LỄ CHÚA BA NGÔI
Xh 34,4b-6.8-9; 2 Cr 13,11-13; Ga 3,16-18
Người ta kể rằng một lần kia đang đi trên bãi biển suy tư về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, thánh Augustino, giám mục tiến sỹ Hội Thánh gặp một cậu bé đang dùng một cái ngao nhỏ múc nước biển đổ vào lỗ dã tràng. Thấy cậu bé làm một việc mất công vô ích, ngài hỏi cậu: này cháu, cháu làm gì thế? Cậu bé trả lời, thưa chú, cháu tát nước biển. Ngài bảo cậu bé: làm sao cháu có thể tát nước biển trong khi biển rộng mênh mông, chiếc ngao lại nhỏ, lỗ dã tràng quá nhỏ, và nước đổ vào đó lại chảy xuống biển? Cháu đang làm điều vô ích. Cậu bé trả lời, việc cháu đang làm còn dễ hơn là điều chú đang suy nghĩ, và rồi cậu bé biến mất.
Vâng, đúng như vậy. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm cao siêu nhất trong đạo, một mầu nhiệm vượt lên trên mọi suy tưởng của con người. Không trí khôn nào có thể hiểu thấu, không ngôn từ nào có thể diễn tả hết. Do đó, chúng ta có thể nói đây là mầu nhiệm để yêu mến và để sống hơn là để suy tư tìm hiểu. Nói cách khác, nếu chúng ta thực sự sống yêu thương hiệp nhất với Thiên Chúa và với nhau, chúng ta hiểu được thế nào là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Quả vậy, bài đọc thứ nhất kể rằng Thiên Chúa gọi ông Môsê lên núi Sinai. Theo lệnh Thiên Chúa, Môsê mang hai bia đá đi lên núi. Thiên Chúa ngự xuống trong đám mây, đứng đó với ông và xưng là Đức Chúa. Ngài mạc khải cho ông biết Ngài là Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín.” Chân lý này được kiểm chứng qua những gì Ngài đã làm cho dân Israel. Từ một dân tộc hỗn tạp, ngỗ nghịch và cứng lòng, Thiên Chúa đã giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ Ai Cập. Suốt bốn mươi năm dân đi trong sa mạc về đất hứa, Ngài đã nuôi ăn bằng manna, cho uống nước tinh khiết trong lành chảy ra từ tảng đá, cho chim cút bay rợp trời làm thực phẩm. Ấy thế mà họ vẫn coi thường và kêu trách Ngài. Vậy mà Ngài vẫn tỏ lòng nhân hậu và từ bi, kiên nhẫn nén giận, giàu ân nghĩa và lòng thành tín. Ngài đã đánh phạt không phải cho bõ tức, nhưng để tha thứ và chữa lành cho họ bằng nhiều cách khác nhau không ngoài mục đích giáo dục để họ trở về đường chính nẻo ngay. Ông Môsê một mặt thừa nhận dân này là một dân cứng đầu cứng cổ,” nhưng một mặt ông hết lòng tin tưởng xin Ngài xót thương tha thứ những lỗi lầm của dân chúng và nhận họ làm cơ nghiệp của Ngài. Thiên Chúa đã không ngoảnh mặt làm ngơ, nhưng nhận lời cầu xin của ông và nhận Israel làm gia nghiệp riêng của Ngài.
Thánh Phaolô tông đồ trong thư gửi tín hữu Côrinthô một cách gián tiếp cũng nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đầy lòng yêu thương và thành tín. Vì xác tín như thế nên thánh nhân đã tha thiết kêu gọi các tín hữu Côrinthô “hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện, khuyến khích nhau, đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hòa.” Các tín hữu phải cố gắng sống như vậy vì Thiên Chúa vừa là Đấng thiện hảo vừa là Đấng đầy tình thương. Nếu các tín hữu ngày xưa và chúng ta hôm nay làm được như thế thì Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an sẽ ở cùng họ. Thánh nhân tha thiết kêu gọi các tín hữu hãy dành chho nhau tình thương mến “Anh em hãy hôn chào nhau cách thánh thiện. Mọi người ở chỗ thánh Phaolô gửi lời chào thăm anh chị em.” Không dừng lại ở đó, ngài còn cầu chúc cho toàn thể các tín hữu được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu, tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Rõ ràng Thiên Chúa là cội rễ, căn nguyên của yêu thương, trên đó tình người được triển nở, mọi dân tộc được hình thành và triển nở. Như vậy, với thánh Phaolô, mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm yêu thương hiệp nhất giữa Cha, Con và Thánh Thần, một sự hiệp nhất làm mẫu mực cho mọi tín hữu cả hôm qua cũng như hôm nay.
Chân lý cao siêu này còn được bài Tin Mừng trình bày rất rõ ràng qua ngòi bút của thánh Gioan tông đồ. Thánh tông đồ bảo rằng tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại thật lớn lao, thật tuyệt vời. Lớn lao và tuyệt vời đến nỗi đã không tiếc bất cứ điều gì, thậm chí trao ban cả Con Một cho thế gian. Ngài trao ban cho thế gian Con Một không phải để kết án thế gian, nhưng để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Nói cách khác, nhờ Con của Ngài mà tất cả chúng ta được cứu độ. Ai tin Con của Ngài thì không bị lên án, nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Khi tặng ban Con Một cho thế gian thì có nghĩa là Ngài tặng ban chính mình cho nhân loại. Ngài ban tặng chính mình như vậy không có mục đích nào khác ngoài việc cứu độ toàn thể chúng sinh. Chỉ cần con người đặt tin tưởng nơi Đức Giêsu và sống những đòi hỏi của đức tin là đủ bảo đảm cho ơn cứu độ.
Hôm nay chúng ta cùng toàn thể Hội Thánh long trọng mừng lễ Chúa Ba Ngôi, một mầu nhiệm vượt lên trên mọi suy tưởng của con người, một mầu nhiệm để tin yêu và để sống hơn là để tìm hiểu và học hỏi. Chúng ta có thể nói rằng chúng ta chỉ thực sự hiểu biết Ba Ngôi Thiên Chúa nhờ sống mầu nhiệm hiệp thông yêu thương ấy ngay trong cuộc sống thường ngày của chúng ta qua cung cách chúng ta đối Chúa và tha nhân. Thử hỏi chúng ta có kinh nghiệm gì về Ba Ngôi Thiên Chúa và chúng ta đã sống mối hiệp thông yêu thương tha nhân ra sao để chúng ta hiểu sâu sắc hơn về chính Thiên Chúa mà chúng ta tin tưởng và yêu mến. Nguyện xin Chúa cho chúng con biết hòa mình vào trong Ba Ngôi như muối biết biển nhờ hòa tan trong biển, biết gắn kết chặt chẽ cuộc đời với Chúa nhờ tuân giữ lời Chúa và siêng năng rước Mình Thánh Chúa. Amen.