Chúa Nhật thường niên C
Đnl 30,10-14; Cl 1,15-20; Lc 10,25-37
Những năm qua, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói nhiều đến “căn bệnh vô cảm” của con người thời đại. Trong các bài giáo huấn, ngài luôn nhấn mạnh đến lòng thương xót của Chúa và mời gọi con người sống yêu thương theo Tin mừng. Ngài mời gọi mọi thành phần trong Giáo Hội, từ giáo sĩ đến giáo dân sống giới luật yêu thương cách cụ thể. Mỗi người hãy để cho trái tim của mình rung động, chạnh thương trước nỗi đau khổ tinh thần và thể xác của anh chị em vì chúng ta không chỉ đọc kinh cầu nguyện, giữ đạo trong nhà thờ, mà còn phải sống đạo cách cụ thể trong đời sống, nơi gia đình và xã hội. Đồng thời mỗi người còn phải chung tay chung sức để đem tình yêu thương của Chúa đến cho mọi người. Lời Chúa trong Chúa Nhật XV Thường niên Năm C hôm nay làm nền tảng cho hoạt động yêu thương, bác ái của Giáo Hội và của từng người Kitô hữu.
Bài đọc một trích sách Đệ Nhị Luật là bộ luật căn bản quy định đời sống đức tin của dân Chúa. Đoạn sách thuật lại lời của Môsê kêu gọi dân Chúa trở về sống đúng lề luật của Thiên Chúa và phẩm giá của một dân tộc được Chúa tuyển chọn và cứu chuộc. Môsê cũng nhắc cho Israel biết rằng, những lời được chép trong sách luật này không phải là những lời bình thường của người phàm nhưng là của chính Thiên Chúa. Vì thế, điều quan trọng không phải chỉ là tuân giữ với hình thức bên ngoài để tránh những vi phạm, mà là yêu mến lời Chúa hết lòng và để cho Lời Chúa ghi tạc vào tâm hồn. Môsê cũng cho biết rằng Thiên Chúa không đòi hỏi điều gì quá sức con người. Ngài chỉ muốn con người thực hiện những gì phù hợp với khả năng của mình: “Lời Chúa không ở trên trời… cũng không ở bên kia biển… khiến anh em không thể với tới được. Nhưng lời đó ở rất gần, ngay trong lòng, trong miệng anh em để anh em đem ra thực hành” (Đnl 30,11-14).
Tuy nhiên, nhiều người Do Thái thời Chúa Giêsu không hiểu, không nắm bắt được những đòi hỏi của giới răn yêu thương mà Thiên Chúa truyền cho họ. Câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay cho thấy điều đó. Một người thông luật đến hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Lc 10,25). Chi tiết này cho thấy một người dù được coi là bậc thầy về luật mà cũng không nhận ra đòi hỏi của luật Chúa. Có thể ông này rất thuộc các khoản luật, có thể trích dẫn, giải thích luật cho người khác, nhưng chưa từng thực hành, từ lời nói đến việc làm của ông là một khoảng cách còn rất xa. Tuy nhiên, nơi luật sĩ này vẫn còn một khao khát cháy bỏng là ước mong hạnh phúc đời đời. Vì thế, khi nghe Đức Giêsu rao giảng giới răn yêu thương, đòi hỏi của Tin Mừng, ông đã nghĩ rằng Chúa Giêsu là người canh tân đổi mới, Ngài sẽ huỷ bỏ luật của Môsê để thiết lập luật mới. Ông đến với Chúa Giêsu để hỏi thử Người: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được hạnh phúc đời đời?”
Chúa Giêsu đã đặt lại cho ông một câu hỏi giúp ông phản tỉnh: “Trong luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” (Lc 10,26). Người thông luật này đã trả lời rất đúng: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi và yêu mến người thân cận như chính mình” (Lc 10,27). Chúa Giêsu thấy người thông luật này rất thuộc lề luật, nhưng ông chưa thực hành. Vì thế, Chúa Giêsu đã nói với ông: “Ông trả lời đúng. Cứ làm như vậy là sẽ được sống” (Lc 10,28). Đồng thời, Ngài lấy câu chuyện người Samaritanô nhân hậu để nói cho ông biết được ai là người thân cận của ông.
Người Do Thái thường rất cục bộ. Họ chỉ nhìn nhận và yêu thương giúp đỡ những người Do Thái mà thôi, còn những ai không phải là người Do Thái, bị coi là dân ngoại, là kẻ xa lạ. Thầy tư tế và thầy Lêvi là thành phần được kính trọng, là người phục vụ trong đền thờ, là những người gần Chúa. Tuy nhiên, lòng họ không có Chúa, nên họ không chạnh thương trước một nạn nhân đau khổ bên đường. Tâm hồn của họ đã khô cứng không còn cảm thương trước người gặp cảnh khốn cùng đang cần sự giúp đỡ.
Trái lại, một người Samaria dù không biết luật Môsê, không phải là người Do Thái, chẳng có gì để tự hào về mình như người Do Thái, nhưng ông lại hết sức nhân nghĩa. Trông thấy nạn nhân đau khổ, ông đã xúc động, đã chạnh lòng thương. Ông đã làm những gì tốt nhất có thể để cứu chữa người bị nạn. Người Samaria này đã yêu thương một cách vô vị lợi, rất tự nhiên không gượng ép, không tính toán thiệt hơn. Ông không sợ phiền phức, không sợ tốn kém, không mong đợi điều gì. Ông không cần biết nạn nhân là ai, là người thế nào? Ông chỉ biết nạn nhân kia là người đáng thương, là người đang cần giúp đỡ. Ông đã làm tất cả những gì mà trái tim chạnh thương của ông nhắc bảo.
Sau khi kể câu chuyện, Chúa Giêsu muốn thầy thông luật thay đổi lối suy nghĩ và cách hành xử của mình, Ngài đưa ra cho ông sự phân định: “Theo ông, trong ba người đó, ai là người thân cận với nạn nhân? Người thông luật trả lời: Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy” (Lc 10,36-37). Thầy thông luật đã thay đổi hoàn toàn cái nhìn. Ông không trả lời trực tiếp là người Samaira, nhưng ông trả lời chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy. Điều đó đồng nghĩa với việc ông nhìn nhận bất cứ ai thực thi lòng thương xót đối với người khác, người ấy sẽ trở nên anh em và là người thân cận của nhau. Thấy ngườithông luật đã thay đổi suy nghĩ, Chúa Giêsu đã nói với ông: “Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10,37).
“Hãy đi và làm như vậy” cũng là lời mời gọi Chúa Giêsu dành cho tất cả chúng ta. Có thể chúng ta đã từng nói, thậm chí nói nhiều về sự yêu thương, nhưng nếu sự yêu thương chỉ dừng lại trên môi miệng thì chưa đủ mà cần yêu thương cụ thể và thiết thực xuất phát từ trái tim. Trong cuộc sống, chúng ta đã từng gặp rất nhiều người cần chúng ta giúp đỡ, nhưng ít là một lần chúng ta đã tránh qua đường khác để đi và coi đó không phải việc của mình. Có thể chúng ta sợ phiền phức, mất thời giờ, tiền của, sợ hy sinh khi giúp đỡ người khác…
Lối sống ích kỷ, chủ nghĩa “mặc kệ nó” đã biến nhiều người trở nên vô cảm, dửng dưng trước nỗi đau của anh chị em. Nhiều người chỉ biết lao vào công việc, lo kiếm tiền đến nỗi quên cả những người thân trong gia đình đang đau khổ, đang cần được một lời hỏi thăm động viên. Họ lấy lý do bận rộn để lảng tránh việc quan tâm, lắng nghe và chăm sóc cho nhau. Nhiều bạn trẻ lấy lý do bận học, bận đi làm để khép lòng mình lại, trở nên vô cảm đến độ trở thành vô tâm, nhẫn tâm trước anh chị em mình. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta có trái tim của Chúa, để chúng ta có được cách hành xử như người Samaritanô, biết chạnh thương trước hoàn cảnh khổ đau của người anh em. Amen!