Chúa Nhật XV TN C
Đnl 30,10-14; Cl 1,15-20; Lc 10,25-37
Từ khi sinh ra đến khi trưởng thành, chúng ta có rất nhiều mối quan hệ trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Trong vô vàn mối quan hệ ấy, chúng ta đã, đang và sẽ có mối quan hệ nào là quan trọng nhấttrong đời? Trong khi mạng xã hội phát triển, có những tài khoản “nik name” có hàng trăm, hàng ngàn bạn, nhưng ai mới là người thân cận của ta và ta có trở nên người thân cận của một ai đó không? Dụ ngôn người Samari trong bài Tin Mừng hôm nay sẽ trả lời cho chúng ta câu hỏi trên đây.
Dụ ngôn bắt đầu với bối cảnh dẫn nhập là một nạn nhân bị cướp và bị đánh trọng thương trên đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô. Tình cờ có một vị tư tế, sau khi hành lễ ở Giêrusalem đi về qua đó, hẳn ông nghe được những tiếng kêu rên rỉ đau thương đâu đây, đã nhận ra người bị cướp đang cần cứu giúp, nhưng ông bỏ đi. Sau đó, một thầy Lêvi đi ngang qua, liếc mắt nhìn thương hại nạn nhân, rồi ông ta cũng đi tiếp.
Trọng tâm của câu chuyện là người Samari, một người thuộc dân ngoại đi qua quãng đường này. Ông là người thứ ba đi tới và dừng lại. Trước mắt ông là một con người cần cứu giúp. Ông đã ra tay băng bó, xoa dầu, bóp rượu trị thương, rồi đặt nạn nhân lên lừa của mình đưa vào quán trọ chăm sóc, nhờquán trọ tiếp tục giúp đỡ nạn nhân, đưa cho họ 2 quan tiền, hứa sẽ trở lại và thanh toán mọi tốn phí.
Điểm chung của ba người là cùng thấy nạn nhân bên đường, nhưng khác biệt ở chỗ là thầy tư tế và Lêvi “tránh đi ra sa”, còn người Samari “lại gần” và “động lòng thương”. Chính lòng trắc ẩn đã kéo người Samari về phía nạn nhân, làm cho mình trở thành người thân cận của nạn nhân. Như thế, tương quan được thiết lập giữa người Samari và nạn nhân không phải là họ hàng, quốc gia hay tôn giáo, mà là lòng trắc ẩn, lòng thương xót. Khi nêu lên hành vi nhân đạo của người Samari, Chúa Giêsu muốn ca tụng ông có lòng trắc ẩn của Thiên Chúa, và ông đã hành động như Thiên Chúa đã làm với con người. Hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta chủ động trở nên người thân cận với người khác qua sự yêu thương, lòng trắc ẩn, và sự giúp đỡ của mình đối với tha nhân.
Sự giúp đỡ phải xuất phát từ động cơ yêu thương, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giai cấp, mốiquan hệ. Có người cần giúp đỡ vật chất, có người cần giúp đỡ tinh thần, tâm linh… Bất cứ sự giúp đỡ nào cũng đem lại niềm vui cho người được giúp đỡ và cho người giúp đỡ. Chính hành động phát sinh từ lòng trắc ẩn mới làm cho chúng ta trở nên người thân cận của người khác. Thiên Chúa đã tỏ lòng thương xót đối với con người và đã trở nên gần gũi với con người, đã đến và đã ở với con người như sách Đệ nhị luật đã khẳng định: “Thật vậy, lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành” (Đnl 30,14).
Lời mời gọi: “Anh em hãy nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người” (Đnl 30,10) giúp chúng ta trở nên người thân cận của Chúa và người khác. Cũng vậy, khi chúng ta đến gần ai để phục vụ thì chúng ta trở nên người thân cận với kẻ ấy, và kẻ ấy trở thành người thân cận với chúng ta. Như thế, ai cũng có thể trở thành người thân cận của chúng ta, miễn là chúng ta dám yêu họ như yêu mình. Chính Đức Giêsu đã chủ động đến với chúng ta trước, chủ động trở nên người thân cận của chúng ta qua việc: “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20). Khi trở nên người thân cận, chúng ta sẽ đem lại bình an cho người khác và cho chính chúng ta. Điều này hệ tại ở việc không cần biết người giúp đỡ là ai, hãy giúp đỡ và chính sự giúp đỡ ấy làm cho họ trở thành người thân cận của chúng ta. Đó là cách chúng ta có được sự sống đời.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con hiểu tinh thần của Chúa: không phải chỉ là yêu thương những người gần gũi với mình, mà biến mọi người trở thành thân cận bằng những hành động yêu thương cụ thể, nhất là những người đau khổ, bệnh tật, nghèo nàn, thiếu thốn, bị bỏ rơi, bị áp bức; những người đang cần đến tình thương của con nhất. Xin đừng để con tin một đàng, nói một đàng, làm một nẻo. Amen.