Chúa Nhật III Mùa Vọng A
Is 35,1-6a.10; Gc 5,7-10; Mt 11,2-11
Đức Giêsu đã đến với nhân loại cách đây hơn hai ngàn năm, nhưng vẫn còn rất nhiều người chưa biết hoặc còn nghi ngờ, thắc mắc và chưa tin vào Ngài. Câu hỏi của các môn đệ ông Gioan năm xưa, có lẽ cũng là những thắc mắc của con người hôm nay: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt11,3). Vậy giờ này đối với tôi, Đức Giêsu là ai?
1. Đức Giêsu Đấng phải đến
Về phương diện Kinh Thánh, các nhà chú giải cho rằng, có thể khi ông Gioan Tẩy Giả sai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu là để qua đó nhóm môn đệ của ông tin vào Chúa Giêsu, còn ông thì chắc chắn đã biết Chúa rồi. Tuy nhiên, có thể là chính ông Gioan cũng thắc mắc khi bản thân ông phải ngồi trong tù, đối diện với sự dữ cũng như nỗi cô đơn đau đớn bởi vì trước đó người ta đã bàn tán xì xào: có thể ông Giêsu là Đấng Mêsia chăng? Ông ấy đã giảng dạy một cách đầy uy quyền, lại còn làm phép lạ nữa! Thế nhưng, xưa nay vẫn được nghe rằng: Đấng Mêsia phải là vị vua, là thẩm phán đầy uy dũng. Đàng này Ngài lại ở giữa đám dân nghèo.
Trước câu hỏi: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt11,3). Đức Giêsu đã đọc được ý nghĩ của họ, đọc được tâm tư của họ, nên Người đã không trả lời cách đơn giản: “Phải” hay “không phải”. Người bảo họ: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,4). Đây chính là những lời trong sách Tiên tri Isaia nói về “Đấng phải đến”, vị Thiên Sai của người nghèo và đau khổ (x.Is 29,18-19; 35,5-6; 61,1-2).
2. Đức Giêsu đã đến để cứu vớt và chữa lành
Với câu trả lời ấy, Đức Giêsu muốn ông Gioan và các môn đệ của ông xưa, cũng như cho chúng ta hôm nay hiểu rằng: Đấng Mêsia, Đấng phải đến, đã đến giữa nhân loại, Đấng ấy chính là Đức Giêsu Kitô. Người không phải là một vị Mêsia quan án xét xử, nhưng là Đấng đến để bênh đỡ kẻ bị đè bẹp, cứu chữa kẻ bệnh hoạn tật nguyền; Người không phải là vị Mêsia của quyền lực, của báo oán, nhưng là Đấng đến để đem Tin Mừng cho người nghèo khổ, đem lại sự sống cho con người.
Như thế, tất cả những việc Chúa Giêsu đã và đang làm là ứng nghiệm lời tiên tri Isaia: Tin Mừng cứu độ được mang đến cho những người bị bỏ rơi. Đó là dấu chỉ của Nước Thiên Chúa đang đến và mặc nhiên khẳng định: Ngài chính là “Đấng phải đến” để cứu vớt và chữa lành cho con người.
3. Chúng ta phải làm gì để nhận ra và đón rước được Đức Giêsu – Đấng Mêsia đã đến?
Vâng, Chúa Giêsu là Đấng phải đến đã đến, nhưng không phải ai cũng nhận ra Người. Cùng với lời mời gọi ấy Chúa Giêsu đã khuyến cáo: “Phúc cho những ai không vấp ngã vì tôi” (Mt 11,6). Vấp ngã là chúng ta chỉ thấy được cái bên ngoài mà không thấy được bản tính bên trong của Chúa Giêsu. Vấp ngã là chúng ta không giám vượt ra khỏi những lối mòn của những thói hư tật xấu và nếp sống cũ. Vấp ngã vì chúng ta không giám làm một cú nhảy vọt. Cú nhảy của lòng tin chúng ta vào Đức Giêsu.
Thiên Chúa đã giáng sinh hơn hai ngàn năm nhưng nhiều người vẫn còn vấp ngã như thế! Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy: Lễ Noel đã trở thành một lễ của toàn thế giới, ở bất cứ quốc gia nào. Thế nhưng, không phải mọi người đều tin vào Đức Giêsu! Vì không tin Chúa, không tin vào bất cứ thần thánh nào họ trở nên tuyệt vọng và đau khổ cùng cực trước cái chết. Với họ chết là dấu chấm hết, họ chẳng bao giờ đặt ra câu hỏi: Tại sao tôi lại có mặt trên đời? Tôi sinh ra để làm gì? Tôi đến từ đâu? Chết rồi tôi sẽ đi về đâu?
Đối với chúng ta, có lẽ chúng ta cảm thấy vui mừng vì được biết Chúa, mừng vì mình có đức tin vào nơi Chúa Giêsu. Vậy để đón rước Ngài cách thực sự, chúng ta cần làm theo sự chỉ dẫn của Thánh Giacôbê Tông đồ: “Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới. Thưa anh em, anh em đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử. Kìa Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa. Thưa anh em, về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ là những vị đã nói nhân danh Chúa” (Gc 5,8-10). Chúng ta kiên tâm giữ vững Đức Tin vào Chúa, noi gương các ngôn sứ chính là các Thánh đã vượt qua những vấp ngã để một lòng tín thác vào Chúa, đã can đảm sống và làm chứng cho Tin Mừng.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết mở lòng ra đón Chúa. Xin cho mỗi người chúng con biết nhận ra ơn huệ cao quý mà Chúa đã thực thi trên chúng con trong cuộc sống này. Qua đó chúng con hân hoan vì được Chúa đến, cùng hiệp hành dẫn chúng con về bên Chúa Tình Yêu muôn đời. Amen.