Con đường dẫn ta đến Thiên Chúa

Thứ bảy - 06/05/2023 04:20  1357
TUẦN 5
Cv 6,1-7; 1Pr 2,4-9; Ga 14,1-12

imagesCó ai sinh ra trong cuộc đời này mà không đi tìm cho mình một đích điểm và đích điểm đạt được sẽ làm cho họ mãn nguyện? Với người đi tìm chân lý thì chân lý sẽ là cái giải thoát họ. Với người Do thái năm xưa, điều họ khao khát và làm họ thỏa mãn là được biết và thấy Thiên Chúa. Các môn đệ của Đức Giêsu hôm xưa và mỗi kitô hữu chúng ta hôm nay cũng vậy. Những thứ làm cho các ngài và cho chúng ta thỏa thuê viên mãn chẳng phải là gì khác ngoài một mình Thiên Chúa như tông đồ Philipphê đã thưa với Đức Giêsu “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thấy Chúa Cha hay có con đường nào phải đi để được thấy Chúa Cha? Thưa, chỉ có một con đường duy nhất dẫn chúng ta đến và thấy Chúa Cha là con đường Giêsu.

Chúa Giêsu là con đường dẫn chúng ta về nhà Cha. Những năm tháng sống trong cuộc đời trần thế, Ngài đã cho chúng ta thấy điều đó và đặc biệt nhất là trước khi rời bỏ thế gian về cùng Chúa Cha. Vì biết được rằng sự ra đi của mình sẽ làm cho các môn đệ xao xuyến buồn phiền nên Chúa Giêsu đã nói với các ông: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy… vì trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở và Thầy đi để dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng sẽ ở đó.” Lời của Đức Giêsu cho phép chúng ta hiểu rằng Ngài là đường dẫn chúng ta về nhà Thiên Chúa. Ngài ra đi trước không phải để rời bỏ chúng ta, nhưng là để chuẩn bị cho chúng ta một chỗ vĩnh viễn trong nhà Thiên Chúa. Tin vào Thiên Chúa và tin vào Đức Giêsu, các môn đệ ngày xưa và chúng ta hôm nay không sợ lạc đường, không sợ thiếu chỗ ở vì nhà Thiên Chúa rộng rãi và Đức Giêsu vừa là đường đi vừa là người đưa chúng ta tới đó. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần vững tin vào Thiên Chúa và Đức Giêsu.

Không những là con đường dẫn chúng ta về nhà Cha, Chúa Giêsu còn là đường mạc khải về Chúa Cha cho nhân loại. Đúng như vậy, cuộc đời của Chúa Giêsu từ nhập thể cho tới rao giảng Tin Mừng, chịu chết trên thập giá và sống lại vinh quang đều là những mạc khải tuyệt vời về Chúa Cha. Qua biến cố nhập thể, Chúa Giêsu muốn nói với nhân loại về một Thiên Chúa gần gũi con người đến độ chia sẻ thân phận kiếp người. Qua cuộc sống âm thầm 30 năm tại Nazareth, Đức Giêsu muốn nói với con người về giá trị cứu độ cao cả từ những gì rất bình thường của cuộc sống. Ba năm công khai rao giảng, Chúa Giêsu đã nói và làm tất cả để nhân loại hiểu biết Thiên Chúa “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Ai biết Thầy thì cũng biết Cha Thầy” bởi vì Chúa Giêsu là con đường, là sự thật và là sự sống. Người ta không thể đến với Chúa Cha mà chẳng qua Chúa Giêsu. Trên hết, qua đau khổ thập giá, Đức Giêsu muốn nhân loại thấy kế hoạch khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa “Đối với người Hy lạp, thập giá là sự điên rồ. Với người Do thái, thập giá là sự ô nhục. Còn đối với những ai tin vào Thiên Chúa, thập giá là sự khôn ngoan tuyệt vời của Thiên Chúa” và thập giá là sức mạnh vô biên đem lại chiến thắng lớn lao nhất cho con người, chiến thắng tội lỗi và sự chết.

Sau hết, Đức Giêsu chính là con đường dẫn nhân loại đi vào trong sự hiệp thông với Thiên Chúa. Quả thế, Chúa Giêsu và Chúa Cha là một “như Thầy và Chúa Cha là một”. Chúa Cha và Chúa Con nên một trong kế hoạch giải thoát, nên một trong lời giảng dạy và trong hành động cứu độ. Câu trả lời của Đức Giêsu dành cho Philipphê cho thấy rất rõ điều đó “Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra, nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy.” Chúa Giêsu ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không hành động, không nói năng tự mình, nhưng chính Chúa Cha hành động và nói trong Chúa Giêsu. Cuộc đời của Chúa Giêsu làm sáng tỏ chân lý ấy vì chẳng có lời nào mà Ngài đã không nói nhân danh Chúa Cha và để làm vinh danh Chúa Cha. Do đó, khi chúng ta hiệp thông với Chúa Giêsu bằng việc lắng nghe lời Ngài, họa lại cuộc đời của Ngài trong cuộc đời mình, rước Mình Thánh Chúa mỗi ngày là chúng ta thực sự đang đi con đường tiến vào sự hiệp thông với Thiên Chúa. Ai hiệp thông với Thiên Chúa và với Đức Giêsu sẽ làm được những gì Đức Giêsu làm và còn làm được những việc lớn lao hơn nữa, và nếu họ cầu xin nhân danh Đức Giêsu, lời cầu xin của họ sẽ được chấp nhận.

Có rất nhiều lối đi trong hành trình cuộc đời, nhưng chỉ có một lối đi duy nhất là lối đi Giêsu. Ngài chính là lối đi, là nẻo đường chắc chắn nhất dẫn nhân loại về nhà Cha, quê hương đích thật của chúng ta, là con đường mạc khải cho thế giới về Chúa Cha, và dẫn nhân loại đi vào sự hiệp thông sâu xa với Chúa Cha. Kết quả của sự hiệp thông ấy thật lớn lao, là cho phép chúng ta làm được những gì Chúa Giêsu đã làm và còn có thể làm những việc lớn lao hơn nữa vì Chúa Giêsu đã về cùng Chúa Cha. Thử hỏi chúng ta đã đón nhận con đường Giêsu và bước theo Ngài trên nẻo đường ấy thế nào. Nguyện xin Chúa mở lòng để chúng ta dám chọn lối đi Giêsu, con đường xuyên qua thập giá, hy sinh và khổ đau hầu đạt tới sự sống vĩnh cửu, hạnh phúc viên mãn. Xin cho chúng ta cũng trở thành lối đi dẫn người khác đến với Thiên Chúa và Chúa Giêsu để mọi người đều cũng có đường lối đi đúng như chúng ta hầu cũng đạt tới ơn cứu độ. Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập86
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm47
  • Hôm nay38,893
  • Tháng hiện tại286,866
  • Tổng lượt truy cập79,518,704
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây