Chúa Thánh Thần là ai và có vai trò gì?

Thứ tư - 08/06/2022 22:19  7996
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống 
(Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23)

ctt1Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo hội hân hoan mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, là Đấng mà Chúa Giêsu đã nhiều lần hứa ban cho các Tông đồ để ở cùng và hoạt động trong các ông. Chính Ngài là Đấng khai sinh Giáo hội, không ngừng ban sức sống và thánh hóa Giáo hội. Nhờ vậy, Giáo hội mới có thể đứng vững giữa muôn ngàn sóng gió và góp phần đổi mới thế giới. Tuy nhiên, trong Ba Ngôi Thiên Chúa, có lẽ Chúa Thánh Thần được nhắc đến ít hơn cả, hay có thể nói Ngài bị bỏ quên, vì khi cầu nguyện, những lời nguyện của chúng ta thường hướng về Chúa Cha, về Chúa Giêsu, về Đức Mẹ, hay về một vị thánh nào đó, chứ ít khi hướng về Chúa Thánh Thần. Vì vậy, Giáo hội dùng ngày lễ hôm nay như một dịp thuận tiện để nhắc nhở chúng ta nhìn nhận vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần trong đời sống của Giáo hội, cũng như trong cuộc đời của mỗi người Kitô hữu. Giờ đây, chúng ta cùng đi vào nội dung của các bài sách thánh để thấy rõ hơn vai trò của Chúa Thánh Thần.

Bài đọc một miêu tả việc Chúa Thánh Thần được ban tràn đầy trên các Tông đồ: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,1-4). Hình lưỡi lửa là hình bóng của Thánh Thần. “Lưỡi” ám chỉ đến lời nói, ngôn ngữ. “Lửa” có tác dụng đốt nóng và thanh luyện. Chính Chúa Thánh Thần đã đốt nóng và thanh luyện tâm hồn các Tông đồ để các ông can đảm và hăng say rao giảng lời Chúa.

Ở đây, ta nhận thấy một sự biến đổi thật rõ nét nơi các Tông đồ. Thật vậy, sau khi Chúa Giêsu chịu chết, các Tông đồ sợ hãi, sợ đến độ phải phải đóng kín cửa như bài Tin Mừng theo thánh Gioan đã kể lại. Thế mà ngay sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, các ông trở nên hết sức dạn dĩ. Các ông đã công khai biểu lộ và làm chứng niềm tin của mình vào Đức Giêsu Kitô Phục Sinh. Dù bị bắt bớ, tù đày và phải hy sinh cả tính mạng, các Tông đồ vẫn nhiệt thành rao giảng Tin Mừng của Chúa cho mọi người. Sức mạnh phi thường ấy, các Tông đồ có được là do bởi sự tác động của Chúa Thánh Thần. Hơn thế nữa, Chúa Thánh Thần còn tác động cả những người nghe các Tông đồ giảng dạy, để tâm hồn họ rộng mở đón nhận Tin Mừng: “Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? Chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!” (Cv 2,6-8.11). Thật ra, các tông đồ vẫn giảng bằng ngôn ngữ của mình, nhưng nhờ tác động của Thánh Thần, tất cả những người nghe đều có thể hiểu điều các Tông đồ nói. Các Tông đồ là những người được chứng kiến cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu, nay các ông đứng lên làm chứng trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Các ông nói bằng thứ ngôn ngữ của con người, của những người dân chài ít học, nhưng tất cả mọi người tề tựu trước đền thờ Giêrusalem đều có thể hiểu những bài giáo lý cơ bản của Giáo hội, đồng thời, họ được đón nhận “hơi thở” của Giáo hội là Chúa Thánh Thần. Dù khác biệt vùng miền, nhưng tất cả đều có thể hiểu nhau nhờ ngôn ngữ của đức tin, ngôn ngữ của tình yêu, và đó là ngôn ngữ đến từ Chúa Thánh Thần, từ ân sủng của Ngài.

Điều này, cũng được thánh Phaolô cảm nhận và quả quyết trong bài đọc hai, tất cả những gì thánh nhân đã và đang thực hiện đều do Chúa Thánh Thần hướng dẫn: “Thưa anh em, không ai có thể nói rằng : “Đức Giê-su là Chúa”, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1Cr 12,3). Thánh nhân còn cho thấy chính Chúa Thánh Thần là nguyên lý cho sự hiệp nhất các thành phần trong Giáo hội: “tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1Cr 12,13).

Như vây, có thể nói biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ không những chỉ có chiều kích thiêng liêng canh tân cá nhân mà thôi, nhưng còn có chiều kích Giáo hội nữa: vì Chúa Thánh Thần đã liên kết mọi người tin vào Đức Kitô thành một thân thể sống liên đới với nhau và quy tụ họ trong một cộng đoàn là Hội Thánh. Không những thế, Chúa Thánh Thần còn tẩy rửa tâm hồn con người khỏi tội lỗi qua quyền tha tội mà Chúa Giêsu đã ban cho các Tông đồ: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23). Chính nhờ vào ơn tha thứ mà mỗi người được giao hòa với Thiên Chúa, được trở thành một tạo vật mới để sống một đời sống mới.

Như xưa Chúa Thánh Thần đã đến với các tông đồ, đã biến đổi họ thành những con người mới, thành những chứng nhân cho Đức Kitô và loan báo Đức Kitô cho mọi người. Mỗi Kitô hữu hôm nay cũng đã được lãnh nhận Chúa Thánh Thần khi chịu phép Rửa tội và Thêm sức, nhưng chúng ta đã cộng tác với ơn Chúa Thánh Thần thế nào? Chúng ta có để Chúa Thánh Thần gọt giũa, loại bỏ khỏi chúng ta tính ích kỷ, hẹp hòi không? Chúng ta đã và đang làm gì cho thế giới này? Chúng ta đã làm gì cho những người sống chung quanh chúng ta? Để họ được sưởi ấm bởi ngọn lửa tình yêu của Chúa Thánh Thần. Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta được mời gọi cộng tác với Chúa Thánh Thần để đổi mới chính mình, đổi mới cuộc sống của mình, để cuộc đời chúng ta trở thành chứng tá cho Thiên Chúa tình yêu.

Xin Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và hướng dẫn cuộc đời chúng ta. Xin Ngài ngự đến và thắp lên trong tâm hồn chúng ta ngọn lửa tình yêu Chúa và tha nhân. Amen.
 

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập420
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm392
  • Hôm nay52,106
  • Tháng hiện tại912,467
  • Tổng lượt truy cập78,915,918
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây