Lạy Thánh Thần sáng tạo, xin ngự đến

Thứ sáu - 26/05/2023 22:30  1037
obra del espiritu santo 954x572“Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại.”[1] (Ga 20, 23). Giữ đúng lời hứa sau khi Phục Sinh, Chúa Giêsu đã trao ban Thánh Thần cho các Tông đồ. Chúng ta thấy rằng cử chỉ thổi hơi của chúa Giêsu trên các Tông đồ gợi nhớ lại việc sáng tạo, trong đó Thiên Chúa đã ban sự sống cho con người bằng cách thổi sinh khí. Khi tạo dựng con người, Chúa đã thổi sinh khí để làm cho họ được sống động, vui tươi; để họ hít thở bầu khí trong lành của sự sống. Tuy nhiên, tội và những hậu quả của tội là nguyên do khiến con người phải hít thở bầu khí thấm nhiễm sự chết. Vì vậy, có thể nói, sinh khí là dấu hiệu để phân biệt một người đang sống hay đã chết. Có sinh khí, con người nói năng, đi đứng, hoạt động. Có sinh khí, con người làm những điều tốt đẹp cho mình và cho tha nhân. Sinh khí trở thành một tiêu chuẩn để đánh giá thực tại. Khi thấy trong một gia đình, một cộng đoàn  mà mọi ngươi quan tâm chia sẻ nâng đỡ nhau, chúng ta nói nơi ấy tràn đầy năng lượng, tràn đầy sinh khí. Trái lại, nơi nào có bất an sợ hãi thì đó là dấu hiệu cho thấy nơi ấy đang thiếu sức sống của Thần khí Chúa.

 Cộng đoàn các môn đệ đã trải nghiệm thời khắc xáo trộn, bất an. Tương tự như thế các thượng tế cùng các thuộc hạ của họ đã đặt án tử lên Chúa Giêsu. Khi ấy, quyền lực của thế gian, quyền lực của sự dữ đã thắng thế trong một giây lát, nhưng không thể thắng được quyền lực của sự sống. Bằng chứng là Tin Mừng Phục Sinh không còn nhắc đến những tên, những danh xưng gây kinh hoàng cho các môn đệ. Thay vào đó, các tác giả tường thuật về cuộc sáng tạo mới khi Chúa Phục sinh trao ban cho họ Thần khí là Thánh Thân đến để canh tân, để đổi mới mọi sự, đặc biệt là đổi mới những con người tin “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”, đó là quà tặng tuyệt vời mà Chúa Giêsu ban cho tất cả các môn đệ và cũng là cho mỗi người chúng ta.

 Thánh thần Chúa được trao ban trên các Tông đồ, trên Hội thánh vào ngày Chúa Phục sinh và trong ngày lễ Ngũ Tuần. Trong sách Công vụ Tông đồ, chúng ta thấy Thánh Thần đến như những lưỡi lửa mang đến ánh sáng, mang đến hơi ấm để làm cho những tâm hồn nguội lạnh tìm được nhiệt tâm yêu mến Chúa và yêu mến tha nhân. Thánh Thần đến như sinh khí, như làn gió tràn vào để thổi bay tất cả những u ám.[2] Nhờ Ngài, các Tông đồ thoát khỏi cảnh tù túng vì sợ hãi, họ bước ra khỏi căn phòng, mạnh dạn giao tiếp với thế giới bên ngoài và loan báo những kỳ công Chúa đã thực hiện cho muôn dân.

 Chúng ta không thể nhìn thấy Thần khí của Chúa, nhưng chúng ta có thể thấy được Ngài qua những hoa trái rất phong phú ở nơi tâm hồn các tín hữu, thấy được ân sủng của thánh thần năng động trong Hội thánh và trong thế giới. Những người gốc Do Thái sinh trưởng tại Giêrusalem mừng lễ Ngũ tuần cũng hiểu được điều các tông đồ rao giảng và sự kiện này chứng tỏ sức tác động rất mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần. Ngài là Đấng soi sáng tâm hồn, các chứng nhân. Ngài là Đấng soi lòng mở trí cho dân ngoại để tất cả mọi người nên một trong Chúa Phục Sinh. Vì vậy, chúng ta có thể thấy, Chúa Thánh Thần đã nối kết những con người vốn khác biệt, dù là Do Thái, Hy Lạp; dù là người nô lệ, là kẻ tự do thành một thân thể duy nhất là Hội thánh nhờ phép rửa ban ơn tái sinh. Hơn nữa, Chúa Thánh Thần còn ban nhiều đặc sủng khác nhau cho mỗi tín hữu, nhờ đó mỗi người thực hiện một chức năng phục vụ cho lợi ích chung của gia đình của giáo xứ của cộng đoàn hội thánh và thế giới.

Một khi không có sự hoạt động của Chúa Thánh Thần, đời sống đức tin của mỗi cá nhân chúng ta và toàn thể Hội thánh cũng khô héo vì không còn sức sống của Thần linh. Chính vì vậy, trước khi về trời, Chúa Giêsu đã thực hiện lời hứa ban Đấng bảo trợ đến. Khi các Tông đồ đón nhận Ngài thì họ được ơn can đảm, được ơn ngôn ngữ, được ơn thông hiểu và nhất là ơn tha thứ để Công bố Tin Mừng hòa giải, Tin mừng Cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Khi chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, lời Chúa giúp cho chúng ta nhận ra nguồn ân huệ cao quý, phong phú của Chúa Thánh Thần mà chúng ta đã đã nhận trong Bí tích Rửa tội và Bí tích Thêm sức.

 Dù chúng ta đã nhận hơn tái sinh và ơn sức mạnh thì chúng ta cũng cần mở rộng cánh cửa tâm hồn để nhận sinh khí cũng như nhiệt tâm từ Chúa Thánh Thần. Như thế, chúng ta mới biết rộng rãi chia sẻ các ân huệ cho ta nhân bằng đời sống bác ái, bằng sự tha thứ, bằng những lời an ủi và kinh nguyện. Một việc làm, một hành động tốt có thể biểu lộ hoa trái của Chúa Thánh thần vẫn đang tiềm tàng ở nơi tâm hồn mỗi người chúng ta. Như vậy, ai cũng có khả năng nhờ trợ giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, ai cũng có khả năng giải quyết những bất hòa, những chia rẽ, và nhất là nhờ Chúa thánh Thần, chúng ta làm sáng danh Chúa và đời sống bác ái vui tươi. Xin Chúa Thánh Thần tiếp tục đến để Ngài đổi mới tâm hồn chúng ta, đổi mới hành vi cử chỉ của chúng ta, nhờ đó chúng ta có thể loan báo Tin Mừng bình an của Chúa.
 

[1] Đức Giêsu thổi hơi trên họ, lập lại cử chỉ của Đấng Sáng Tạo, Đấng làm sinh động con người bằng cách thổi hơi sự sống của chính mình vào con người. Động từ được thánh Gioan sử dụng dù chúng ta không gặp thấy ở bất cứ nơi nào khác trong Tân Ước, nhưng đích thật động từ của sách Sáng Thế để chỉ cử chỉ của Đấng Sáng Tạo trong việc tạo dựng con người đầu tiên (St 2,7). Đây cũng là động từ mô tả những bộ xương khô được hồi sinh trong một thị kiến nổi tiếng của ngôn sứ Êdêkien: “Ngươi hãy nói với thần khí: Hỡi thần khí, hãy đến thổi vào những vong nhân nầy cho chúng được hồi sinh.” (Ed 37,9). Vì thế, động từ này cốt yếu là đánh dấu “một cuộc sáng tạo mới”, một thế giới mới được khai sinh. Đức Giê-su làm cho các môn đệ của Ngài trở thành nhân tố của nhân loại được tái sinh. Để làm như vậy, Ngài tái tạo họ và tăng cường họ bằng cách thổi Thần Khí của Ngài trên họ, Ngài ban cho họ quyền tha thứ tội lỗi anh em của mình… Ngài đã hứa với họ: máu của Ngài đổ ra để tha thứ tội lỗi. Đó là sự phong nhiêu của cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài.
 
[2] Sau khi đã chứng kiến Chúa Giê-su về trời, các Tông Đồ quay trở về Giêrusalem tuân theo lời dặn của Đức Giêsu trước khi Ngài từ giã các ông: “Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24, 49). Nơi họ tụ họp là “lầu trên” (Cv 1, 13). Đây là phòng Tiệc Ly, nơi Đức Giêsu đã tham dự Tiệc Ly với các ông, trong đó Ngài đã thiết lập bí tích Thánh Thể; đó cũng là nơi dù cửa đóng then cài, Đức Giêsu đã hiện ra với các ông vào buổi chiều Phục Sinh; và đó cũng là nơi Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên các ông. Như vậy, một cách nào đó, có một mối liên kết mật thiết giữa bàn tiệc Thánh Thể với biến cố Phục Sinh và biến cố Hiện Xuống.

1. Mọi người đang tề tựu một nơi:

Không nên hiểu “mọi người đang tề tựu” như “buổi họp mặt của một trăm hai mươi người” vài ngày trước đây để chọn ông Mátthia làm Tông Đồ thay thế ông Giu-đa (Cv 1,15). Đúng hơn là một nhóm người hạn định hơn mà thánh Luca mô tả ở 1,13-14: các Tông Đồ, vài người phụ nữ, Đức Maria thân mẫu của Đức Giêsu và anh em họ của Đức Giêsu. Họ tề tựu một nơi mà cầu nguyện trong khi chờ đợi biến cố mà Đức Giê-su đã hứa: Chúa Thánh Thần ngự xuống. Ấy vậy, một sự trùng hợp đáng ngạc nhiên. Để tỏ mình ra, Chúa Thánh Thần chọn ngày đại lễ Do thái được gọi là “Lễ Ngũ Tuần”, ngày lễ dân Do thái tưởng niệm việc ký kết Giao Ước trên núi Xinai giữa Thiên Chúa và dân Ngài trong trận cuồng phong và dưới dấu chỉ của lửa. Biến cố Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ được bày tỏ kín đáo hơn, nhưng theo cùng một cảnh tượng tương tự: “Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một”.

2. Lễ Ngũ Tuần:

Lễ Ngũ Tuần được xác định vào ngày thứ năm mươi sau bảy tuần khởi đi từ lễ Vượt Qua, vì bảy tuần (7 x 7) là dấu chỉ của sự viên mãn. Vì thế, chữ “Tuần” được sử dụng ở đây không là một tuần lễ có bảy ngày mà là một tuần trăng có mười ngày gồm có thượng tuần, trung tuần và hạ tuần. Lễ Ngũ Tuần Do thái tự nguồn gốc là lễ Mùa, lễ kết thúc thời kỳ thu hoạch mùa màng được khai mạc qua việc dâng tiến bó lúa đầu tiên (Đnl 16, 9-10). Tuy nhiên, các lễ hội của dân Ítraen đều đã trải qua một tiến trình tinh thần hóa: từ bình diện tự nhiên sang bình diện Lịch Sử Thánh, bởi vì Lịch Sử đối với dân Thiên Chúa cốt thiết là hành động của Thiên Chúa. Lễ Vượt Qua trở thành lễ tưởng niệm cuộc giải thoát khỏi Aicập, lễ Lều (lễ thu hoạch nho) ghi nhớ cuộc hành trình trong hoang địa; sau cùng, lễ Ngũ Tuần, dù tương đối muộn thời, được nối kết với những biến cố Xuất Hành. Khi Giao Ước được k‎ý kết trên núi Xi-nai, năm mươi ngày sau cuộc giải phóng khỏi Aicập, lễ Ngũ Tuần cử hành sinh nhật của cuộc giải phóng nầy. Vào thời kỳ tiếp cận với kỷ nguyên Kitô giáo, lễ Ngũ Tuần, còn hơn ngày lễ tưởng niệm, là dấu chỉ hằng năm làm mới lại Giao Ước. Vào ngày lễ này, Dân Chúa lập lại lời thề hứa trung thành với Đức Chúa.


3. Núi thánh Xinai và nhà Tiệc Ly:

Trên núi Xi-nai, lời hứa trung thành với Giao Ước và ân ban Lề Luật đã được cử hành đặc biệt long trọng, mà thánh ký miêu tả theo bút pháp gần với lối hành văn ngoa dụ. Những biểu tượng được mượn phần lớn trong các tôn giáo như cuồng phong kèm theo những cuộc thần hiển. Trong Do Thái giáo, có một ghi nhận đặc thù: Đức Chúa, Thiên Chúa duy nhất và siêu việt từ chối tất cả mọi hình ảnh về Ngài, chỉ chấp nhận sự hiện diện của Ngài dưới dấu chỉ lửa (hay ánh sáng, đám mây rực sáng) và gió (cuồng phong hay cơn gió thoảng) gần với hơi thở, đồng nghĩa với “thần khí”. Đây là những hình ảnh phi vật chất nhất. Việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ được mô tả theo những cuộc thần hiển Cựu Ước. Hơn nữa, những hình ảnh truyền thống nầy trở nên phong phú nhờ những đóng góp của văn chương khải huyền. Trận cuồng phong loan báo cuộc tụ họp muôn dân vào ngày Chung Thẩm. Những lưỡi lửa thuộc vào cũng một hình tượng của thời chung cuộc nầy. Cuối cùng, truyền thống kinh sư suy niệm biến cố Xinai đã khai triển những ẩn ý hàm chứa nơi biến cố nầy, như tiếng nói của ông Môsê được phân chia thành bảy mươi ngôn ngữ ngỏ hầu tất cả mọi dân tộc đều có thể nghe hiểu. Ngoài ra, làm thế nào không gợi ra lời nguyện ước của ông Môsê: “Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ !” (Ds 11,29). Thánh Luca nối kết trực tiếp những hình ảnh này vào ân ban ngôn ngữ mà các Tông Đồ đón nhận. Rõ ràng kỷ nguyên Kitô giáo được loan báo bởi cùng những dấu chỉ với kỷ nguyên cánh chung. Như vậy, có một sự liên tục từ Cựu Ước đến Tân Ước. Tân Ước đáp trả cho niềm mong chờ của Cựu Ước. Mười hai Tông Đồ có mặt ở phòng Tiệc Ly để tiếp tục sự nghiệp của Đức Kitô. Nhưng chúng ta cũng dễ dàng nhận ra có những khác biệt sâu xa giữa lễ Ngũ Tuần Do thái và lễ Ngũ Tuần Kitô giáo.

4. Phép rửa trong Thánh Thần:

Thánh Gioan Tẩy Giả đã loan báo trước: “Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước… Còn Đấng đến sau tôi… Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3,11). Tất cả các Tông Đồ đã không đón nhận phép rửa trong nước, nhưng đều lãnh nhận phép rửa trong Thánh Thần và lửa: “Và ai nấy đều được đầy ơn Thánh Thần”. Giáo Hội khởi đi từ ngày lễ Ngũ Tuần Kitô giáo. “Lửa” gợi lên biết bao ý nghĩa: thanh tẩy, thanh luyện, hun đúc lòng nhiệt thành… như câu thành ngữ: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Biến cố Xinai thiết lập triều đại Lề Luật trong khi những biến cố Hiện Xuống khai mạc kỷ nguyên Thánh Thần. Xưa kia một dân duy nhất làm đối tượng của việc Thiên Chúa tuyển chọn. Từ nay, mọi dân tộc đều được mời gọi dự phần vào cùng một ơn cứu độ. Vì thế, ân ban Thánh Thần đầu tiên là ân ban ngôn ngữ, ân ban cho phép các Tông Đồ ngỏ lời với đám đông thính giả dù sinh trưởng ở đâu cũng đều nghe các Tông Đồ dùng tiếng nói của họ mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa: “Chúng ta đã nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!” (Cv 2,11). Khi liệt kê một danh sách dài về nguồn gốc khác nhau của họ, thánh Luca nhấn mạnh chiều kích phổ quát của sứ điệp Tin Mừng. Như vậy, lễ Ngũ Tuần Kitô giáo đối lập với chuyện tích Tháp Baben (St 11), theo đó việc bất đồng ngôn ngữ và việc muôn dân bị phân tán khắp nơi xem ra là một án phạt. Giờ đây, Giáo Hội của Đức Kitô dưới sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần dâng hiến cho nhân loại khả năng hiệp nhất. Một ân ban Thánh Thần khác, có thể hiểu biết ngay tức khắc, đó là ân ban Sức Mạnh. Ngay khi được tràn đầy Thánh Thần, các Tông Đồ mở tung mọi cánh cửa của căn phòng đóng kín vì sợ, họ bước ra gặp gỡ mọi người, mạnh dạn phục hồi danh dự của Đấng chịu đóng đinh và công bố quyền tối thượng của Đấng Phục Sinh: “Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: đó là điều anh em đang thấy và đang nghe” (Cv 2,33).

5. Sự hiện diện của Đức Maria:

Như chúng ta đã ghi nhận trước đây, cách nói “mọi người đang tề tựu một nơi” bao gồm Đức Maria và vài phụ nữ. Sự kiện Đức Maria có mặt vào ngày Chúa Thánh Thần khai sinh Giáo Hội thật có ý nghĩa biết bao. Trước đây, trong biến cố Truyền Tin, qua việc Thánh Thần ngự xuống trên Mẹ trong căn phòng Nadarét thầm lặng kín đáo, Con Thiên Chúa lặng lẽ đến ở giữa nhân loại trong cung lòng của Mẹ. Giờ đây, trong biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống, Đức Maria đảm nhận tình mẫu tử khác, tình mẫu tử thân thể mầu nhiệm của Con Mẹ, tức Giáo Hội. Vài phụ nữ khác, chắc hẳn có bà Maria Mácđala, cũng đón nhận Thánh Thần. Những người phụ nữ nầy sẽ không phải dãi dầu sương gió rong ruổi dặm trường để làm chứng cho Đức Giê-su Phục Sinh. Họ sẽ không chịu cảnh bắt bớ tù đày như các Tông Đồ, nhưng họ làm chứng theo cách khác. Họ hoạt động nhiều đến nổi truyền thống gọi bà Maria Mácđala là “Tông Đồ của các Tông Đồ”, nghĩa là Tông Đồ tuyệt hảo.

Tác giả: Đức Hữu

 Tags: phục sinh
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập358
  • Máy chủ tìm kiếm84
  • Khách viếng thăm274
  • Hôm nay32,848
  • Tháng hiện tại1,020,956
  • Tổng lượt truy cập79,024,407
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây