Những mục tử như lòng Chúa mong ước

Thứ bảy - 29/04/2023 05:29  520
150369352 son of god the lord is my shepherd jesus christ with a flock of sheep symbol of christianity handTrước khi định cư trong đất hứa, Israel là một dân tộc sống đời du mục, cuộc đời của họ gắn liền với đàn chiên[1]. Họ dẫn dắt đoàn chiên, tìm đồng cỏ, tìm nguồn nước uống. Đây là một kinh nghiệm được áp dụng cho mối tương quan giữa Thiên Chúa và Dân của Người. Vì là một dân du mục nên chiên là tất cả tài sản mà họ có. Bởi vậy, họ tìm mọi cách để gìn giữ đoàn chiên của mình. Họ lấy những cành cây làm ràn xung quanh bầy chiên để chiên được an toàn. Họ nhóm lửa sưởi ấm cho chiên.

Người mục tử dẫn chiên của mình đi tìm của ăn, đi tìm nước uống. Người mục tử mang mùi chiên phảng phất trên mình, và vì thế chiên phân biệt được đâu là người chăn dắt, đâu là kẻ trộm. Đó là hình ảnh rất đẹp để diễn tả những vị đứng đầu trong dân của Chúa. Khi Chúa chọn gọi những người hướng dẫn dân, những vị được chọn thường được gọi là những người chăn dắt đàn chiên. Họ đích thực là những mục tử như lòng Chúa mong ước.[2] Người mục tử tốt lành hôm qua và hôm nay, vẫn mãi là người yêu thương đàn chiên vì phần lợi cho đàn chiên, không yêu thương đàn chiên vì phần lợi cho mình. Phải nói thế, vì giữa cái trào lưu vật chất nầy, sự cuốn hút của hưởng thụ không loại trừ bất cứ một ai. Không vin vào lý do cần có điều kiện phương tiện để làm việc và phục vụ để rồi lệ thuộc điều kiện đến nỗi khi không có đủ điều kiện thì không thể phục vụ tốt.

 Ông Môsê là một ví dụ. Ông chăn chiên, vì thế ông rành từng đường đi nước bước ở trong sa mạc. Ông biết chỗ nào có gió mát để chiên nghỉ ngơi, biết chỗ nào có nguồn suối nước để chiên được khuây khỏa. Khi được Chúa chọn làm người dẫn dân Israel về đất hứa, Môsê đã vận dụng tất cả những kinh nghiệm của người mục tử để chăn dắt đoàn chiên của Chúa tìm về vùng đất xanh tươi.

Vua Đavít khi được chọn cũng là một người chăn chiên, với kinh nghiệm trong việc bảo vệ đoàn chiên đã được Chúa chọn gọi và đặt làm vua lãnh đạo Israel, Đavít đã đánh đuổi các dân tộc xung quanh ức hiếp Israel, đồng thời thống nhất tất cả dân tộc về một mối.

Qua mẫu gương các vị lãnh đạo tốt lành như thế, dân Chúa cảm nhận được sự quan phòng của Thiên Chúa. Chính Chúa đã gửi đến những vị mục tử tốt lành hi sinh cả cuộc sống của họ để đem lại bình an và cho đàn chiên cơ hội phát triển phồn thịnh. Đây là điều mà chúng ta thấy Thiên Chúa vẫn thực hiện qua các giao ước.

Hôm nay, Đức Giêsu được giới thiệu là Mục tử được Chúa Cha ủy thác chăm sóc đoàn chiên. Ngài là vị mục tử đích thực, bởi vì toàn thể cuộc đời của Ngài gắn bó với đoàn chiên. Ngài được ví như là cánh cửa của chủ chiên[3]. Cánh cửa mở ra lúc bình minh để cho đàn chiên được bước tới đồng cỏ xanh tươi. Cánh cửa khép lại vào ban đêm để giữ cho chiên được an toàn. Khi tự cho mình là Mục Tử và Cửa Chuồng Chiên, Đức Giêsu muốn sống những đặc tính của người mục tử và vai trò của cửa chuồng chiên trong khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Mặt khác, Ngài cũng muốn giới thiệu, trao cho các Tông đồ và các môn đệ những đặc tính của người mục tử nhân lành và cửa chuồng chiên trong Giáo Hội.

Cả cuộc đời của Đức Giêsu diễn tả Thiên Chúa như là vị Mục tử nhân lành mà các Thánh vịnh Cựu ước đã nói tới:

Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.
 Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa. (Tv 22, 1-5)[4]


Đức Giêsu đưa chúng ta vào đồng cỏ của Lời Chúa, của Tiệc Thánh Thể, ở đó tâm hồn thể xác chúng ta được bồi dưỡng, được thăng tiến trong Ân sủng của Chúa. Người cũng bảo vệ chúng ta khỏi sói dữ, khỏi mưu mô ma quỷ là những lời gây chia rẽ đàn chiên. Chúng ta cũng cần thận với tất cả những loại cửa đó, bởi nó có thể làm cho chúng ta xa lìa tình yêu của Đức Giêsu là cánh cổng đích thực dẫn chúng ta vào nguồn sự sống mới. Đức Giêsu đã hi sinh để cho chúng ta được sống, và Ngài cũng đã dẫn chúng ta vào cánh cổng của Lòng Thương xót. Ở đó, chúng ta được Chúa chữa lành, được Chúa tha thứ.

Phần chúng ta, khi kết hợp với Đức Giêsu là vị Mục Tử tối cao, mỗi người đều có thể và như một trách nhiệm phải là mục tử và cửa chuồng chiên cho mình và gia đình mình. Mục tử và cửa chuồng chiên cho mình và gia đình tức là tự lo cho chính mình. Lo cho chính mình là biết làm điều lành, tránh điều ác, trở nên gương sáng cho người khác. Những bậc làm cha mẹ khi thi hành sứ vụ mục tử này chính là sống sự chung thủy với nhau, trở thành những người mẫu mực, khôn ngoan, luôn làm gương sáng, yêu thương các con mình, lo cho các con được học hành, trao dồi đạo đức, dạy cho chúng mến Chúa và yêu người.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Ðức Kitô, vị Mục Tử oai hùng của chúng con, đã khải hoàn tiến vào thiên quốc; xin cho chúng con là đoàn chiên hèn mọn cũng được theo gót Người vào chung hưởng hạnh phúc vô biên. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần muôn thuở muôn đời.[5]
 

[1] Phần thứ nhất đặt sự tương phản giữa người mục tử và quân trộm cướp. Bức tranh này rất quen thuộc với miền Paléttinh. Ràn chiên là một thửa đất giữa đồng được rào chung quanh và có người canh giữ để chiên khỏi bị quân trộm cướp đến giết hại. Khi chiều xuống, những người mục tử gửi đàn chiên của mình vào chung một ràn chiên. Sáng sớm, người chăn chiên đến tìm đàn chiên của mình, anh chỉ cần lên tiếng gọi: chiên nào thuộc người chăn chiên thì nhận ra tiếng của anh và chạy đến với anh; chúng không theo người lạ.

Qua hình ảnh đó, Chúa Giêsu khẳng định mối tâm giao giữa người chăn chiên và đàn chiên: “Anh gọi tên từng con một”. Đối với Đức Giêsu, không có đám đông vô danh; Ngài nhận biết và yêu mến từng con chiên. Đáp lại, đàn chiên quen hơi bén tiếng với người chăn chiên của mình: “Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh”. Qua mối tâm giao hỗ tương này, Chúa Giê-su đối lập thái độ của Ngài với thái độ của nhóm Pharisêu: họ đã loại bỏ một cách tàn nhẫn anh mù được sáng mắt, như thế họ đã hành xử như mục tử gian ác. Trái lại, Đức Giê-su không chỉ tiếp đón anh, nhưng sau khi đã cho con mắt xác thịt của anh được thấy, Ngài còn dẫn dắt anh đến niềm tin, đã khai lòng mở trí cho anh đón nhận ánh sáng, vì Ngài là mục tử đích thật.

 
[2] Tiêu đề bài viết là tên của Tông Huấn Pastores Dabo Vobis, được Thánh Gioan Phaolô II ban hành Ngày 25-03-1992, đề cập đến việc đào Tạo Linh Mục Trong Hoàn Cảnh Ngày Nay.
 
[3] “Đức Giêsu kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu Người có ý nói gì”. Vì thế, Chúa Giêsu tiếp tục nói với họ khi giới thiệu Ngài là “cửa chuồng chiên”. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận ra nét tinh tế của bản văn ở đây. Đức Giê-su không nói: “Tôi là cửa chuồng chiên”, nhưng “Tôi là cửa cho chiên ra vào”. Đây là một nét biệt phân quan trọng: Đức Giêsu không là cửa của một nơi chốn, nhưng Ngài là lối đi cho chiên ra vào, như vậy, Ngài khẳng định mình là Đấng trung gian duy nhất. Ngài là cửa duy nhất, qua đó chiên có thể vào nơi trú ẩn an toàn mỗi khi chiều xuống, để rồi khi bình minh đến, đàn chiên ra đi đến đồng cỏ xanh tươi: “Ai qua tôi mà vào, thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ được ra vào và tìm được lương thực nuôi mình”. Cuối cùng, khi phác họa chân dung người mục tử lý tưởng, Đức Giê-su mời gọi tất cả những ai tiếp tục sự nghiệp dẫn dắt dân Ngài hãy bước theo mẫu gương này. Vì thế, Chúa Nhật IV Phục Sinh này cũng được gọi “Chúa Nhật Ơn Thiên Triệu”.
 
[4] Các ngôn sứ đã phác họa Đấng Mêsia theo những nét đặc trưng của vị mục tử lý tưởng này; nhất là ngôn sứ Êdêkien mô tả một viễn cảnh thật táo bạo. Vị ngôn sứ, nhân danh Thiên Chúa, gay gắt lên án các vị lãnh đạo thời ông. Họ là những mục tử vô trách nhiệm, là quân trộm cướp, chỉ biết lo cho mình mà không quan tâm đến đoàn chiên. Vì vậy, Thiên Chúa sẽ tước đi khỏi họ quyền chăn dắt đoàn chiên của Người. Chính Người sẽ đích thân chăm sóc chiên của Người. Cuối cùng, Người sẽ cho xuất hiện một vị Mục Tử Nhân Lành theo dung mạo vua Đa-vít, sống chết vì đàn chiên (Ed 34). Dụ ngôn của Đức Giê-su được đặt vào truyền thống của dụ ngôn Êdêkien, vì thế, khi tuyên bố mình là Mục Tử Nhân Lành, Đức Giêsu đòi hỏi cho mình tước hiệu Mêsia.

Trong Tin Mừng Gioan, Diễn Từ: “Người Mục Tử đích thật” đặt liền ngay sau câu chuyện người mù từ thuở mới sinh được sáng mắt. Những kiểu nói được lập đi lập lại: “Thật, tôi bảo thật các ông” loan báo sự phối hợp của hai câu chuyện này và chỉ cho thấy sự liên tục của tư tưởng và tuyến phát triển của lập luận. Mối liên kết này soi sáng những lời nói của Đức Giêsu. Qua những hình ảnh biểu tượng: người mục tử, ràn chiên, cửa chuồng chiên, Đức Giêsu muốn mặc khải cho chúng ta những khía cạnh mầu nhiệm của con người Ngài, vén mở cho chúng ta thoáng thấy những mối tâm giao mới giữa Thiên Chúa và con người mà Ngài đến thiết lập, và giúp chúng ta nắm bắt một cách sâu xa tấm lòng trìu mến của Thiên Chúa.

 
[5] Lời tổng nguyện Chúa nhật IV Phục sinh, năm A

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập225
  • Máy chủ tìm kiếm50
  • Khách viếng thăm175
  • Hôm nay32,984
  • Tháng hiện tại880,606
  • Tổng lượt truy cập70,908,363
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây