Một cuộc đời - Ba con đường
Thứ sáu - 31/03/2023 22:22
896
Lễ Lá có một khởi đầu vui, nhưng lại có một kết cục buồn. Khởi đầu Chúa Giêsu long trọng vào thành Giêsusalem. Kết cục, Chúa Giêsu chịu kết án, chịu khổ hình và chết trên thập giá. Con đường vào thành của Người là con đường vinh quang vương giả, nhưng con đường lên Núi Sọ lại là con đường của kẻ tội đồ. Hành trình của Chúa là một hành trình gian khổ. Đích điểm chỉ đạt tới sau khi đã từ bỏ tất cả, không phải chỉ là nhà cửa, y phục mà cả những người thân, cả thành công, cả danh dự, cả mạng sống.
Con đường vượt qua đồi núi
Bài Thương khó Chúa nhật Lễ Lá mở ra việc Chúa Giêsu cầu nguyện nơi vườn Gethsemani trên núi Cây Dầu.[1] Kết thúc là việc Ngài chịu đóng đinh ở trên Núi Sọ. Vì thế, con đường từ Núi Cây Dầu đến Núi Sọ là một con đường lên dốc gập ghềnh trắc trở. Chúa Giêsu đã thực hiện nẻo đường Cứu độ bằng việc chinh phục những đỉnh cao của núi đồi. Vì thế, chúng ta dừng lại để suy ngẫm, bởi đây là một hình tượng đẹp mời gọi mỗi người mạnh dạn vượt qua núi đồi cản trở trong cuộc sống.
Cuộc đời của chúng ta, đặc biệt những người trẻ, có rất nhiều ước vọng. Những ước vọng luôn bay bổng khát khao mà dường như trong niềm tin, trong cuộc sống, không phải lúc nào cũng rộng rãi dễ dàng để chúng ta đi. Khi chúng ta đón nhận Đức tin, chúng ta phải gạt bỏ mọi ý riêng để đi vào con đường hẹp. Con đường hẹp của Tin mừng là con đường hẹp của luân lý, của những từ bỏ điều không cần thiết để kiến tạo một niềm hi vọng chắc chắn được hưởng Thiên đàng mai sau. Đây là những đồi núi phải chinh phục. Chúng ta ai cũng muốn có một cuộc sống dễ chịu, chẳng ai thích cuộc sống khó khăn. Thế nhưng, Đức Tin đưa chúng ta vào một con đường luôn phải đối mặt với những thử thách bên cạnh những chọn lựa khó khăn, đòi hỏi phải chiến đấu.
Con đường Thánh giá vai mang
Khi nghe bài Tin Mừng, ta thấy con người có tự do để đi lại, con người có tự do để xây dựng nhưng tất cả sẽ vô ích nếu không gắn bó với Chúa Giêsu ở trên Thánh giá, không tuyên xưng Chúa Giêsu ở trên Thánh giá thì rốt cuộc chỉ gặp phải thập giá mà không gặp được Chúa Giêsu. Điều ấy có nghĩa là chỉ thấy đau khổ mà không gặp gỡ được Đấng cứu độ của đời mình.
Thời nào cũng thế thôi, cuộc sống con người luôn có mẫu số chung là gặp những trắc trở gọi là đường thập giá. Ngôn ngữ truyền thống vẫn gọi là Đường Thánh giá là đường thương khó (Via Dolorosa). Gọi là đường thương khó vì có những khó khăn đã đành, nhưng ở đây đường thương khó cũng là đường khó thương. Dẫu có khó đi nữa, ta vẫn cứ thương bởi những nỗi khó ở trong cuộc đời của chúng ta sẽ được nhuốm màu hi vọng nhờ đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận. Vì thế, hãy tuyên xưng đức tin cách tích cực trên con đường thánh giá ngang qua những dấu vết của cuộc đời, những dấu vết của cám dỗ, của thử thách mà chúng ta phải chiến đấu và chiến thắng mà gắn bó và nhất là đón nhận ơn cứu độ của Đức Kitô.
Con đường Tình Yêu
Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy những chiều kích khác lạ của tình yêu. Trong cô đơn và sự chết chúng ta thấy lung linh ánh sáng của sự khoan dung sự tha thứ và bình an. Trong màn đêm của bạo lực, của bất công, ánh sao của sự tự do dâng hiến trong hình hài đầy thương tích của Đấng chịu đóng đinh bừng sáng lên. Trong bóng tối của sự thịnh nộ và thù hận thì ánh sáng của nhân ái, của thứ tha được thắp lên.
Vì thế, tình yêu làm cho chúng ta bỡ ngỡ và sửng sốt vì không phải đau khổ đã biến thập giá tủi nhục thành Thánh Giá Vinh Quang mà là tình yêu. Nhờ tình yêu của Chúa Giêsu mà chúng ta được cứu độ. Chính tình yêu của Chúa Giêsu làm chúng ta được giải thoát khỏi mọi xích xiềng tội lỗi. Vì thế, cuộc thương khó của Chúa Giêsu là một con đường, là một hành trình của tình yêu tiến tới sự sống và hạnh phúc cho mỗi người. Chúa Giêsu trở nên hạt lúa mục nát đi để cho sự sống mới được trổ sinh và đó là định luật để hướng đến sự sống. Khi chấp nhận đau khổ và sự chết thì những điều ấy sẽ trở nên con đường dẫn đến sự sống muôn đời.
Cuộc sống thường ngày của chúng ta chắc chắn sẽ gặp đau khổ, thất bại, nghịch cảnh. Ta hãy xin được như Thánh Gioan, như Đức Maria, can đảm, kiên vững, đứng dưới chân Thập Giá nhờ một tình yêu sắt son cùng Chúa Giêsu, Chúa chúng ta. Tình yêu thương của Người là làn ánh sáng xé tan bóng đêm thù hận, chiếu soi cả những người ghét ghen. Tình yêu thương của Người giống như loài gỗ quý nhuốm cả hương thơm và lưỡi búa đã đốn ngã nó (Fulton Sheen). Tình yêu của Người như đoá hoa sen. Bùn lầy có vấy lên cũng không làm nhiễm bẩn được hương hoa tinh khiết thánh thiện. Tình yêu của Người là tình yêu nguyên tuyền không vẩn một chút oán hờn giận ghét, vượt lên trên mọi hận thù, nhỏ nhen, hèn nhát, phản bội. Giữa những hung hãn tàn bạo, Người vẫn yêu thương. Giữa những phản bội, Người vẫn tha thứ. Tình yêu của Người đã thắng.
[1] Sau bữa tiệc ly, Đức Giêsu và các môn đệ đi đến Ghết-sê-ma-ni. Ngài đưa 03 môn đệ thân tín: Phêrô, Giacôbê và Gioan đi xa hơn chút nữa để cầu nguyện. Đây là giây phút mà Matthêu mô tả: “cảm thấy buồn rầu xao xuyến”, riêng Luca mô tả sát hơn, ông nói: “Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.” (Lc 22, 44) có nghĩa đổ mồ hôi máu.
Đây là cuộc xuất huyết độc nhất trong lịch sử. Phải đau khổ và buồn phiền cực độ mới xảy ra hiện tượng này. Con Thiên Chúa đã rơi vào trường hợp như vậy.Tại sao Đức Giêsu lại phấn kích cực độ?
Thưa: vì Ngài là Thiên Chúa và cũng là con người. Ngài thấy trước cuộc Khổ nạn sắp diễn ra, nó kinh khủng quá, vượt quá sức chịu đựng của con người, đó là hậu quả tội lỗi của toàn nhân loại từ Khai thiên lập địa cho đến tận thế.
Tên Cám dỗ trong hoang địa ngày xưa khi Đức Giêsu ăn chay 40 đêm ngày, bắt đầu xuất hiện trở lại để cám dỗ, vì đây là cuộc chiến cuối cùng để đánh hỏng Chương trình Cứu Chuộc. Nó đang tác động vào tâm trí Ngài nghĩ đến một cuộc tháo lui. Đức Giêsu có thể tháo lui dễ dàng nếu Ngài muốn, vì Giuđa không thể biết được điều này. Nhưng tên cám dỗ đã chuốc lấy sự thất bại vì sự kiên định của Đức Giêsu.
Trong lúc như vậy, Đức Giêsu vẫn sử dụng vũ khí hữu hiệu nhất, đó là cầu nguyện. Cầu nguyện luôn là phương thế hữu hiệu giúp ta được đứng vững. Ngài dâng lời cầu nguyện như sau: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”
Đây là lời cầu nguyện khuôn vàng thước ngọc. Đức Giêsu vẫn bộc lộ ý muốn của mình là tháo lui, xin Chúa Cha cất chén đắng này vì Ngài là con người. Đó là lúc Ngài sống thật với lòng mình, không giả dối cao thượng. Ta phải nhìn ra sự sợ hãi của mình, không chạy trốn nó, và lúc ấy ta đang sống trong sự thật.
Nhưng Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài đến trần gian để thi hành Thánh ý Cha, như vậy Ngài vẫn cầu xin: “Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.”
Đức Giêsu đang chiến đấu nội tâm rất cam go, còn môn đệ lại ngủ. Thật là bi kịch, bao nhiêu năm ở với Ngài, các ông không thể chia sẻ với Thầy trong giây phút đầy kịch tính này. Thân xác các ông nặng nề quá, không thể nhấc lên nổi để vươn cao hơn. Các ông không biết cầu nguyện và lát nữa đây, các ông sẽ bị vấp ngã.