Chuyện tình mang tên tình yêu và sự sống

Thứ bảy - 25/03/2023 19:39  570
Chúa Nhật V MC A

m429687 jesus raising lazarus from the deadDù muốn hay không, những điều xảy ra hàng ngày vẫn xảy đến, tác động lên tinh thần và thể xác của mỗi người. Có những sự kiện làm cho chúng ta vui mừng phấn chấn, chẳng hạn khi chúng ta được bạn bè đến thăm, thăng chức tăng lương, thành công trong học tập, công việc… Ngược lại, cũng có những chuyện khiến chúng ta buồn sầu lo âu, thậm chí là suy sụp tinh thần, chẳng hạn như mắc bệnh hiểm nghèo, người than qua đời… Đối diện với những tác động tiêu cực kiểu như thế, chúng ta cần làm gì, trông cậy vào ai để có thể vượt qua?

Lời Chúa trong Chúa Nhật thứ V Mùa chay kể lại hai trường hợp: Hoàn cảnh bế tắc của một dân tộc và sự đau khổ của một gia đình. Trước những hoàn cảnh ấy, họ chỉ còn một chỗ dựa duy nhất là chính Thiên Chúa để có thể giải quyết.

Trước hết là một khó khăn của cả một dân tộc. Vào năm 587 trước Chúa Giáng sinh, Vua Babylon đã đem quân đánh thành Giêrusalem lần thứ hai. Họ đã phá hủy Đền thánh và đốt toàn bộ thành phố. Họ đã bắt Vua của dân Israel cũng như chính dân ấy đi lưu đày ở Babylon. Sống trong kiếp lưu đầy khổ cực đã đành, nhưng vua Khítkigia lại phải chứng kiến từng người con của ông chịu hành hình, và sau cùng chính ông cũng phải nếm trải cái chết nơi đất khách. Sống kiếp khổ sai, dân Israel đã hoàn toàn suy sụp tinh thần, niềm tin của họ cũng vơi cạn. Một cuộc sống không niềm tin, không tương lai, không hi vọng chẳng khác gì sống mà như đã chết; sống như thế thì có khác nào đang ở trong huyệt mộ tăm tối.

Bởi vậy, Thiên Chúa đã sai ngôn sứ Êdêkien đến để xốc lại tinh thần cho một tập thể đang rệu rã, sống dở chết dở, bằng những lời hết sức mạnh mẽ[1]: “Hỡi dân Ta, này Ta sẽ mở cửa mồ các ngươi, Ta sẽ kéo các ngươi ra khỏi mồ và dẫn dắt các ngươi vào đất Israel. Hỡi dân Ta, các ngươi sẽ biết Ta là Chúa, lúc Ta mở cửa mồ các ngươi, và kéo các ngươi ra khỏi mồ, Ta sẽ cho các ngươi thần trí của Ta, và các ngươi sẽ được sống, Ta sẽ cho các ngươi an cư trên đất các ngươi, và các ngươi biết rằng: Ta là Chúa, chính Ta đã phán và đã thi hành”. (Ed 37,12-14). Những lời này đã thắp lên niềm hi vọng tin tưởng mạnh mẽ cho những con người được Thiên Chúa trợ giúp. Những lời ấy làm cho đôi chân bủn rủn nên cứng cáp, làm cho cánh tay rời rã nên mạnh mẽ và giúp cho những người bạc nhược vì cuộc sống khổ ải tìm được sự phấn chấn. Đó chính là sự hồi sinh tinh thần Thiên Chúa đã thực hiện cho dân của Người.

Đây không phải là cuộc hồi sinh của một người mà là của một dân tộc nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa.[2] Điều đó cho chúng ta thấy tầm quan trọng của Lời Chúa đối với sức khỏe tinh thần nơi những ai tìm nương tựa nơi Chúa. Đối với những người tội lỗi, Lời Chúa còn đem lại sự giải thoát cho họ mạnh mẽ hơn nữa vì lời ấy đem lại niềm hi vọng, đem lại sức sống mới đồng thời hồi sinh những tâm thần đang thất vọng.

Câu chuyện của gia đình ba chị em Maria, Martha và Ladarô là một sự suy sụp khác mà ai ai cũng phải trải qua. Ba chị em sống yêu thương đùm bọc lẫn nhau khi cha mẹ không còn. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng chị em quý mến nhau, tình chị em gắn bó chặt chẽ đến mấy thì cũng có lúc gặp khủng hoảng khi một người trong gia đình bệnh nặng và phải ra đi. Người em là Ladarô đau nặng qua đời để lại một khoảng trống rất lớn; tựa chiếc kiềng ba chân giờ đây chỉ còn hai khiến cho cuộc sống của hai người chị chao đảo. Thật ra lúc anh Ladarô lâm bệnh thì Macta vẫn nuôi niềm hi vọng vì chị em cô có sự liên hệ thân tình với Chúa Giêsu. Cô đã báo tin để Chúa đến giúp cứu sống người em của mình. Tuy nhiên, khi Chúa Giêsu đến thì anh Ladarô đã đầu hàng trước cái chết và được an táng bốn ngày rồi như lời Martha thân thưa với Chúa: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt đây, thì em con không chết”(Ga 11, 32). Trong câu chuyện Tin Mừng, cô Maria để lại cho chúng ta một thái độ Đức tin rất đáng học hỏi, bởi vì dù buồn sầu nuối tiếc, nhưng cô vẫn không ngừng hi vọng: “Ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy” (Ga 11,22).

Mất người thân để lại nỗi buồn, nhưng niềm tin chắc chắn không lay chuyển.[3] Gặp những nghịch cảnh, nhưng vẫn giữ vững niềm tín thác và trung tín như Thánh vịnh 118 có đoạn viết:

                    “Mạng sống ngày luôn lâm vòng nguy hiểm
                     Song luật ngài con vẫn không quên
                     Nhằm hại con, bọn ác nhân gài bẫy
                     Nhưng con chẳng lạc xa huấn lệnh ngài.”

Chính nhờ niềm tin mạnh mẽ của cô Macta khiến những người đọc và nghe tin mừng từ xưa tới nay hiểu được lời mạc khải nói lên căn tính của đức Giêsu Kitô “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ”[4] (Ga 11,25). Nhờ thái độ tin vững chắc của cô Macta, Chúa Giêsu đã chứng tỏ lời Ngài nói là sự thật bằng việc gọi Ladarô chỗi dậy và ra khỏi mồ.

Ngang qua thái độ, niềm tin của con người, lòng thương xót của Thiên Chúa thể hiện qua việc Ngài hồi phục sức khỏe tinh thần cho một dân tộc. Đặc biệt, sự quan tâm của Thiên Chúa thể hiện qua Đức Giêsu được thi thố qua sự cảm thương trước cái chết của một người. Điều đó giúp chúng ta tin tưởng đến một sự cảm thương lớn lao hơn mà Chúa Giêsu sẽ thực hiện khi ngài lãnh nhận đau khổ và cái chết. Cuối cùng, niềm vui bất tận đến khi Chúa Giêsu bước ra khỏi huyệt mộ để kêu gọi, đánh thức chúng ta ra khỏi nấm mồ của đau khổ, của sự chết nơi thân xác.

Với những vấn nạn nhức nhối như dịch bệnh, chết chóc, đau thương như hiện nay cũng là dịp để mỗi người sống chậm lại, nhìn lại tình trạng bản thân (yếu đuối, mỏng giòn), ý thức hơn về cuộc sống tạm bợ, chóng qua này hơn. Từ đó, biết trân quý cộng đoàn, gia đình, người thân, sức khỏe và thời gian, ở bên nhau khi còn có thể… Lời Chúa mời gọi mỗi người buông bỏ “cái tôi” của mình, gia tăng và củng cố đức tin bằng chính việc sống hiện tại là cầu nguyện, làm lành, lánh dữ, hy sinh, hãm mình, sống bác ái, thứ tha… để mỗi người thật sự cùng lên Giêrusalem với Chúa Giêsu cùng chịu đóng đinh, cùng chết và sẽ cùng sống lại với Người như lời Người đã hứa.

Phụng vụ Mùa Chay giúp chúng ta cũng như anh chị em dự tòng chuẩn bị tâm hồn sống niềm tin ơn tái sinh cách mạnh mẽ. Chúng ta biết ở khía cạnh thân xác, chúng ta phải qua những thời khắc, những giây phút u sầu bế tắc, những giờ phút tối tăm nơi huyệt mộ trong cái chết tự nhiên. Tuy vậy, Đức tin vẫn mách bảo rằng tiếng gọi của Chúa Phục Sinh sẽ đánh thức mỗi người vào cuộc sống mới vì Thiên Chúa đã đặt Thần Khí mới vào tâm hồn mỗi người. Xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng ta biết gắn bó với Chúa hơn qua ân sủng, qua các bí tích; biết sống một đức tin mạnh mẽ như cô Mácta và nhất là biết quan tâm đến anh chị em như chúa Giêsu đã quan tâm đến chúng ta. Đó là chúng ta đang sống tinh thần mới, một tinh thần của niềm vui Phục Sinh. Tinh thần ấy đem lại cho chúng ta ơn giải thoát và sức mạnh để chúng ta phục vụ tha nhân.
 

[1] Trong thị kiến, vị ngôn sứ được Thiên Chúa dẫn đưa vào một thung lũng đầy những bộ xương khô (37,1-2). Thị kiến này mô tả hoàn cảnh tù đày của dân Israel tại Babylon được sánh ví với những bộ xương khô: “Hỡi con người, các xương đó chính là toàn thể nhà Israel”, và niềm hy vọng được cứu thoát của họ đã tiêu tan: “Xương cốt chúng tôi đã khô, hy vọng của chúng tôi đã tiêu tan, chúng tôi đã rồi đời” (37,11).

Trong hoàn cảnh bi thương tuyệt vọng đó, qua vị ngôn sứ của mình, Thiên Chúa hứa với dân Ngài hai điều. Trước tiên, Thiên Chúa hứa sẽ cứu họ khỏi cảnh từ đày và sẽ dẫn đưa họ trở về quê cha đất tổ: “Hỡi dân Ta, Ta sắp mở huyệt cho các ngươi. Ta sẽ đem các ngươi lên khỏi đó, và đưa ngươi về đất Israel” (37, 12). Khi làm như vậy, Thiên Chúa cho thấy Ngài vẫn trung tín với Giao Ước của Ngài: “Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, khi Ta mở huyệt cho các ngươi và đưa các ngươi lên khỏi huyệt, hỡi dân Ta” (37,13).

Thứ nữa, Thiên Chúa hứa ban thần khí của Ngài, nhờ hơi thở sáng tạo, những kẻ lưu đày bất hạnh sẽ được tái tạo, có thể nói, được hoàn lại cho họ cuộc sống như trước đây trên quê cha đất tổ: “Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi, và các ngươi sẽ được hồi sinh. Ta sẽ cho các ngươi định cư trên đất của các ngươi”. Lời hứa thứ hai cũng kết thúc với lời quả quyết trung thành của Thiên Chúa với Giao Ước: “Bấy giờ các ngươi sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa, Ta đã nói là Ta làm” (37,14).

 
[2] Lời Thiên Chúa hứa thứ nhất bắt đầu và kết thúc với lời kêu gọi gửi đến dân Israel: “Hỡi dân Ta”. Lời Thiên Chúa hứa thứ hai được gửi đến toàn thể dân Israel chứ không cá nhân. Như vậy, sấm ngôn này loan báo sự phục hưng của một đất nước, sự canh tân của một dân tộc, chứ không sự phục sinh của cá nhân. Quan niệm về sự phục sinh của cá nhân như thế vào thời của vị ngôn sứ Êdêkien không thể nào nghĩ tưởng được. Sẽ phải chờ đợi đến thời kỳ Macabê (giữa thế kỷ II TCN) khi đó niềm hy vọng vào sự phục sinh cá nhân được phát biểu rất rõ nét. Niềm hy vọng này đã nâng đỡ các vị tử đạo khi các ngài nhất quyết trung thành niềm tin của mình, dù phải chịu các cực hình: “Vua là một tên hung thần, vua khai trừ chúng tôi ra khỏi cuộc đời hiện tại, nhưng bởi lẽ chúng tôi chết vì Luật pháp của vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” (2Mcb 7,9).

Louis Monloubou mời gọi người tín hữu hiện tại hóa thị kiến này vào trong lịch sử cuộc đời mình để khám phá sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa: “Ngày nay dân Thiên Chúa phải kinh qua những giải thoát mà Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử của cuộc đời mình, thậm chí trong chính thân xác của mình; ngõ hầu họ hiểu hơn, và rốt cuộc hiểu hơn ai thực sự là Thiên Chúa của mình, đối tượng niềm tin của mình không là một bóng ma nào đó, nhưng Đức Chúa, Đấng Cứu Độ. Cuối cùng ngày nay, Thiên Chúa chúng ta luôn luôn là Thiên Chúa nói với dân Ngài, khuyến khích họ, ở bên cạnh họ, như bạn đồng hành thân thiết, Đấng cứu độ trung tín và có hiệu quả”.

 
[3] Trong khung cảnh Bêtania, chúng ta gặp lại tính tình khác nhau của hai chị em này: cô Mácta thì năng động, còn cô Maria có đời sống nội tâm sâu lắng, đã được Tin Mừng Luca ghi nhận trong một dịp Chúa Giêsu viếng thăm nhà của hai cô (Lc 10,38-42). Tuy nhiên, trong câu chuyện của Tin Mừng Gioan, tính tình năng động của cô Mácta đã là cơ hội giúp Chúa Giêsu dẫn đưa cô, và qua cô dẫn đưa độc giả vào một mạc khải cao vời về chân tính của Ngài.

Dù bận rộn tiếp đón những người thân đến chia buồn, nhưng vừa khi nghe tin Chúa Giêsu đến, cô Mácta hối hả ra tận đầu làng để đón Ngài. Khi vừa mới gặp Chúa Giêsu, cô Mácta trách cứ Ngài, Ngài đã cứu chữa biết bao bệnh nhân, ấy vậy lại đã không đến kịp lúc để cứu chữa người bạn mà Ngài thương mến. Tuy trách cứ như vậy, nhưng cô vẫn nuôi hy vọng: “Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người sẽ ban cho Thầy” (11,22). Nhưng Đức Giêsu muốn kiện toàn đức tin của cô, Ngài không muốn cô Mácta chỉ hài lòng thấy Ngài là “người của Thiên Chúa”, nghĩa là những gì Ngài cầu xin đều được Thiên Chúa nhận lời, nhưng cô còn phải nhận ra chân tính của Ngài.

 
[4] Khi nói với cô Mácta: “Em chị sẽ sống lại” (11,23), Chúa Giê-su cho cô biết đó là dự định của Ngài khi đến đây. Nhưng cô Mácta lại hiểu lời này là lời an ủi nên cô đáp: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sẽ sống lại” (11: 24). Ở nơi câu trả lời của cô hàm chứa niềm tin của đạo Do thái. Từ nhiều thế kỷ trước đó, niềm tin vào sự sống lại thuộc về gia sản tinh thần của đạo Do thái, ngoại trừ nhóm Sađuxêô.

Chúa Giêsu tuyên bố: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống” (11,25a), lời tuyên bố này được Chúa Giêsu khai triển xa hơn: “Ai sống và tin vào Thầy, thì dù đã chết, thì cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (11,25b). Những lời này của Đức Giê-su đã được hiểu theo nhiều cách khác nhau và được giải thích theo nhiều cách khác nhau, tuy nhiên một điều chắc chắn: Đức Giêsu khẳng định Ngài là nguồn mạch sự sống đời đời. Thêm nữa, tiến trình của câu chỉ ra rằng Ngài muốn hiệu đính, hay đúng hơn bổ túc lời khẳng định của cô Mácta: Đối với người Kitô hữu, còn hơn cả sự sống lại vào ngày sau cùng, một cuộc sống siêu nhiên vô tận khơi nguồn ở nơi sự hiệp nhất của họ với Đức Kitô ngay từ cõi thế này. Ngoài ra, Giáo Hội còn dạy rằng cuộc sống không kết thúc ở nơi cái chết. Trong Thánh Lễ Cầu Hồn, Giáo Hội khẳng định: “Cuộc sống không hề mất đi, nhưng thay đổi” (vita mutatur non tollitur).
 
Cuộc Mặc Khải chấm dứt với lời mời gọi dứt khoát theo thể nghi vấn: “Chị có tin thế không?” (11,26). Câu hỏi này được đặt ra, ở bên kia cô Mácta, cho những ai hiểu lời hứa này của Đức Kitô. Cô Mácta đã lắng nghe. Cô đã đạt đến một niềm tin cao vời khi nhận ra Đức Giêsu là Đấng Kitô (Mêsia) và là Con Thiên Chúa: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”.

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập231
  • Máy chủ tìm kiếm59
  • Khách viếng thăm172
  • Hôm nay33,758
  • Tháng hiện tại871,021
  • Tổng lượt truy cập69,930,895
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây