Những sứ điệp của Gioan Tẩy Giả

Thứ sáu - 02/12/2022 20:44  520
Chúa Nhật 2 Mùa Vọng A
Is 11,1-10; Rm 15,4-9; Mt 3,1-12

 
john the baptist oil panel wilderness geertgen jpgXã hội càng phát triển, người ta càng có khuynh hướng tiêu thụ mạnh: ăn sang, mặc đẹp. Vây mà Tin Mừng hôm nay lại đưa ra hình ảnh rất đặc biệt về Thánh Gioan Tẩy Giả, một người sống trong sa mạc, ăn châu chấu, uống mật ong rừng, mặc áo da thú. Phải chăng là Tin Mừng đã lỗi thời, đi ngược với đà tiến hoá của nhân loại? Ðể trả lời cho vấn nạn này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu sứ điệp Tin Mừng nhắn gửi qua đời sống của Thánh Gioan Tẩy Giả.

Trước hết, Thánh Gioan Tẩy Giả được mô tả là “tiếng hô trong sa mạc”. Ðây không phải là một tiếng hô vô hồn vô nghĩa, nhưng là tiếng hô mang những sứ điệp cụ thể Thánh Gioan Tẩy Giả muốn gửi đến loài người.

Sứ điệp thứ nhất: hãy vào sa mạc. Vào sa mạc là sống với thiên nhiên, hoà hợp với đất trời, bảo vệ cây rừng, dã thú. Trong nền văn minh tiêu thụ hiện nay, người ta khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên mà không nghĩ đến tái tạo. Thiên nhiên đang bị huỷ diệt, rừng xanh đang bị lâm nguy, súc vật đang kêu cứu. Trong bối cảnh ấy, sứ điệp của thánh Gioan Tẩy Giả có giá trị như một thức tỉnh con người trước sức tàn phá của nền văn minh tiêu thụ. Các đô thị lớn đã hoàn toàn bị ô nhiễm: ô nhiễm vì tiếng động, ô nhiễm vì khói xăng, ô nhiễm vì rác rưởi, ô nhiễm vì bụi bặm. Thế nhưng sứ điệp của Thánh Gioan Tẩy Giả vượt lên trên những nhu cầu của xã hội, của sức khoẻ để nhắm vào đời sống tâm linh con người. Nhịp sinh hoạt trong xã hội công nghiệp càng ngày càng gia tăng tốc độ. Con người luôn luôn vội vã đuổi theo công việc. Vì thế, dễ rơi vào tình trạng sống vội, sống gấp, sống hời hợt. Họ không có thời gian thinh lặng để nhìn vào chiều sâu tâm linh nữa. Vào sa mạc tâm linh, tức là tạo cho mình một thời gian và một không gian thinh lặng. Dứt lìa những bận bịu lo toan trong cuộc sống để trở về với mình, đối diện với lòng mình. Sa mạc không có đường đi, nên người đi vào sa mạc sẽ đi theo con đường Chúa chỉ dẫn. Như xưa dân Do Thái lang thang 40 năm trong sa mạc, không biết đường đi, chỉ biết đi theo áng mây cột lửa nên đã tìm thấy đường đi về với Chúa, đã gặp được Chúa, trở thành dân của Chúa. Như tiên tri Êlia chạy trốn trong sa mạc đã chẳng tìm được đường thoát thân, đã được Chúa chỉ cho con đường hi vọng. Như Ðức Giêsu ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày trong sa mạc, nên đã tìm thấy con đường của Chúa Cha là hy sinh, khiêm nhường, sống trọn tình con thảo. Cũng vậy, người vào sa mạc tâm linh sẽ gặp mình và trong sâu thẳm lòng mình sẽ gặp được Chúa vì Chúa còn thân thiết với ta hơn chính bản thân ta, vì Chúa còn sâu xa hơn chính nội tâm ta.

Sứ điệp thứ hai: hãy sống tiết độ. Ta tưởng sống tiết độ đã đi vào quá khứ. Thực ra các nước văn minh đang đi vào con đường của Thánh Gioan Tẩy Giả. Một trong các vấn đề lớn của người Phương Tây hiện nay là giữ sao cho khỏi lên cân, để khỏi bị cholesterons, để khỏi bị chứng bệnh xơ cứng động mạch, để ngăn chặn bệnh tiểu đường; để khỏi bị mỡ máu, người ta đã phải kiêng ăn, bớt uống. Ăn uống tiết độ không những có lợi cho sức khoẻ mà còn giúp ta tiết kiệm để chia sẻ với những người thiếu ăn, thiếu mặc. Nhưng vượt lên trên tất cả sức khoẻ thân xác lẫn đạo đức cũng như liên đới xã hội. Nếp sống tiết độ trước hết và trên hết nhằm phục vụ đời sống tâm linh. Ăn uống là nhu cầu căn bản của con người, nó thuộc về bản năng sinh tồn và ăn uống đứng đầu các khoái lạc. Khi làm chủ được ăn uống, người khổ hạnh cũng dễ tiến tới làm chủ được bản thân. Chế ngự được bản năng ăn uống, ta sẽ dễ chế ngự được tham, sân, si khác trong con người. Ðó là bước khởi đầu trên con đường đức hạnh dẫn ta đến gặp Chúa và trở nên thân thiết với Chúa.

Sứ điệp thứ ba: hãy sám hối. Phải sám hối vì trước mặt Chúa, chúng ta đều là những tội nhân. Các Thánh chính là những vị không ngừng sám hối để đổi mới bản thân cho phù hợp với những đòi hỏi của Tin Mừng. Phải sám hối vì đó là điều kiện tiên quyết để đón nhận Tin Mừng, để được vào Nước Trời. Có hai đặc tính giúp xác định một người sám hối đúng nghĩa. Ðặc tính thứ nhất là triệt để. Sám hối không phải là ngồi đó mà than khóc, nhưng là thay đổi đời sống. Không phải thay đổi một phần mà thay đổi trọn vẹn. Sám hối phải triệt để như Phaolô, bỏ hẳn ngựa, gươm, bỏ hẳn nếp sống cũ, bỏ hẳn con đường cũ, để tin nhận Ðức Kitô, sống một nếp sống hoàn toàn mới. Sám hối phải triệt để như Giakêu, bán hết gia tài, đền bồi gấp bốn những thiệt hại và chia sẻ với người nghèo... Ðặc tính thứ hai là cấp bách. Không từ từ do dự vì thời giờ đã tới hồi cấp bách: “Cái rìu đã đặt sẵn ở gốc cây”, “Tay Người cầm nia”. Cây không sinh trái sẽ bị đốn ngay. Nia sẽ rê sạch lúa trong sân: “thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (x.Mt 3,10-12). “Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà” (Is 11,4).

Như vậy, con người và sứ điệp của Thánh Gioan Tẩy Giả không hề lỗi thời. Những sứ điệp đi vào sa mạc trở về ngồn, sứ điệp về đời sống tiết độ và sứ điệp sám hối ăn năn vẫn luôn hiện thực. Vì thế, ta phải quyết tâm, sám hối tận căn, biết sống tiết độ, biết chia sẻ với người khó khăn, siêng năng cầu nguyện sốt sắng, tìm hiểu để thực hành Thánh ý Chúa và sống trong tâm tình cảm tạ. Có như vậy Mùa Vọng này mới hữu ích thực sự và Lễ Giáng Sinh năm nay mới là dịp Chúa ban tràn trề ơn sủng cho cuộc đời mỗi người chúng ta. Từ đó “giữa muôn dân con cất lời cảm tạ, dâng điệu hát cung đàn ca mừng thánh danh Chúa” (Rm 15,9). Amen.
 

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập344
  • Máy chủ tìm kiếm46
  • Khách viếng thăm298
  • Hôm nay40,108
  • Tháng hiện tại982,325
  • Tổng lượt truy cập71,010,082
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây