Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Năm C
St 14,18-20; 1 Cr 11,23-26; Lc 9,11b-17
Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng. Số người là 5000 đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ. Chỉ có 5 chiếc bánh và 2 con cá mà số người đông như vậy ăn uống no nê mà vẫn còn dư thừa. Vấn đề đặt ra cho chúng ta là phép lạ hoá bánh ra nhiều như thế có ý nghĩa gì?
1. Phép lạ hoá bánh ra nhiều cho ta thấy tình thương của Chúa Giêsu dành cho dân chúng. Ngài không những dạy dỗ dân chúng đủ điều về Thiên Chúa, về Nước Trời, về con đường phải đi để đạt tới hạnh phúc Nước Trời, về tình thương cứu độ của Thiên Chúa... mà còn lo liệu cho dân chúng cả cái ăn. Dân chúng theo Chúa rất đông để nghe Chúa nói về Nước Trời. Chiều tối, họ không có gì để ăn, các tông đồ cũng không có gì để giúp họ, chính Chúa đã cầm lấy 5 chiếc bánh và 2 con cá, dâng lời tạ ơn, trao cho các tông đồ, và các ông phân phát cho dân chúng ăn.
2. Phép lạ hoá bánh ra nhiều cho thấy quyền năng của Chúa. Với con người bình thường, 5 chiếc bánh và 2 con cá chỉ là 5 chiếc bánh và 2 con cá. Nếu đó là suất ăn của 5 người thì chỉ đủ cho 5 người, nếu đó là suất ăn của 12 người thì chỉ đủ cho 12 người. Đàng này chỉ có 5 chiếc bánh và 2 con cá, Chúa Giêsu có thể biến ra nhiều. 5000 người không phải là ít mà chỉ có 5 chiếc bánh và 2 con cá mà tất cả đều được ăn no nê. Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền năng chữa lành cách khác thường, từ không làm cho nên có, từ ít biến đổi nên nhiều. Chúa Giêsu đã làm như thế để đáp ứng nhu cầu tự nhiên của dân chúng bằng quyền năng của Thiên Chúa.
3. Phép lạ hoá bánh ra nhiều thật ra còn được coi như dấu chỉ báo trước một phép lạ lớn hơn mà Chúa Giêsu sẽ thực hiện là phép lạ Thánh Thể. Trước khi rời bỏ thế gian về với Chúa Cha, trong bữa tiệc ly Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể để trao ban thịt mình làm của ăn và máu mình làm của uống. Ai ăn thịt và uống máu Chúa thì có sự sống đời đời. Điều này không được nói cách trực tiếp trong Tin mừng hôm nay, nhưng được nói rất nhiều ở chỗ khác, những đoạn Tin mừng nói về tiệc ly hay chương VI Tin mừng Gioan nói về bánh hằng sống. Chính thánh Phaolô trong bài đọc 2 cũng nói với chúng ta khá rõ về điều đó: “Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn...”
Khi thực hiện phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng hay khi lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu cũng muốn nói với chúng ta về vai trò thượng tế của Ngài được sách St nói tới trong bài đọc 1. Menkixêđê là tư tế muôn đời dâng bánh và rượu cho Abraham sau khi thắng trận trở về. Ông cũng khẩn cầu cùng Chúa chúc phúc cho Abraham. Ngược lại, Abrahm dâng chiến lợi phẩm cho ông Menkixêđê. Chúa Giêsu chính là vị thượng tế theo phẩm hàm Menkixêđê ấy. Ngài dâng lễ vật cho Thiên Chúa thay cho nhân loại là chính bản thân Ngài, là mạng sống của Ngài. Ngài cũng có thể vừa chuyển cầu vừa có quyền ban ơn trực tiếp cho dân chúng bởi Ngài là Thiên Chúa ở cùng nhân loại.
Chúa Giêsu vừa là thượng tế vừa là lễ vật dâng lên cho Thiên Chúa để đền thay tội lỗi cho nhân loại. Ngài đã hiến dâng mạng sống mình để chuộc lại những gì đã mất về cho nhân loại. Ngài lập bí tích Thánh Thể để trao ban thịt máu mình làm của nuôi nhân loại. Ai ăn thịt và uống máu Ngài hay siêng năng rước lễ, thì có sự sống đời đời. Nguyện xin Chúa cho các tín hữu biết yêu mến bí tích Thánh Thể, yêu mến thánh lễ, siêng năng rước mình máu thánh Chúa để được nuôi dưỡng bởi thần lương đem lại sự sống đời đời. Amen!