CN IV: Lumen de Lumine - Ánh sáng bởi ánh sáng

Thứ bảy - 18/03/2023 05:40  862
001 gnpi 061 jesus blind manỞ đời, khi nói về nỗi khổ thể lý của người bị mù lòa, người ta vẫn thường nói: “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”; còn đối với các thi sĩ thì con mắt là một cái gì đó rất thơ mộng! Nó luôn gợi hứng cho những ai yêu mến thơ văn có thể sáng tác… Vì thế, có câu: “Mắt em là một dòng sông, thuyền ta bơi lặn trong dòng mắt em” (Lưu trọng Lư); hay đối với những nhà nhân tướng học thì: “Con mắt là phản ảnh của tâm hồn”; hoặc với các nhà khoa học thì: “Con mắt được coi như một chiếc máy chụp rất nhỏ nhưng rất tinh vi và phức tạp, chưa có một máy kỹ thuật số nào sánh kịp […]. Con mắt thâu 80% số vốn kiến thức mà con người hấp thụ được…”.[1]

Bài đọc I tường thuật câu chuyện tiên tri Samuel tuyển chọn người làm Vua cho dân Do thái. Ông đến gia đình ông Isai và ông Isai dẫn đến những đứa con từ lớn đến bé. Khi ấy, Chúa nói với ông rằng đừng nhìn vóc dáng bề ngoài của nó. Người phàm chỉ thấy những cái bề ngoài, còn Thiên Chúa thấy tận đáy lòng. Việc Chúa yêu cầu Samuel xức dầu cho đứa con út của Isai là minh chứng cho điều đó.[2]

Hình ảnh người mù trong bài Tin mừng hôm nay cũng vậy. Đối với những người Do thái, những Luật sĩ và Pharisêu vẫn coi bệnh tật bởi từ tội lỗi mà ra. Không phải tội của nó thì là tội của bố mẹ nó vì nó mù từ lúc mới sinh. Con người ta là thế. Nếu ai đó một thời vướng vào cái tội gọi là “đầu trộm đuôi cướp” thì cả đời không thể thoát ra khỏi ánh mắt coi thường, khinh khi, dẫu giờ này người đó tốt lành, hoàn lương! Hay một cô gái nào đó chỉ vì trót dại, và cũng có thể vì hoàn cảnh bị ép buộc phải làm gái điếm… thì mặc cho cô ta đã hối hận, quay đầu trở về và hướng thiện, thì cũng không bao giờ tránh được sự dè bửu, chê bai và cả đời không bao giờ rửa hết nỗi nhục của bán thân. Hoặc một bạn trẻ nào đó, thời thanh niên, vì thiếu suy nghĩ, ham chơi, nên sa vào nghiện ngập, hút trích… thì dưới con mắt của chúng ta, họ là đồ bỏ, và cả những người có lòng giúp đỡ họ cũng bị khinh thường theo!

Tuy nhiên, trong mắt Đức Giêsu, anh ta là người cần được xót thương và Ngài đã đến bên cạnh và chữa lành cho anh. Ngài nói với anh đi rửa ở hồ Siloac, anh đã thực hiện theo và anh ta được chữa lành. Điều đó khiến cho mọi người Do Thái, luật sĩ và biệt phái xôn xao.[3] Từ “xôn xao” cho thấy họ mới thật sự là mù. Họ mù bởi vì họ không thấy được tình yêu của Thiên Chúa đang được thi thố trên cuộc đời người mù.

Khi so sánh hình ảnh người mù này với người mù tại Giêrikhô, ta thấy một chút khác biệt. Người mù tại Giêrikhô ngồi bên vệ đường, khi Chúa Giêsu đi ngang, thì lên tiếng: “Lạy Con vua Đavít xin thương xót tôi”. Còn người mù hôm nay không nói hay lên tiếng gì cả. Chúa Giêsu nhìn thấy và chữa lành cho anh. Đó là cả một tiến trình của Đức Tin. Khi mở đầu, Chúa Giêsu hỏi “Anh có tin Con Thiên Chúa không?” Anh thưa: “Thưa Ngài, nhưng Người là ai để tôi tin Người?” Chúa Giêsu đáp: “Anh đang nhìn thấy Người và chính Người đang nói với anh”. Anh ta liền nói: “Lạy Ngài, tôi tin”, và anh ta sấp mình thờ lạy Người.[4]

Lời tựa của Tin mừng Gioan khẳng định: Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận (Ga 1,9-11). Tuy nhiên, không ai có thể dập tắt được ánh sáng ấy. Đức Kitô đã đến trần gian, để biến đổi tất cả mọi người, giải phóng con người khỏi bóng tối và đưa vào thế giới của ánh sáng. Điều này được thánh Phaolô nói tới trong thư gửi tín Êphêsô: “Anh em thân mến, xưa kia anh em là sự tối tăm, nhưng bây giờ, anh em là sự sáng trong Chúa. Anh em hãy ăn ở như con của sự sáng, bởi vì hoa trái của sự sáng ở tại tất cả những gì là tốt lành, là công chính và chân thật” (Ep 5, 8-9).[5]

Đó cũng là sứ điệp mà Giáo hội muốn gửi đến cho chúng ta hôm nay. Đức Kitô là ánh sáng trần gian và ai theo Ngài thì sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống. Xin cho tất cả chúng ta biết theo gương Đức Kitô, tin tưởng vào Ngài và nhờ ánh sáng của Ngài, tất cả chúng ta thấy rõ con đường chúng ta phải đi, con đường theo chân Chúa. Đó cũng là con Giáo hội nhắc nhở chúng ta trong Mùa Chay thánh về công việc Thiên Chúa ưa thích là “mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ;thấy ai mình trần thì cho áo che thân,không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? (Is 58, 6-7). Như vậy, ánh sáng của anh em sẽ bừng lên giữa thế giới này và đó cũng là lời kết thúc của thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Êphêsô “Hỡi kẻ đang ngủ, hãy thức dậy, hãy vùng dậy ra khỏi cõi chết, và Chúa Kitô sẽ chiếu sáng trên ngươi” (Ep 5,14).[6]  Ước mong tất cả chúng ta thực sự trở nên con cái của sự sáng nơi chính cuộc sống này, đặc biệt qua những việc bác ái yêu thương. Mong cho mọi người chúng ta vững bước tiến vào Vương quốc của ánh sáng.

Xin được mượn lời của ca khúc Hãy chỗi dậy của Lm. Ns. Kim Long thay cho lời cầu chúc:

“Hãy trỗi dậy hỡi ai ngủ mê, hãy trỗi dậy từ cõi chết. Chúa sẽ chiếu ngời ánh quang vinh trên đầu ngươi. Đã bao năm qua gian trần miệt mài sống trong vòng u tối, giờ được Chúa dẫn vào nguồn sáng ta hãy bước theo đường quang minh. Hãy chung câu ca, chung lời nguyện cầu tán dương một Thiên Chúa, nguyện lòng trí muôn người hợp nhất trong một Đức Tin, một Tình Yêu. Ngước trông lên cao, thôi đừng miệt mài bước theo đường tội lỗi, hãy mặc lấy tâm tình của Chúa trong nguồn phúc ân ngày cứu rỗi.”
 

[1] Lm Ngọc Biển SSP, Hai cách nhìn và hai lối sống.
 
[2] Khi đến Bê-lem, ngôn sứ Sa-mu-en hiến tế một con bò cái tơ lên Đức Chúa để “thanh tẩy ông Gie-sê và các con trai ông ấy và mời họ đến dự hy lễ” (1Sm 16, 5b). Trước khi ngồi vào bàn, ngôn sứ Sa-mu-en nói với ông Gie-sê: “Chúng ta sẽ không nhập tiệc trước khi Đa-vít tới đây”. Vị ngôn sứ đã hiểu rằng chính cậu út Đa-vít là người Thiên Chúa chọn. Chính trong bữa ăn thánh thiêng này mà Đa-vít được xức dầu phong vương. Xức dầu là nghi thức thánh hiến, thường nhất là nghi thức phong vương. Được “người của Thiên Chúa” xức dầu tấn phong, vị tân vương trở thành một con người thánh thiêng. Dầu tăng sức lực cho thân thể là biểu tượng sức mạnh của Thiên Chúa, thần lực này đến ở với vua: “vua đầy tràn Thần Khí Thiên Chúa”. Tước hiệu: “Đấng được xức dầu” theo tiếng Do thái là “Đấng Mê-si-a” và được dịch sang tiếng Hy lạp là “Đấng Ki-tô” (“Christos”). Như vậy, những lời loan báo về Đấng Cứu Thế trước hết là Đấng Mê-si-a vương đế.
 
[3] “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại đui mù”. Đức tin là một ân ban của Thiên Chúa. Thiên Chúa tỏ mình ra cho những ai mở rộng tâm trí sẵn sàng đón nhận ánh sáng của Ngài. Còn những ai tin tưởng vào ánh sáng của riêng mình mà tìm cách ngăn chận những kẻ khác tin vào Ngài, thì những người đó trở nên đui mù. Đối với những người Pha-ri-sêu, những người chất vấn Ngài phải chăng họ đều đui mù hết cả sao, Chúa Giê-su đưa ra một bài học thâm thúy: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng ‘Chúng tôi thấy’, nên tội các ông vẫn còn đó”. Những lời này nêu bật thần học xét xử của Tin Mừng Gioan: Đức Giê-su không xét xử ai cả, chính mỗi người tự xét xử chính mình, hoặc mở mắt ra mà tin nhận Đức Giê-su hoặc khép mắt lại mà khỏi phải thấy những việc Ngài làm để khỏi tin vào Ngài. Đó chính là tội cố chấp và bản án đã có sẵn ở đây rồi, và ngay bây giờ chứ không phải đợi đến ngày chung thẩm.
 
[4] Anh mù được sáng mắt là một con người có lương tri ngay thẳng, vẫn một mực trung thành với sự thật, biết sử dụng lối nói mĩa mai, thậm chí châm biếm, lại còn biết phi bác sự thông thái của những người Pha-ri-sêu: “Chúng tôi biết rằng…” (9, 29) bằng cách viện dẫn nguyên tắc thông thường: “Như mọi người điều biết…” (9, 31-32; x. Is 1, 15; Tv 66, 18; 109, 7; Cn 15, 29, vân vân) và cuối cùng bày tỏ tấm lòng rộng mở trước ánh sáng khác, ánh sáng đức tin. Con đường đức tin của người mù là con đường tiệm tiến: từ những lời tra hỏi từ phía những người láng giềng cho đến những lời chất vấn của những người Pha-ri-sêu, chân tính của Đức Giê-su càng lúc càng sáng tỏ hơn ở nơi anh. Khởi đầu, anh bày tỏ một sự hiểu biết mơ hồ về một người đã thi ân giáng phúc cho mình: “một người tên là Giê-su” (9, 11), đoạn, anh bắt đầu nhận ra ở nơi người ấy: “một ngôn sứ” (9, 17) và tiếp đó: “Đấng được Thiên Chúa sai đến” (9, 33). Cuối cùng, khi đối diện với Đức Giê-su, Đấng tự tỏ mình ra cho anh, anh tuyên xưng đức tin của mình: “Thưa Ngài, tôi tin” (9, 38) và thờ lạy Ngài.
 
[5] “Xưa kia anh em đã từng là bóng tối, nhưng bây giờ, nhờ kết hợp với Chúa, anh em lại là ánh sáng”. Ở nơi câu này, bí tích Thánh Tẩy được mặc nhiên đề cập đến. Bí tích Thánh Tẩy được gọi là “ơn thần khải”, người chịu phép Thánh Tẩy là “người được ơn thần khải” và giếng Thánh Tẩy được gọi rất ý nghĩa: “nơi lãnh nhận ơn thần khải”. Ngược lại là bóng tối. Việc đối lập ánh sáng và bóng tối, một chủ đề Kinh Thánh rất xưa và rất phổ biến như gặp thấy trong những bản văn của cộng đoàn Qum-rân, được thánh Phao-lô và đặc biệt thánh Gioan lấy lại. Qua cặp tương phản ánh sáng và bóng tối này, thánh Phao-lô kêu gọi những Ki-tô hữu gốc lương dân ý thức rằng cuộc sống của họ đã được biến đổi sâu xa biết bao, họ đã trở nên khác biệt biết mấy; vì thế, cuộc sống của họ phải làm chứng điều này: “Hãy vạch trần những công việc của bóng tối”. Chắc chắn câu này phải được hiểu rằng cách ăn nếp ở của người Ki-tô hữu có thể khiến cho những tội nhân thay đổi cách sống, bởi vì ánh sáng chiếu soi vào bóng tối và làm cho bóng tối biến tan: “Tất cả những gì đã bị vạch trần, đều lộ ra ánh sáng; mà bất cứ điều gì lộ ra, thì trở nên ánh sáng”.
 
[6] Qua bí tích Thánh Tẩy, người Ki-tô hữu “chỗi dậy” từ bóng tối sự chết. Chắc hẳn thánh Phao-lô trích dẫn vài câu từ một bài thánh thi về bí tích Thánh Tẩy của Giáo Hội tiên khởi, và phải là khá phổ biến. Chúng ta gặp thấy bài thánh thi này, khá đầy đủ hơn, trong tác phẩm của Giáo Phụ Cơ-lê-men-tê thành A-lê-xan-ri-a vào cuối thế kỷ thứ hai:

“Hãy tỉnh giấc đi, hỡi người đang ngủ.
Hãy chỗi dậy đi từ những vong nhân.
Và Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi.
Ngài là ánh sáng Phục Sinh,

được sinh ra trước khi sao mai xuất hiện;
Ngài ban sự sống bởi ánh quang rạng ngời của Ngài” (Protriptique 9, 84,2).

Bài thánh thi này minh chứng hùng hồn đạo lý Thánh Tẩy mà thánh Phao-lô không ngừng nhắc đi nhắc lại: chết cho tội lỗi và tái sinh trong Đức Ki-tô Phục Sinh. Hơn nữa, bài thánh thi đậm đà hương vị Kinh Thánh gợi nhớ vài hình ảnh của các ngôn sứ như:

“Này những kẻ nằm trong bụi đất,
hãy trỗi dậy, hãy reo mừng!
Vì lạy Chúa, sương Người ban là sương ánh sáng,
và đất sẽ cho các âm hồn được hồi sinh” (Is 26,19).

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập75
  • Máy chủ tìm kiếm40
  • Khách viếng thăm35
  • Hôm nay12,344
  • Tháng hiện tại289,540
  • Tổng lượt truy cập75,997,806
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây