thiện không phải là tội. Tiêu dùng của cải do mình làm ra không xấu, nhưng mải mê hưởng thụ và nhắm mắt làm ngơ trước nỗi khổ của tha nhân mới là điều đáng trách như dụ ngôn người giàu vô tâm và anh Lazarô khốn khổ đã cho chúng ta thấy. Quả thật, Thiên Chúa đã dựng nên trái tim con người, để rung lên những nhịp đập yêu thương, và trao tặng cho con người đôi tay để mở ra chia sẻ. Người nào khoá lại trái tim và nắm chặt đôi tay là đi ngược với bản tính con người mà Thiên Chúa đã dựng nên.
Hạnh phúc đích thực không phụ thuộc nơi của cải, hay những gì mình chiếm hữu, nhưng phụ thuộc vào những gì mình đã trao ban. Vì thế, thánh Phaolô đã khẳng định: Cho thì có phúc hơn là nhận. Hạnh phúc đích thực không nằm trong những lời ca tụng, hay trong chức tước quyền uy, nhưng nằm trong sự an bình vui tươi của một lương tâm ngay thẳng, khi sống hòa hợp với Thiên Chúa và yêu thương mọi người.
Sống trong cuộc đời, mỗi người đều phải vất vả làm việc để có của cải để nuôi sống bản thân và gia đình. Tiền bạc, của cải là điều cần thiết cho cuộc sống, nhưng không phải là mục tiêu tối hậu của con người. Điều quan trọng là chọn Chúa là cùng đích, còn ngoài Ngài ra, tất cả chỉ là phương tiện giúp đạt được hạnh phúc đích thực là hạnh phúc Nước Trời. Không có Ngài, thì không có hạnh phúc đích thực. Khi sống trông cậy và phó thác vào Chúa, chúng ta sẽ cảm thấy tự do đối với của cải, vật chất. Khi đó, dù phải vất vả với cuộc sống, chúng ta vẫn an vui và sẵn sàng quan tâm chia sẻ những gì có thể cho những anh chị em con cùng một Cha trên trời.
Mẹ Têrêxa là người sống trong thời đại chúng ta. Mẹ đã tận hiến cuộc đời mình cho những người nghèo và tất cả những gì của mẹ đều thuộc về những người nghèo đói, khổ đau, vì Mẹ luôn gắn kết cuộc đời mình với Đức Kitô, tín thác cuộc đời trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa. Mẹ đã lấy Thiên Chúa làm cứu cánh và cùng đích của cuộc đời, và giờ đây Mẹ đang hưởng hạnh phúc thiên đàng bên Chúa. Người Kitô hữu chúng ta cần tập thói quen sống vì Chúa, vì tha nhân và đem hạnh phúc đến cho mọi người.
Mỗi người chúng ta cho dù là người giàu sang hay người đói khổ, vẫn có thể trở thành “người nghèo của Thiên Chúa”, cho đi tất cả vì yêu mến và tín thác cuộc đời mình cho Thiên Chúa, lấy Chúa làm niềm cậy trông là niềm hạnh phúc. Xin cho mỗi chúng ta cho dẫu có là người nghèo khó, vất vả, khổ đau hay là người giàu có, biết lấy Chúa là niềm cậy trông, là niềm hạnh phúc. Amen.