Sứ điệp ngày Chúa Lên Trời
Thứ sáu - 19/05/2023 22:13
1609
LỄ CHÚA LÊN TRỜI
Phụng vụ lời Chúa trong lễ Chúa Giêsu Lên Trời hôm nay gợi lại cho chúng ta hai thông điệp thật rõ ràng: Chúa Giêsu lên trời, niềm hy vọng của các tín hữu; sứ mạng chính yếu được trao cho Giáo hội là làm chứng nhân cho Chúa bắt đầu từ Giêrusalem cho tới tận cùng trái đất. Sứ mạng ấy không của riêng ai, nhưng là của toàn thể Giáo hội, trong đó có mỗi tín hữu chúng ta.
1. Chúa Giêsu lên trời
Trở về với cội nguồn, với cùng đích của mình là mong đợi của mỗi tín hữu và cũng là mong đợi của Chúa Giêsu. Vì thế mà trong Tin mừng, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ “Thầy còn một phép rửa Thầy phải chịu, Thầy khắc khoải cho tới khi việc này hoàn tất” (Lc 12,50). Phép rửa mà Chúa Giêsu phải chịu, phải khắc khoải cho đến khi việc này hoàn tất chính là cuộc vượt qua của Ngài. Cuộc vượt qua ấy chính là đau khổ, thập giá và cái chết. Dẫu biết thế, nhưng Chúa Giêsu vẫn can đảm thi hành “Lạy Cha, xin cho con khỏi uống chén này, nhưng đừng theo ý con, một theo ý Cha.” Sau khi hoàn tất cuộc vượt qua, Chúa Giêsu thật xứng đáng được Thiên Chúa siêu thăng. Điều này được các Tin mừng và sách Cv ghi lại cách chắc chắn: “Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa.”
Cùng đích của cuộc đời người tín hữu không phải là trần gian này, nhưng cũng là trời cao, là Thiên Chúa, là Thiên đàng, là nơi Chúa Giêsu đã về, là nhà Cha, nơi Thiên Chúa ân cần chờ đợi chúng ta. Người tín hữu cũng chẳng thể theo con đường nào khác để tiến về trời cao ngoài con đường Giêsu, nghĩa là mỗi tín hữu cũng phải hoàn tất cuộc vượt qua đời mình. Đó là chết đi cho con người cũ, con người tội lỗi, ích kỷ hẹp hòi toan tính, con người đam mê thế gian trần tục... Thay vào đó là con người mới của Chúa Giêsu phục sinh, con người thánh thiện, yêu thương, phục vụ, sống hết mình vì Chúa và vì tha nhân... Đó là bảo đảm không gì có thể thay thế cho thiên đàng, cho trời cao, cho nhà Cha - đích đến của mọi tín hữu.
2. Lệnh truyền của Chúa Giêsu
Trước khi lên trời, Chúa Giêsu truyền cho các tông đồ phải làm chứng nhân cho Chúa bắt đầu từ Giêrusalem cho đến tận cùng trái đất. Có thể nói đây là lệnh truyền cuối cùng làm nên bản chất của Hội thánh: Hội thánh truyền giáo. Sứ mạng đó không còn là của riêng ai, nhưng là của mọi người, của mỗi tín hữu. Nếu đã là môn đệ của Chúa Giêsu, là con Thiên Chúa qua bí tích Rửa tội, thì mỗi tín hữu không thể không thi hành sứ mạng ấy. Điều này được cả bài đọc 1 trích sách Cv lẫn bài Tin khẳng định. Theo tác giả sách Cv, trước khi lên trời, Chúa yêu cầu các ông ở lại Giêrusalem cho tới khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, rồi mới ra đi làm chứng cho Chúa “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, 8 nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.”
Theo bài Tin mừng, trước khi được rước lên trời, Chúa Giêsu cũng trao sứ mạng này cho các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”
Như thế, sứ mạng làm chứng nhân cho Chúa là sứ mạng chính yếu của Hội thánh, và cũng là sứ mạng quan trọng hàng đầu của mỗi tín hữu. Giáo hội nói chung và mỗi tín hữu nói riêng không thể là mình nếu không làm chứng nhân cho Chúa. Họ không làm chứng cho Chúa một mình mà làm chứng cùng với Chúa Thánh Thần và Giáo Hội. Các tín hữu không thể làm chứng nếu không có một đời sống gắn bó chặt chẽ với Chúa Giêsu và Thánh Thần. Chính Thánh Thần là sức mạnh làm nên sự biến đổi tâm hồn của các tín hữu... Họ làm chứng bằng cách nào? Thưa, các tín hữu làm chứng cho Chúa bằng lời nói = nói về Chúa Giêsu, nói về tình thương của Chúa trên cuộc đời mình, nói về kinh nghiệm gặp gỡ Chúa... cho tha nhân. Chưa đủ, các tín hữu còn phải sống thánh thiện = không phạm tội, tập làm việc lành, hết lòng yêu thương, ân cần phục vụ không tính toán, cảm thông tha thứ, sẵn sàng giúp đỡ...
Thật vậy, trước khi Thánh Thần được ban xuống, mặc dầu Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra nhiều lần với các tông đồ, nhưng các ông vẫn còn mang tâm trạng sợ hãi, nghi ngờ. Mãi cho tới khi Thánh Thần được ban xuống, các tông đồ mới can đảm mở tung cửa, bắt đầu can đảm ra đi rao giảng, và làm chứng nhân cho Chúa “Và ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,4). Từ đây, họ chẳng còn gì phải sợ, ngoài việc sống đẹp lòng Chúa và làm chứng nhân cho Chúa. Người Do thái ư? Người Hy lạp ư? Quan chức ư? Những thượng tế và lãnh đạo Do thái ư? Tất cả chẳng còn là gì đối với họ, ngoại trừ một mình Chúa Giêsu. Bắt bớ ư, đánh đòn ư? Tù tội ư? Gian khổ ư? Cái chết ư? Không gì có thể tách họ ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô. Như thế, chính Chúa Thánh Thần là sức mạnh, là sự khôn ngoan, nhiệt thành của Hội thánh, để Hội thánh nói chung, và mỗi tín hữu nói riêng nhiệt thành rao giảng Tin mừng và làm chứng nhân cho Chúa Phục Sinh.
Chúa Giêsu đã nhập thể làm người để sống thân phận kiếp người với chúng ta. Ngài rao giảng Tin mừng, thực hiện những phép lạ, chịu thương khó, chịu chết, và sống lại vì chúng ta. Ngài đã được Thiên Chúa siêu thăng, cho ngự bên hữu Thiên Chúa, làm thẩm phán xét xử kẻ sống và kẻ chết “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất”. Được lên trời, tới thiên đàng, về nhà Cha, vào Nước trời... là đích đến cuối cùng của các tín hữu. Làm thế nào để đạt tới cùng đích tuyệt vời ấy? Thưa, để đạt tới cùng đích cao cả ấy, các tín hữu phải sống đời làm chứng nhân cho Chúa bằng lời nói và việc làm = sống thánh thiện.
Nguyện xin Chúa cho mỗi tín hữu hiểu và tin tưởng mầu nhiệm Chúa lên trời và sống niềm hy vọng về trời với Chúa để sau khi kết thúc cuộc đời này chúng ta được xứng đáng về trời với Chúa. Amen!
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh