Sống công chính hơn để vào Nước Trời

Thứ bảy - 11/02/2023 04:06  497
Chúa Nhật VI Thường Niên Năm A
Hc 15,16-21; 1Cr 2,6-10; Mt 5,17-37

istockphoto 1216758445 612x612Sống trong cuộc đời, ai cũng mong muốn và cố gắng thăng tiến bản thân, gia đình, xã hội mỗi ngày. Chúng ta vẫn thích những gì là hơn: cao hơn, đẹp hơn, giàu hơn, sang hơn… Còn Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta sống công chính hơn. Công chính hơn những kinh sư và người Pharisiêu thì mới được vào Nước Trời.

Công chính theo cách hiểu của Do Thái giáo, là sống trung thành với lề luật của Thiên Chúa đã được Mạc Khải qua kinh thánh Cựu Ước như: không giết người, không ngoại tình, không thề thốt, không trộm cắp, không làm chứng gian, yêu đồng loại.... Các kinh sư và những người Pharisiêu được xem là những người hiểu biết lề luật và trung thành tuân giữ. Họ giữ luật cách tỉ mỉ, kỹ càng và sẵn sàng bắt bẻ Chúa Giêsu, cũng như những người khác về ngày Sa bát, về việc ăn chay, thanh sạch. Họ tự coi mình là công chính, hay được những người khác nhìn nhận và khen ngợi là công chính. Sự công chính như thế thường dễ nhận thấy và đánh giá qua vẻ bên ngoài. Chúa Giêsu không muốn chúng ta sống công chính như thế. Ngài đến không phải là để bãi bỏ lề luật, nhưng để kiện toàn và mời gọi chúng ta sống công chính trong tự do và chân thật. Chúa đến để chúng ta được “sống và sống dồi dào” (Ga 10,10) chứ không quá nệ luật mà thiếu bác ái yêu thương. Nếu chỉ sống công chính như các kinh sư và những người pharisêu, thì không đủ điều kiện để được gọi là công dân của nước trời. Giữ luật cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng bên ngoài mà tâm hồn đầy bóng tối tội lỗi thì cũng vô ích, khả năng sẽ gây ra phiền toái hay hậu quả khó lường cho bản thân và tha nhân. Do vậy, Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ của người phải sống công chính hơn, mức độ cao hơn, hoàn thiện hơn. Đó là sự công chính từ bên trong tâm hồn.

Cách cụ thể, thay vì chỉ dừng lại ở việc cấm giết người, Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta diệt trừ tận gốc mầm mống dẫn đến giết người như đừng giận hờn, mắng chửi anh chị em mình. Thật vậy, sự nóng giận lắm khi là cội rễ của những hành động khác tồi tệ hơn bởi vì khi giận thì mất khôn. Tuy giận dữ, chửi hoặc mắng, xem ra chẳng là gì so với giết người, nhưng có khi sự tức giận, lăng mạ nói xấu, xỉa sói anh chị em, có thể để lại những vết sẹo sâu trong tâm hồn không dễ gì lành lại, thì đó chẳng khác gì một hình thức giết người không dao. Hay trong đời sống hôn nhân gia đình, Chúa muốn chúng ta phải vượt trên sự ích kỷ và dục vọng của bản thân, để biết nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá của nhau cũng như tôn trọng sự chung thuỷ của hôn nhân, Chúa Giêsu không chỉ dạy: “Chớ ngoại tình”, mà ngài còn nhấn mạnh: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi”. Ham muốn trong lòng mới là cái gốc của tội, hành vi bên ngoài chỉ là cái ngọn. Tội lỗi thì phải diệt tận gốc, chỉ diệt ngọn thì vẫn còn y nguyên. Chúa không chỉ đòi ta phải giữ gìn sự trong sạch cho thân xác, mà còn đòi ta phải giữ gìn sự trong sạch cho tâm hồn nữa….

Mỗi Kitô Hữu chúng ta đều được mời gọi tiến bước trên con đường trọn lành. Con đường công chính theo tiêu chuẩn Nước Trời, mà chúa Giêsu đã vạch ra. Tin Mừng của Chúa Giêsu là một đòi hỏi quyết liệt. Luật của Tin Mừng là làm cho những giới răn của Thiên Chúa được nên trọn hảo. Đòi hỏi này muốn chúng ta đem Luật vào trong trái tim, chi phối hướng dẫn từ suy nghĩ đến hành động của con người. Vì vậy, người môn đệ của Chúa không thể giữ luật chỉ theo mặt chữ bên ngoài, cũng không tuỳ tiện giải thích luật Chúa cho phù hợp với cách sống của mình. Trái lại, phải uốn mình theo lề luật của Thiên Chúa, để cho Lời Chúa cắt tỉa, sửa chữa, uốn nắn lời nói, cử chỉ, hành động của mình theo đòi hỏi của Tin Mừng.

Sự công chính của Nước Trời đòi buộc một mối tương quan hài hòa, trong sáng giữa con người với nhau. Mối tương quan hòa thuận có khi còn cấp bách và cần thiết hơn cả việc phụng thờ Thiên Chúa. Sự va chạm, bất hòa do nhiều khác biệt trong đời sống gia đình, làng xóm, xã hội là điều không thể tránh khỏi, nhưng việc làm hòa không được chậm trễ. Làm hòa không phải là một sự chọn lựa, mà là một đòi buộc của Tin Mừng. Mỗi khi có sự bất hòa, Chúa Giêsu không bảo hãy tranh luận xem ai đúng ai sai; ai phải xin lỗi ai phải đi bước trước, nhưng bất cứ ai sực nhớ mình có người anh chị em đang bất hòa, thì hãy gác lại những chuyện khác, ngay cả việc chính đáng là dâng của lễ trên bàn thờ, mà nhanh chóng và chủ động đi làm hòa với người anh chị em của mình. Bất cứ sự trì hoãn nào trong việc giao hòa với nhau dù vì bất cứ lý do gì, đều có thể phải trả bằng cái giá rất đắt.

Thật vậy, những sự bất hòa nho nhỏ, nếu không sớm giảng hòa, bỏ qua và bao dung cho nhau, thì có thể dẫn đến những bất hòa lớn hơn, tổn thương nhau nhiều hơn. Thậm chí nếu kéo nhau ra tòa, thì cái giá hai bên phải trả đều rất đắt, đắt đến đồng xu cuối cùng; đắt vì mất tình, mất hòa khí, mất tương quan, mất bình an, mất niềm vui, mất tiền bạc, và nhất là mất ơn nghĩa Chúa. Vì thế, cao hơn, đẹp hơn, giàu hơn hay sang hơn đều tốt, nhưng công chính hơn mới thật sự mang lại cho chúng ta bình an và thanh thản thật sự. Sống công chính như Chúa mời gọi, chúng ta mới yêu thương và tôn trọng nhau, làm cho tâm hồn ta vươn cao tỏa sáng trong sự thiện hảo, và đạt tới niềm vui ơn cứu độ muôn đời.

Xin chúa giúp mỗi người chúng con tuân giữ lề luật với lòng yêu mến, để luôn có tấm lòng nhân hậu và bao dung, quảng đại và thứ tha, trong sạch và thành thật. Nhờ đó, chúng con luôn sống đẹp lòng Chúa và yêu thương nhau hơn. Amen.

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập335
  • Máy chủ tìm kiếm56
  • Khách viếng thăm279
  • Hôm nay73,711
  • Tháng hiện tại679,681
  • Tổng lượt truy cập70,707,438
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây