Chọn Chúa hay chọn việc của Chúa?

Thứ sáu - 21/04/2023 21:44  945
ki to huu song dao chon chua hay chon viec cua chuaĐức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận[1] đã dành chương 2 trong cuốn sách nổi tiếng “Năm chiếc bánh và hai con cá” để chia sẻ kinh nghiệm thực tế của cá nhân ngài liên quan vấn đề “Phân biệt giữa Chúa và việc của Chúa”. Ngài kể lại câu chuyện của bản thân ngài như sau:

“Lúc tôi còn là một linh mục sinh viên ở Roma, có một người đã bảo tôi: Ðức tính lớn nhất của bạn là ‘hăng say nhiệt tình’, còn tính xấu tệ nhất là ‘hay tấn công’. Dù thế nào đi nữa, tôi là một người ham hoạt động: hướng đạo sinh, tuyên úy tráng đoàn La-vang, cắm trại trên núi Bạch Mã... Một tư tưởng thúc bách tôi mỗi ngày: phải chạy đua với đồng hồ! Làm tất cả những gì có thể được để củng cố và phát triển Giáo hội trong Giáo phận Nha Trang, trước khi thời gian khốn khó xảy đến, khi phải sống dưới chế độ mới!

“Trọng tâm hoạt động của tôi là huấn luyện nhân sự: gia tăng đại chủng sinh từ 42 đến 147 trong tám năm; gia tăng số tiểu chủng sinh từ 200 đến 500 trong bốn chủng viện; tu nghiệp các linh mục trong sáu giáo phận của Giáo tỉnh miền Trung; phát triển và huấn luyện các phong trào thanh niên, giáo dân, các hội đồng giáo xứ, mục vụ... Tôi rất quí mến giáo phận đầu tiên của tôi là Nha Trang. Giờ đây, tôi phải đi vào Sàigòn lập tức, theo lệnh Ðức Phaolô VI bổ nhiệm. Không kịp từ biệt những ai đã từng hiệp nhất với tôi trong cùng một lý tưởng, cùng một quyết tâm, cùng chia sẻ hân hoan và thử thách. Ðêm ấy 7-5-1975, khi tôi ghi âm những lời tạm biệt Giáo phận Nha Trang, tôi đã khóc nhiều, đó là một lần độc nhất tôi đã khóc nhiều, đó là một lần độc nhất tôi đã khóc thổn thức trong tám năm ở Nha Trang - vì thương nhớ. Nhưng tâm hồn tôi rất bình an, vì tôi vâng lời Ðức Thánh Cha. Tiếp đến là gian khổ thử thách tại Sàigòn, là bị bắt đưa trở lại Nha Trang, nơi mà tôi đã bị biệt giam khắc nghiệt nhất, không xa Tòa Giám mục của tôi. Sáng tối tôi nghe tiếng chuông nhà thờ chánh tòa như xé nát tim tôi. Ðêm đến tôi nghe tiếng sóng biển vỗ cạnh buồng biệt giam. “Từ Nha Trang tôi bị đưa trở lại Sàigòn, ở trại Thủ Ðức, vùng Tam Hà, ngày đêm nghe không biết bao nhiêu tiếng chuông nhà thờ. Ðêm 1-12-1975, cùng với 1.500 bạn tù đói, mệt, chán nản, còng tay hai người chung một khóa số 8, bước xuống gầm tàu ‘Hải Phòng’ đậu tại bến Tân Cảng gần cầu xa lộ, để chở ra trại cải tạo Vĩnh Quang, tỉnh Vĩnh Phú, trong thung lũng núi Tam Ðảo, mùa đông 1976-77 rét 20C.

Ðặc biệt nhất là nỗi gian khổ của 9 năm biệt giam một mình với hai người gác, không bạn bè, không có việc làm, tôi ở trong một sự trống rỗng tuyệt đối, đến mức có thể điên đi được. Tôi đi lại suốt ngày trong buồng giam, để vận động cơ thể kẻo nằm luôn thì tôi sẽ chết vì thấp khớp, viêm phổi. “Nhiều lúc một mình, tôi bị đau khổ giày vò, tại sao đang lúc mình 48 tuổi, trưởng thành và khỏe mạnh, sau tám năm Giám mục tôi đã có nhiều kinh nghiệm mục vụ, lại phải vào phòng biệt giam, xa giáo phận những 1.700 km? Một đêm thanh vắng, một tiếng từ đáy lòng nhắc nhở tôi: “Tại sao con quẫn trí, hoang mang như thế làm gì? Con phải biết phân biệt giữa Chúa và công việc của Chúa. Những gì con đã làm và tiếp tục làm như kinh lý giáo phận, huấn luyện nam nữ tu sĩ, giáo dân, thanh niên, kiến thiết thánh đường, cư xá sinh viên, mở mang các thí điểm truyền giáo vv... tất cả những công tác ấy đều là những việc tốt lành, là việc của Chúa, nhưng không phải là Chúa! Nếu Chúa muốn con trao tất cả các việc ấy trong tay Ngài, con hãy làm ngay, và hãy tin tưởng vào Ngài. Chúa có thể làm tốt hơn con muôn nghìn lần. Ngài có thể trao việc của Ngài cho những người tài đức hơn con. Hãy chọn một mình Chúa thôi, chọn thánh ý Ngài, chứ đừng chọn việc của Chúa!”.[2]

Nhìn lại biến cố Tử nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu, khuôn mặt của những người phụ nữ nổi lên đặc biệt. Họ chỉ lo tìm Chúa mà thôi. Còn các tông đồ, những người đã đi theo Chúa, những các ông vẫn chăm chăm là thực hiện công việc của Chúa, vẫn cứ chăm chăm đi lên Giêrusalem để xin được ngồi bên hữu và bên tả. Công việc đó bị đổ bể khi Chúa Giêsu chịu chết, chôn táng trong mồ. Những người cứ bám vào công việc, cứ bám vào địa vị…rồi cũng đổ bể, cũng thất vọng và chán nản. Các tông đồ bỏ Chúa mà chạy hết trong cuộc tử nạn, sau đó sum họp lại nhưng trong sự sợ hãi và tiếc nuối.  Hôm nay Tin Mừng cho chúng ta hai người Môn đệ trên đường Emmaus[3], bao nhiêu năm tháng bỏ nhà bỏ cửa bỏ công việc đi theo Chúa Giêsu, tưởng rằng được cái gì, cuối cùng chán nản thất vọng trở về với gia đình với công việc thường ngày của đời mình. Tuy nhiên, chính lúc thất vọng nhất, Đức Giêsu đã đến thắp sáng niềm tin để họ biết rằng niềm hi vọng lớn nhất phải đặt nơi chính Chúa.[4]

Còn những người phụ nữ, những người mà không có mơ ước không tính toán để có được cái gì, đã đi theo Chúa Giêsu tới chân Thập Giá, và ngay cả khi Chúa Giêsu chịu chết mai táng trong mồ, học vẫn gắn bó với Thầy, bằng chứng là sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần Maria Madalena đã đi ra mộ. Dù cho Thầy đã chết, nhưng bà vẫn thiết tha với Thầy của mình cho dù đó chỉ còn là một cái xác, và Maria Madalena đã trở thành người đầu tiên được biết Tin Mừng Phục Sinh của Đức Giêsu, trở thành người loan báo Tin mừng Chúa Giêsu Phục Sinh cho các Tông Đồ. Sự nhạy bén với con người, nhạy bén với chính bản thân phải trở thành nguồn để mà khơi lên thái độ sống Đức tin chân chính. Chọn Thầy, không chọn công việc của Thầy.

Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã làm cho tâm hồn chúng con tươi trẻ lại, và chan chứa niềm vui vì được làm con Chúa. Xin cho chúng con hằng giữ mãi niềm vui Chúa ban, và nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển.[5]
 

[1] Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (1928–2002). Ngài từng đảm trách cương vị Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình và là vị giáo sĩ Công giáo Việt Nam từng giữ vị trí cao nhất trong Giáo hội Công giáo Rôma. Ngài được xem là một biểu tượng của người Công giáo Việt Nam, có sức ảnh hưởng nhất trong thời gian gần đây của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam.
[3] Đoạn Tin Mừng hôm nay là một trong những hạt ngọc của sách Tin Mừng Lu-ca: nó toát ra một vẻ đẹp quyến rũ khôn sánh, cả về chiều kích tâm linh lẫn chiều kích phụng vụ. Hai môn đệ (chỉ một người duy nhất được nêu tên: Cơ-lê-ô-pát) rời bỏ Giê-ru-sa-lem sau hai ngày tấn thảm kịch thập giá (quả thật, thánh Lu-ca định vị câu chuyện này vào cùng ngày Đức Giê-su Phục Sinh). Việc họ rời bỏ Thánh Đô làm chứng rằng cộng đoàn nhỏ bé của các môn đệ thân cận với Đức Giê-su, rã đám, phiền muộn và không còn hy vọng gì nữa. Mỗi người về quê nhà của mình, trở lại nghề nghiệp trước đây của mình.
 
[4] Dù hiện đến an ủi, nhưng xem ra vẫn còn thiếu một chiều kích, chiều kích này rồi sẽ xuất hiện khi họ đích thân ngỏ lời với Ngài: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì ngày đã xế chiều, và trời gần tối”.Đây là cử chỉ của tấm lòng, cử chỉ của việc dâng hiến và chia sẻ. Đức Giê-su giả vờ như tiếp tục cuộc hành trình của mình. Ngài không muốn áp đặt nhưng chờ đợi hai ông ngỏ lời mời và Ngài chấp nhận lời mời của họ. Với cử chỉ thân thiện và tình bạn của họ, Ngài sẽ đáp trả một cách tuyệt vời. Với những người bày tỏ tấm lòng hiếu khách với Ngài và mời Ngài một bữa ăn, đến lượt mình, Ngài đáp lại bằng việc bẻ bánh và mặc khải chân tính của Ngài.
Thánh Lu-ca dùng những từ ngữ mà Đức Giê-su đã dùng vào lúc Ngài thiết lập bàn tiệc Thánh Thể: “Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ” (Lc 22 : 19). Người ta nhận ra ngay đây là cử chỉ tái diễn bữa Tiệc Ly trong mối thâm tình cảm động. Vả lại, phụng vụ đã dựa trên sự kiện bẻ bánh này để biện minh việc rước lễ chỉ dưới hình bánh.Tuy nhiên, từ xưa cho đến nay, các nhà chú giải không đồng nhất với nhau. Vài nhà chú giải bác bỏ chiều kích Thánh Thể ở nơi cử chỉ bẻ bánh của Đức Giê-su. Trước hết, hai môn đệ trên đường Em-mau không là các Tông Đồ, nên họ đã không tham dự bữa Tiệc ly với Đức Giê-su, làm thế nào hai người môn đệ này có thể nhận ra Thánh Thể ở nơi cử chỉ bẻ bánh của Đức Giê-su? Tuy nhiên, hướng đi của câu chuyện không thể nào chối cãi là Thánh Thể. Có một xác định đáng chú ý: vào buổi chiều Tiệc ly, Đức Giê-su đã tham dự trước cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài, vì thế, Ngài đã hiện diện hữu hình với các Tông Đồ, trong khi với hai môn đệ Em-mau “Ngài biến mất trước mặt các ông”. Kể từ đó, sự cần thiết của Thánh Thể là như vậy: chỉ duy bánh là sự hiện diện hữu hình của Đấng Phục Sinh. Từ đó, nơi mà các tín hữu gặp gỡ Đấng Phục Sinh vinh quang chính là bàn tiệc Thánh Thể: “Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thánh Thể Người đó sao ? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10: 16-17).
[5] Lời tổng nguyện, Chúa nhật III Phục sinh, năm A
 

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập342
  • Máy chủ tìm kiếm32
  • Khách viếng thăm310
  • Hôm nay35,852
  • Tháng hiện tại1,057,852
  • Tổng lượt truy cập71,085,609
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây