Quyền lực của Đấng Phục Sinh

Thứ sáu - 19/05/2023 21:57  393
Chúa Nhật lễ Chúa Lên Trời
Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mt 28,16-20

1Hôm nay, chúng ta mừng Lễ Chúa Thăng Thiên, Lễ Chúa Giêsu lên Trời, một sự kiện trọng đại của niềm tin Kitô giáo. Chúa lên Trời có phải Ngài không còn liên hệ gì đến trần thế và chúng ta phải làm gì khi Chúa đã về Trời?

Niềm tin về một ai đó đã về Trời đã có từ lâu trong suy nghĩ của người Việt Nam, đã có rất nhiều câu chuyện cho chúng ta thấy điều đó như: Thánh Gióng sau khi đánh thắng giặc Ân, cả người lẫn ngựa sắt bay về Trời, hay quan niệm ông Công ông Táo về Trời, ông bà về chầu Trời… Tuy nhiên, Thánh sử Matthêu cho chúng ta thấy: Đức Giêsu lên Trời là một sự kiện có thật đã ảnh hưởng tới toàn bộ lịch sử nhân loại và mở ra một hy vọng chắc chắn cho những ai đặt niềm tin nơi Chúa. Đức Giêsu về Trời cho chúng ta thấy Ngài là Đấng Siêu Việt, là Thượng Đế Chí Tôn. Ngài có quyền lực trên cả sự chết, và được trao toàn quyền trên trời dưới đất.

Trong Bài đọc thứ nhất, các Tông đồ đã làm chứng cách xác tín về tất cả những điều Đức Giêsu đã làm và những điều Người đã dạy sau khi Ngài đã sống lại: “Người đã dạy bảo các Tông Đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần. Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa” (Cv 1,2-4). Chúng ta biết rằng, Chúa Thánh Thần chính là Đấng Thánh Hoá và canh tân trái đất, Ngài làm cho muôn vật có sinh khí và có sự sống. Sách Công Vụ cho biết mọi hoạt động của Đức Giêsu đều có liên quan đến Thánh Thần, ngay cả việc chọn gọi các ông cũng nhờ Thánh Thần (Cv 1,2). Điều này chứng tỏ Đức Giêsu có uy quyền trên muôn loài muôn vật bởi sức mạnh Thánh Thần của Ngài. Nếu ông Gioan làm phép rửa bằng nước, thì chính Đức Giêsu lại rửa bằng Thánh Thần Tình Yêu của Ngài.

Không dừng lại ở đó, uy quyền của Đức Giêsu ở dưới đất còn thể hiện ở lệnh truyền của Ngài khi các môn đệ hỏi về ngày giờ khôi phục vương quốc Israel. Các môn đệ hiểu theo nghĩa chính trị trần thế, nhưng câu trả lời của Đức Giêsu bao hàm mọi ý nghĩa: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em” (Cv1,7-8). Thử hỏi có ai mạnh bằng Thánh Thần? Ngài được ví như Gió, mà gió thì chúng ta không biết nó bắt đầu từ đâu và kết thúc khi nào? Sức mạnh của gió với những cơn lốc thì khủng khiếp đến nhường nào. Khi đã có sức mạnh của Chúa Thánh Thần, từ những con người vốn nhát đảm, yếu đuối lại trở nên can đảm và mạnh mẽ phi thường. “Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Sammari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). “Tận cùng trái đất” nghĩa là sao? Đó là toàn bộ trái đất bao gồm cả không gian và thời gian. Không gian thì vô tận mà quyền lực Đức Giêsu Phục Sinh thì vĩnh hằng.

Trong bài đọc hai, Thánh Phaolô đã cho chúng ta thấy rõ hơn sức mạnh của Chúa Thần cũng như uy quyền của Đức Giêsu Kitô trên Trời: “Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, mà Chúa Cha đã biểu dương nơi Đức Kitô, làm cho Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết và đặt ngự bên Người trên trời. Như vậy, Người đã tôn Đức Kitô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai” (Ep 1,20-22). Thánh Phaolô làm vang dội Lời Đức Giêsu khi Ngài giảng dạy rằng: nhờ đức tin, con người mở lòng đón nhận quyền năng cứu rỗi, tức Tin Mừng (Rm 1,16). Điều này chỉ có Đấng từ Trời mà đến mới biến đổi con người trở nên công chính nhờ lòng tin.

Bài Tin Mừng hôm nay đã minh chứng cách xác đáng quyền năng của Đức Kitô. Chính Ngài đã khẳng định: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18). Trước quyền năng của Đấng Phục Sinh, các môn đệ đã bái lạy Người. Cử chỉ này nói lên lòng tin, sự khuất phục và việc tôn thờ trước uy quyền của Đấng Phục Sinh: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Chỉ có Đấng uy quyền mới làm được như vậy và mới dám nói như thế. Điều này có nghĩa là Đấng Phục Sinh sẽ không để họ đơn côi, Ngài luôn hiện diện và nâng đỡ họ trong mọi hoàn cảnh, mọi nơi và mọi thời. Lời khẳng định về uy quyền của Đức Giêsu làm cho các môn đệ an tâm và sẵn sàng ra đi thực hiện nhiệm vụ Đấng Phục Sinh trao phó.

Tin tưởng vào quyền năng Đấng Phục Sinh, chúng ta được mời gọi tín thác vào Chúa. Chính nhờ tin mà ta nhận biết được Đức Kitô quyền năng và Phục Sinh cùng được thông phần vào các đau khổ của Người (Pl 3,9t). Đức Giêsu chịu đóng đinh cứu thoát những kẻ tin. Đối với họ, Người là quyền năng của Thiên Chúa (1Cr 1,18.23t), vì sự yếu hèn của Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn sự mạnh mẽ của loài người và quyền năng của Người thể hiện nơi sự yếu hèn của các chứng nhân (1Cr 1,25; 2Cr 12,9). Nhờ Thần Khí mà các ngài được mạnh sức lạ thường (Ep 3,16), vì Ngài ban cho lời các ngài nên Lời của Thiên Chúa và có quyền lực của Lời Thiên Chúa (1Tx 1,5; 2,13). Nơi các ngài, sự cao cả vô biên của quyền năng Thiên Chúa hoạt động và sự cao cả này vượt xa mọi điều chúng ta ước muốn hay nghĩ tưởng (2Cr 4,7; Ep 1,19; 3,20).

Cũng nhờ quyền năng của Đấng Phục Sinh giúp người môn đệ đạt tới phần rỗi sẽ tỏ hiện vào ngày sau hết (1Pr 1,5). Thiên Chúa đã thể hiện uy quyền của Ngài trên những con người yếu đuối, chỉ nhờ lòng tin họ trừ được cả ma quỷ (1Pr 5,5-10). Trái lại, những kẻ không tin sẽ bị những kẻ có quyền lực của ma quỷ lôi cuốn (Kh 13,2-7) và Thiên Chúa quyền năng sẽ dùng hơi thở nơi miệng Ngài tiêu diệt chúng vào ngày sau hết (2Tx 2,8). Vào ngày đó, thần chết cũng như mọi quyền lực thù nghịch sẽ bị tiêu diệt (1Cr 15,24). Khi ấy quyền năng của Đấng Phục Sinh biến đổi mọi sự thành Trời mới Đất mới. Ngài sẽ trở nên mọi sự trong mọi người (1Cr 15,28). “Alleluia! Vì Chúa là Thiên Chúa chúng ta, Đấng Toàn Năng đã thiết lập triều đại của Ngài” (Kh 19,6). Đó là triều đại của Tình Yêu và cũng vì Tình Yêu.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tin tưởng và hy vọng vào quyền năng của Đấng Phục Sinh. Sao lại không vững tin khi mà Đấng chúng ta tôn thờ và tiếp bước chính là Thiên Chúa thật, là căn nguyên và cùng đích của mọi vật, mọi loài; là Đấng Quyền Năng, cầm quyền sinh tử. Sao lại không hy vọng khi mà cửa trời đã mở ra với chúng ta, với tất cả mọi loài thụ tạo. Sao lại không phấn khởi hân hoan khi ta luôn có đó Đấng hiểu ta, cảm thông với ta, giơ tay chúc lành cho ta và cứu thoát ta khỏi tội lỗi nhờ máu của Người. “Nguyện chúc Người vinh quang cùng quyền năng cho đến muôn đời. Amen” (Kh1,5).

Tác giả: Lm. Jos. Duy Trần

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập202
  • Máy chủ tìm kiếm60
  • Khách viếng thăm142
  • Hôm nay32,205
  • Tháng hiện tại859,982
  • Tổng lượt truy cập69,919,856
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây