Chúa Nhật lễ Chúa Ba Ngôi năm C
(Cn 8,22-31; Rm 5,1-5; Ga 16,12-15)
Hôm nay, toàn thể Giáo Hội long trọng mừng lễ Chúa Ba Ngôi. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo. Gọi là mầu nhiệm vì đó là điều vượt quá trí hiểu của loài người, nhưng nhờ Chúa Giêsu mặc khải, chúng ta hiểu được phần nào mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Khi chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, thánh Phaolô đã viết: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người” (1Cr 2,9).
Quả thật, nếu con người cứ tự mình cố gắng minh chứng, lý giải để tìm hiểu một Thiên Chúa có Ba Ngôi và Ba Ngôi chỉ là một Chúa, chắc chắn con người sẽ rối trí. Thế nên, trước khi lìa xa với các môn đệ, trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã phải nói lên rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”. Và Chúa Giêsu lý giải tại sao Chúa Thánh Thần sẽ dạy các môn đệ biết tất cả sự thật: “Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy ra. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”.
Chúa Thánh Thần không tự nói điều gì, nhưng chỉ những gì Người nghe, những điều mà Chúa Con đã dạy các môn đệ, hay là những điều mà Chúa Cha đã mạc khải. Điều này nhấn mạnh sự liên kết hòa hợp giữa Chúa Thánh Thần với Chúa Cha và Chúa Con. Người tham gia vào việc thông truyền mạc khải nhờ sự liên hệ của Người với Đức Giêsu, như Đức Giêsu đã thông truyền mạc khải nhờ bởi sự liên hệ với Chúa Cha. Chúa Thánh Thần không dạy về chính mình, nhưng là về Chúa Con, Người tôn vinh Chúa Con và chứng tỏ rằng Người đến để tiếp tục công việc của Chúa Con, Người là Đấng được Chúa Con sai đến để dạy dỗ các môn đệ. Soi sáng hướng dẫn các môn đệ hiểu rõ về giáo huấn của Đức Giêsu, làm cho họ hiểu hơn biết hơn về con người và sứ vụ của Đức Giêsu, chính là làm cho Đức Giêsu được tôn vinh.
Như thế, con đường mà Chúa Giêsu làm cho con người xác phàm có thể đi tới Thiên Chúa không thông qua những suy tư của trí tuệ, nhưng là con đường Thánh Thần khai mở trong lòng dạ chúng ta, rằng: “Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em”. Và do đó, Chúa Giêsu còn mạc khải cho con người biết rằng: Ba Ngôi Thiên Chúa thông hiệp với nhau một cách tuyệt hảo. Không có cái gì là của riêng, cũng như không một chương trình sáng tạo nào là ý riêng của một Ngôi Vị. Khi ai tin vào Chúa Giêsu là đồng thời tin vào Đấng đã sai Ngài đến là Chúa Cha và chính Đấng ấy cũng đã sai Chúa Thánh Thần đến thánh hóa trần gian và tâm hồn mỗi tín hữu.
Quả thật, Chúa Ba Ngôi có liên hệ rất mật thiết với mỗi người chúng ta là những người tin. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi kéo chúng ta về Thiên Chúa duy nhất với những hoạt động khác nhau của Ngài trong lịch sử cứu độ nhân loại. Lịch sử này chính là lịch sử của Thiên Chúa yêu thương nhân loại. Từ một tình yêu chan hòa, chia sẻ giữa Ba Ngôi, Cha trao cho Con tất cả, Con dâng tất cả cho Cha, tình yêu khăng khít giữa Cha, Con là Thánh Thần thì tình yêu của Ba Ngôi đã không chỉ giữ lại cho riêng mình, nhưng đã đổ tràn vào trần gian. Một tình yêu tràn ngập vũ trụ khi Chúa Cha dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài, là tình yêu cứu độ, thứ tha qua cái chết nhục nhằn của Chúa Con, là tình yêu thánh hóa, đổi mới trong Thánh Thần.
Chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu, do đó đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương. Chúng ta chỉ được hạnh phúc khi tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng tội lỗi làm cho chúng ta xa lìa tình yêu của Chúa. Sự ghen ghét, hận thù làm cho khuôn mặt chúng ta méo mó, không còn giống khuôn mặt Thiên Chúa.
Hôm nay, chúng ta tập sống theo khuôn mẫu của Chúa Ba Ngôi là sống hiệp nhất, dâng hiến, cho đi, chia sẻ, chan hoà tình bác ái. Để thực hiện những điều ấy, chúng ta phải bỏ ý riêng, hoàn toàn sống theo thánh ý Chúa. Bỏ mình như thế, chúng ta sẽ nên giống Chúa. Khi hoàn toàn quên mình để sống cho tình yêu, chúng ta sẽ được kết hiệp với tình yêu của Thiên Chúa. Đó là hạnh phúc thiên đàng, cùng đích của đời sống chúng ta.
Nguyện xin Chúa Ba Ngôi là mẫu mực của tình yêu, cho mỗi người Kitô hữu chúng con trở thành tình yêu nơi trái tim khô cằn của thế giới hôm nay và xin dạy chúng con biết yêu như Ngài, biết sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh. Amen.