Chúa Nhật XIX Thường Niên C
Kn 18,6-9; Hr 11,1-2.8-19; Lc 12,32-48
Cuộc sống con người luôn đổi thay không ngừng. Con người ta sinh ra, lớn lên, trưởng thành rồi già đi, rồi chết. Những ngôi nhà khang trang đẹp đẽ rồi cũng có ngày phai màu đổ nát. Đó là theo lẽ tự nhiên, nhưng cuộc sống có những chuyện, những biến cố xảy đến mà người ta không ngờ. Để khỏi thất bại thiệt thòi trên đường đời, người ta phải chuẩn bị, phải tính toán và phải đề phòng. Hôm nay Lời Chúa cũng mời gọi chúng ta chuẩn chu đáo để đón chờ Chúa đến bằng việc luôn sống tỉnh thức và sẵn sàng.
Chúa muốn chúng ta sống trọn vẹn cuộc sống trên trần gian, nhưng đừng để mình bị bén rễ hoặc lún chìm vào những lôi kéo nơi của cải trần gian đến độ bỏ quên việc chuẩn bị cho cuộc sống mai sau: “Hỡi các con bé nhỏ, Cha các con đã vui lòng ban Nước của Người cho các con”. Vì Nước Trời là quà tặng, là gia nghiệp quý giá hơn tất cả mọi sự, nên Chúa Giêsu căn dặn chúng ta: “Hãy đem tài sản ở trần gian ra mà bố thí cho anh em”. Làm như thế là chúng ta đang sắm cho mình kho tàng trên trời, nơi không bị hao hụt, cũng không bị trộm cắp hay mối mọt đe doạ. Trên nước trời, con người sẽ không thể sử dụng bằng của cải vật chất và những thứ tích cóp của trần gian, mà chỉ sử dụng công phúc mỗi người lập được khi còn sống. Công phúc này chỉ có thể tạo lập qua đời sống đức tin được diễn tả qua sống bác ái yêu thương và chia sẻ. Kho tàng anh em ở đâu thì lòng anh em ở đó. khi chúng ta chú tâm đầu tư kho tàng ở trên trời, lòng chúng ta sẽ hướng về trời, trái lại khi chúng ta chỉ mải mê đầu tư vào tài sản ở trần gian, thì lòng chúng ta sẽ gắn bó với trần gian.
Việc chờ đợi hạnh phúc Nước Trời mai sau không làm cho chúng ta xao nhãng bổn phận thường ngày nơi trần thế. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống chu toàn bổn phận như người đầy tớ thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn, đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về vừa gõ cửa là mở ngay cho chủ. Mỗi chúng ta giống như người quản lý phục vụ trong nhà Chúa. Chúa ban cho chúng ta những phương tiện và những khả năng cần thiết để sống tốt ở đời này và chuẩn bị cho phần phúc đời sau. Thắt lưng cho gọn là thái độ chuẩn bị trong chủ động, chăm chỉ và tích cực làm việc mà Chúa mong muốn. Kế đến là thắp đèn cho sẵn, để khi chủ về gõ cửa là mở ngay cho chủ. Đèn Chúa nói ở đây chính là ngọn đèn đức tin của mỗi người, đèn này phải được thắp bằng chất dầu của lòng mến và ngọn lửa tình yêu phải được tỏa ra chung quanh. Như thế có nghĩa là Chúa muốn mỗi người sống và làm việc thường ngày, nhưng đừng bao giờ để cho ngọn đèn đức tin của mình cạn dầu và ánh sáng của lòng yêu mến Chúa bị lịm tắt. Khi mỗi người chu toàn công việc hàng ngày vì lòng yêu mến, lúc đó ta sẽ là những đầy tớ cầm đèn cháy sáng trong tay, dù chủ có trở lại bất cứ lúc nào, ta cũng có thể sẵn sàng mở cửa cuộc đời để Chúa bước vào.
Khi Ngài đến mà thấy chúng ta sống tỉnh thức và sẵn sàng, Ngài sẽ ân thưởng cho chúng ta được tham dự bữa tiệc của Chiên Thiên Chúa thiết đãi trên Nước Trời. Ngài sẽ ưu ái phục vụ những đầy tớ trung tín khôn ngoan, biết tỉnh thức đợi chờ: “Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ”. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc mà chúng ta không thể tưởng tượng được khi Ngài ân thưởng yêu thương chúng ta.
Chắc chắn Thiên Chúa là ông chủ sẽ trở lại với chúng ta. Chúng ta sẽ phải thanh toán báo cáo sổ sách cuộc đời mình cho Chúa, phải giải trình cho Chúa về cuộc đời, nhiệm vụ ta đã lãnh nhận. Thiên Chúa hẹn trở lại, nhưng Ngài không hẹn giờ, vì thế chúng ta luôn phải ở trong tư thế tỉnh thức và sẵn sàng. Tỉnh thức là không để mình bị ngủ mê trong đam mê, dục vọng, hưởng thụ, hoặc tìm kiếm vật chất. Sẵn sàng là biết chuẩn bị tâm hồn của mình cho thật nhẹ nhàng thanh thản, không để lòng mình bận vướng bởi tội lỗi; sẵn sàng như người chuẩn bị hành trang cho một chuyến đi xa, hành trang đó chỉ có thể là công phúc, là tình yêu thương và các việc lành, việc bác ái mà thôi.
Lời Chúa căn dặn như thế, vậy mà có những người ung dung tự tại nghĩ rằng: đời còn dài, tương lai còn rộng, mình còn trẻ, còn khoẻ còn lâu mới chết. Cứ ăn chơi hưởng thụ tối đa, còn đủ thời gian mà. Suy nghĩ như thế thật sai lầm. bởi vì giờ kết thúc cuộc đời thật bất ngờ, đúng như lời Chúa nói: “Vào lúc các con không ngờ thì Con Người sẽ đến”(Lc 12, 40).
Đời người là một cuộc hành trình tiến về nhà Cha. Chúng ta đã chuẩn bị những hành trang cần thiết để tiến về quê trời như thế nào? Triết gia Platon nói rất đúng: “Ai không bao giờ nghĩ đến sự chết thì không thể biết cách sống”. Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy tục hóa, với biết bao mời mọc cám dỗ làm người ta mất cảnh giác, rơi vào tình trạng ngủ mê, chạy theo của cải danh vọng lạc thú, làm cho ngọn đèn đức tin của mình leo lét hay lịm tắt. Dẫu con người có tội lỗi bội phản, thiếu tỉnh thức trong đời sống đức tin, thì Thiên Chúa vẫn yêu nhương, nhắn nhủ chúng ta trở về, nhắn nhủ chúng ta tỉnh thức. Bởi Ngài là Đấng giàu lòng thương xót không biết mệt mỏi tha thứ cho chúng ta, chỉ sợ chúng ta ngại ngùng không muốn đến kín múc lòng Chúa thương xót mà thôi.
Mỗi khi cử hành Thánh lễ là chúng ta “loan truyền Chúa chịu chết, tuyên xưng Chúa Sống lại cho tới khi Chúa lại đến”. Xin cho niềm khát khao quê hương Nước trời sẽ là động lực thúc đẩy chúng ta luôn tỉnh thức sẵn sàng, hi vọng khi nhắm mắt lìa đời chúng ta được Chúa đón vào hưởng vinh phúc bên Chúa. Amen.