Tình yêu đáp đền tình yêu

Chủ nhật - 22/01/2023 03:47  568
1102014624 univ lsr xlTrong nhạc phẩm “Chúa đã yêu con”, Linh mục Đàm Ninh Hoa đã viết: “Từ muôn đời Chúa đã thương con, và còn yêu con mãi mãi…”. Không ai trong chúng ta có thể phủ nhận một sự thật rằng: Ơn gọi xuất phát từ tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Chính từ ý định nhiệm mầu ấy mà nhiều người được gọi bước vào con đường chẳng mấy ai đi. Chẳng mấy ai đi vì tiếng gọi ấy là tiếng gọi phải “chết cho thế gian”, phải “qua cửa hẹp”, nên những người được gọi gặp phải không ít khó khăn. Dù cho đó là đời dâng hiến hay hôn nhân gia đình, bậc sống nào cũng là một ơn gọi và có những thách đố chông gai. Điều quan trọng là người được kêu gọi biết nhận ra Thiên Chúa muốn mình sống ở bậc sống nào, để khi đáp lời, chúng ta hi vọng có đủ sức mạnh để sống hạnh phúc giữa biển trời phong ba ấy.

Vào ngày lễ kính thánh Giê-rô-ni-mô 30/09/2019, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã ban Tông sắc Aperuit Illis - Ngài đã mở trí cho họ, để thiết lập Chúa Nhật III Thường Niên là Chúa Nhật Lời Chúa.

Thật ra, mỗi lần tham dự Thánh lễ là mỗi lần chúng ta tôn kính Lời Chúa là nguồn sống của các tín hữu rồi. Hiến chế Mặc Khải viết: “Giáo Hội vẫn luôn tôn kính Thánh Kinh giống như tôn kính chính Thánh Thể Chúa, đặc biệt trong Phụng Vụ Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Mình Chúa Ki-tô để trao ban cho các tín hữu”.[1]

Vì thế, khi thiết lập Chúa Nhật III Thường Niên là Chúa Nhật Lời Chúa, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu ý thức nhiều hơn về tầm quan trọng của Lời Chúa trong cuộc sống của mình khi đề nghị “các linh mục ở giáo xứ có thể tìm ra hình thức tương xứng nhất để đặt cuốn Kinh Thánh, hay một trong các sách của bộ Kinh Thánh, cho toàn thể cộng đoàn, để làm nổi bật tầm quan trọng của việc tiếp tục đọc bản văn trong đời sống hàng ngày, để đào sâu bản văn và để cầu nguyện với Kinh Thánh, trong khi tham chiếu bằng cách thế đặc biệt theo cách đọc Lectio Divina”[2]

Trong Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật III Thường Niên năm A, Bài Đọc I và Tin Mừng nêu bật sứ vụ khởi đầu của Đức Giê-su: chính ở Ga-li-lê[3], miền đất của dân ngoại, Đức Giê-su chọn để công bố Lời Ngài, trong khi Bài Đọc I ghi lại lời kêu gọi khẩn thiết của thánh Phao-lô về sự hiệp nhất của các Ki-tô hữu.

Sự đáp trả tiếng Chúa gọi

“Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Chúng ta có lẽ sẽ ngỡ ngàng vì thấy Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ của người một cách thật lạ lùng. Người đang đi dọc biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Chúa liền cất tiếng gọi các ông. Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền, Đức Giêsu cũng cất tiếng gọi một cách hết sức tự nhiên, nhưng sức mạnh và quyền năng lời mời gọi của Đức Giêsu thât lạ lùng: Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.[4] Riêng hai anh em kia còn để lại cha vá lưới một mình mà theo Đức Giêsu ngay lập tức! Chúng ta hết sức cảm phục sự dứt khoát đến kinh ngạc của hai cặp anh em này. Theo giải thích của các nhà chú giải Thánh kinh, Chúa Giêsu đã biết Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan. Người đã gặp họ tại nơi ông Gioan rao giảng[5]. Họ đều là những người lao động chính vì thế họ mang trong mình một tinh thần trẻ trung, cởi mở, không tính toán thiệt hơn. Chẳng thế mà khi nghe lời mời gọi của Đức Giêsu, họ lập tức bỏ nghề chài lưới, bỏ cha mẹ để theo Người. Rồi khi đã đi theo Chúa, họ cũng nhiệt tâm trong nhiệm vụ của một “kẻ lưới người”.

Như vậy, điều kiện tiên quyết để có thể theo Đức Giêsu đó là phải từ bỏ. Có lẽ ngày nay Chúa không bắt chúng ta phải từ bỏ nghề nghiệp, lìa bỏ một cách tuyệt đối mối tương quan với những người thân thuộc như bốn môn đệ đầu tiên, nhưng “từ bỏ” ở đây chính là cởi bỏ con người cũ của mình, từ bỏ những gì nghịch lại với giới luật Chúa để chọn Chúa là người bạn tâm phúc. Đứng trước những lời mời gọi ấy, ta phải có sự đáp trả một cách dứt khoát. Ấy mới thấy đòi hỏi nơi đức Giêsu: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mt 10, 37-39).

Sống tương quan với Chúa bằng đời sống nội tâm

Điểm thứ hai chúng ta thấy được nơi “cuộc hội ngộ” nơi biển hồ Galilê giữa Chúa Giêsu với các bốn môn đệ đầu tiên của Ngài đó là những người được gọi lập tức đi theo Người trong sự mau mắn: “lập tức các ông bỏ chài lưới mà đi theo Người”. Có lẽ, trong giờ phút ấy các ông cũng chẳng quan tâm đến những gì bên ngoài, mà thay vào đó, với tất cả sự hân hoan nơi thẳm sâu cõi lòng, các ông đã mau mắn lên đường. Đó cũng chính là bài học cho mỗi chúng ta trong hành trình theo Chúa. Hành trình theo Chúa của chúng ta mặc dầu không loại bỏ hoàn toàn hình thức, nhưng một điều chắc chắn nó phải đi sâu vào chiều kích nội tâm bên trong. Kết quả sẽ rất bi đát, nếu chỉ sống đạo bằng một khuôn khổ nặng về hình thức, mà nhẹ bên trong. Bởi vì Chúa thấu suốt mọi sự, sẽ chẳng ban thưởng gì cho họ. Chúa phán: “Khi làm việc lành phúc đức, các con phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, các con chẳng được Cha của các con, Đấng ngự trên trời ban thưởng” (Mt 6,1). Ngoài ra, trong Tin Mừng, chúng ta cũng thấy các tác giả ghi lại việc Chúa Giêsu kể ra cách thức để thực hành việc cầu nguyện[6] ,ăn chay[7] và bố thí[8].

Vì phản bội Thiên Chúa, tội lỗi đã tràn ngập dương thế và ma quỷ đã có một quyền thống trị trên con người, khiến con người “bị cầm giữ dước quyền của kẻ nắm quyền thống trị của sự chết, tức là ma quỷ”[9]. Trong “Thông điệp sự sống”, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II cũng nhắc đến một nền văn minh sự chết trong thế giới hôm nay. Người kitô hữu nhiều khi cũng theo vòng xoáy ấy mà sống đối nghịch với những giới luật của Thiên Chúa. Chúng ta khó chấp nhận một sự từ bỏ những thứ mà thế gian đang theo đuổi. Đó là tiền tài, danh vọng, chức quyền…, thậm chí có những người coi đó là cùng đích, là tất cả của cuộc đời. Nhiều khi vì muốn được những điều đó mà chúng ta sẵn sàng khép mình trong một lối sống ích kỉ, nhỏ nhen. Đó là khi chúng ta sống hưởng thụ, ích kỷ, chỉ chăm lo cho ốc đảo của riêng mình; đó là khi chúng ta bỏ qua lời thề ước của hôn nhân để ngoại tình; đó là khi những người mẹ giết con bằng hành vi phá thai; đó là khi những người trẻ sống buông thả; đó là khi chúng ta coi trọng những cuộc nhậu nhẹt say sưa hơn là các giờ kinh lễ; đó là khi chúng ta vì cái tôi của mình mà gây chia rẽ, hận thù và phá vỡ mối giây hiệp nhất trong cộng đoàn... Chính những lối sống thiển cận đó làm cho cuộc sống của những con người ấy trở nên nhạt nhẽo, tầm thường, không mục đích. Ấy mới thấy sâu sắc lời nhắc nhở vang vọng nơi Tin mừng: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 16,20).

Sống ơn gọi Kitô hữu làm thăng tiến đời sống trong mối tương quan nội tâm với Chúa và với “hình ảnh của Ngài” là những người đang sống bên chúng ta. Tuy vậy; ngày nay, nhiều người mang trong mình một niềm tin quá nặng hình thức bề ngoài, Nhiều khi chúng ta cứ nghĩ rằng đọc thật nhiều kinh, tổ chức thật nhiều sự kiện sẽ làm rạng ngời danh Chúa; điều đó không sai, nhưng chưa đủ. Điều quan trọng nhất đó chính là phải yêu thương những người anh em, đặc biệt là những người đau khổ, bất hạnh… “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23 – 24). Tuy nhiên, để thực hiện điều ấy không hề dễ, nhiều khi chúng ta núp bóng bộ mặt thương yêu giả dối với anh chị em của mình dưới khiên che là những lời nói, những lời cầu chúc hão huyền, chúng ta sống với con người như lời Thánh vịnh 62 mô tả: "Miệng thì chúc phúc cầu an - Mà lòng nguyền rủa chứa chan những lời" (Tv 62,5).

Cuộc sống chúng ta luôn có những thách đố và khủng hoảng. Hành trình làm con Chúa cũng tồn tại nhiều nghi ngờ và e ngại. Dấn thân theo Đức Kitô, để trở thành người môn đệ đích thực của Người cũng thật chông gai và nhiều cam go. Chúng ta luôn mong tìm được một hướng đi nào đó thích hợp, bớt được những khó khăn thì mãn nguyện và hạnh phúc. Thế nhưng, điều này còn nhiều bước cản, vì con người thì giới hạn mà khát vọng lại vô cùng. Chính vì vậy, con người phải biết nhìn nhận sự giới hạn, bất toàn của mình; từ đó thêm niềm tin tưởng cậy trông nơi tình yêu Chúa. Dẫu biết rằng những thử thách là điều không thể tránh khỏi, nhưng hãy sống sao để biến những thử thách ấy thành những“ thử thách hồng phúc”. Những thử thách ấy ta được thanh luyện để nên đồng hình đồng dạng với Chúa hơn.
 

[1] Hiến chế Mặc Khải, số 22
[2] Tông sắc Aperuit Illis, số 3
[3] Sau khi đã mô tả ơn gọi của các môn đệ đầu tiên, thánh Mát-thêu lại tiếp tục trình bày sứ vụ của Đức Giê-su: “Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, loan báo Tin Mừng Nước Trời, và chữa dân chúng hết bệnh hoạn tật nguyền” (4: 23). Ở đây, chúng ta thấy ba khía cạnh sứ vụ của Đức Giê-su: giảng dạy - loan báo Tin Mừng Nước Trời - chữa lành. Chúng ta sẽ gặp lại đúng y nguyên trình tự này ở 9: 35: “Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền”.

Phạm vi hoạt động của Đức Giê-su được ghi nhận “khắp miền Ga-li-lê”. Ngài không tự giới hạn vào việc quy tụ một nhóm nhỏ môn đệ, một trường đào tạo, theo cách thức của các kinh sư, nhưng với tư cách một nhà giảng thuyết lưu động, Đức Giê-su muốn rằng sứ điệp của Ngài phải đến với tất cả mọi người và được lan truyền ra khắp nơi.

 
[4] Lời rao giảng của Đức Giê-su ở miền Ga-li-lê được ghi nhận là đã gặp thấy lời đáp trả tích cực ở nơi bốn môn đệ đầu tiên. Bài trình thuật của thánh Mát-thêu về ơn gọi của các môn đệ đầu tiên rất gần với bài trình thuật của thánh Mác-cô (bài trình thuật Lu-ca thì hơi khác). Câu chuyện thật đột ngột: hai anh em ông Si-mon và ông An-rê đang thả lưới bắt cá, liền bỏ nghề nghiệp của mình mà cất bước theo Đức Giê-su. Còn hai anh em ông Gia-cô-bê và ông Gioan, sự đoạn tuyệt càng mãnh liệt hơn, họ không chỉ bỏ lại nghề nghiệp của mình, nhưng còn cả người cha mà họ có bổn phận phụng dưỡng nữa. Trước đây, chỉ vọn vẹn có ba từ: “Người bỏ Na-da-rét” gợi lên việc Đức Giê-su thoát ly gia đình, bạn bè, nghề nghiệp và làng quê thân yêu Ngài, giờ đây Ngài cũng sẽ đòi hỏi các môn đệ của Ngài một đoạn tuyệt như vậy.

Hai anh em Si-mon và An-rê cũng như hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an ở đây chưa được gọi là môn đệ. Đức Giê-su chỉ đòi hỏi họ đi theo Ngài, như ngôn sứ Ê-li-a đã làm như thế đối với Ê-li-sa (x. 1V 19: 20-21). Tuy nhiên, chúng ta có thể đọc thấy ở đây mối liên hệ của thầy với trò rồi, nhất là khi thêm vào “Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”, Đức Giê-su ngay tức khắc liên kết họ vào sứ mạng của Ngài. Bài diễn từ sai đi (ch, 10) và dụ ngôn chiếc lưới thả xuống biển (13: 47-50) sẽ đem lại nền tảng vững chắc cho lời công bố bí nhiệm nầy. Khi gọi những cộng tác viên đầu tiên của mình và mời gọi họ thoát ly khỏi môi trường gia đình và nghề nghiệp của họ, Ngài muốn nói với họ tầm mức biểu tượng sứ mạng của họ: tiếp nối sứ mạng của Ngài, đồng thời biến đổi hoàn cảnh phàm nhân của họ. Thánh Mát-thêu nhấn mạnh vừa sự nối tiếp lẫn sự đoạn tuyệt trong lời mời gọi theo Ngài.

 
[5] x. Ga 1,35
[6] x.Mt 6, 5-6
[7] x.Mt 6, 16 - 18
[8] x.Mt 6, 2 - 4
[9] x. GLHTCG số 407

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập331
  • Máy chủ tìm kiếm32
  • Khách viếng thăm299
  • Hôm nay55,663
  • Tháng hiện tại1,077,663
  • Tổng lượt truy cập71,105,420
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây