Chúa Nhật XV thường niên C
Đnl 30,10-14; Cl 1,15-20; Lc 10,25-37
“Mến Chúa trên hết mọi sự” là giới răn thứ nhất và quan trọng nhất của người Kitô hữu. “Yêu người như mình ta vậy” là lời kinh chúng ta thuộc lòng. Thế nhưng yêu người là yêu ai? Đó là vấn nạn không chỉ được đặt ra hôm nay nhưng đã được đặt ra từ thời Chúa Giêsu. Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca thuật lại việc một vị luật sĩ hỏi Chúa Giêsu: “Ai là người thân cận của tôi?”. Để trả lời cho câu hỏi người luật sĩ đặt ra, Đức Giêsu đã kể dụ ngôn người Samari nhân hậu và mời gọi vị luật sĩ và mỗi người chúng ta có câu trả lời cho chính mình.
Câu chuyện kể về một người đi đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Thầy tư tế và thầy Lêvi đi qua trông thấy thì đều đi qua. Thầy tư tế và thầy Lêvi là người Do thái nên theo luật, khi lên đền thờ tế lễ, họ không được tiếp xúc với người chết và người ngoại giáo. Do đó, vì luật mà họ đã đi qua mà không hề cứu giúp người bị nạn. Ở đây, Chúa Giêsu nhấn mạnh thái độ làm ngơ, dửng dưng trước nạn nhân đang cần giúp đỡ của họ. Có thể họ giữ luật một cách rất tỉ mỉ, nhưng lại thiếu tình yêu thương bác ái cụ thể mà theo Chúa Giêsu thì tình yêu mới là cái cốt lõi của luật. Trái lại, người Samari đã không hề do dự để xem kỹ nạn nhân có phải là anh em, bà con với mình hay không. Anh đã mau mắn ra tay cứu giúp bất chấp những phiền hà mà anh có thể phải chịu như: mất thời gian, tốn tiền bạc, nguy hiểm đến sự an toàn cá nhân. Anh giúp nạn nhân đơn giản vì đó là một con người, là đồng loại với mình, là một người đáng thương đang cần cứu sống.
Người Samari nhân hậu được nhắc đến trong Tin Mừng hôm nay là chính Chúa Giêsu. Dĩ nhiên, các thầy tư tế và thầy Lêvi có lý do. Họ đã sống đúng luật, tuy nhiên luật đã giết chết lòng yêu thương của con người vì trọng mặt chữ mà thôi. Chúa Giêsu đã vượt qua luật lệ và hướng dẫn tâm hồn con người lên cao, đi vào chiều sâu của bác ái. Ngài đã đến với từng người, Ngài không đứng xa nhìn con người đương đầu với những khó khăn thử thách trong cuộc sống. Như người Samari nhân hậu, Ngài đến bên con người, nhìn họ với ánh mắt đầy trắc ẩn, cảm thông, cúi xuống băng bó các vết thương của họ và tình nguyện trả nợ cho họ bằng giá máu của Ngài khi chấp nhận chết trên Thập giá để cứu sống và đưa họ về quê trời. Trong bài đọc 2 trong thư của Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côlôxê (Cl 1, 15-20) đã viết: “Nhờ Người mà muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ Máu của Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời”.
Kết thúc bài Tin mừng, Chúa Giêsu đã bảo thầy thông luật rằng: Cả ông nữa, hãy đi và làm như vậy thì sẽ được sống đời đời. Hôm nay, Chúa Giêsu cũng mời gọi mỗi người chúng ta: “Hãy đi và làm y như vậy”. Chúng ta hãy đi và làm như người Samari đã làm là chân tình giúp đỡ, băng bó các vết thương của những người đau yếu, bệnh tật, cô đơn, nghèo đói và chết chóc. Đừng ngồi đặt vấn đề: “Ai là anh em tôi?”, nhưng hãy đi và trở thành anh em của hết mọi người. Đừng dừng lại tìm xem người đó là ai, có đạo hay không có đạo, nhưng hãy đi và làm như người Samari kia, nhìn thấy vết thương thì băng bó, nhìn thấy người đau khổ thì cứu giúp. Phải vượt qua quan niệm hẹp hòi của người Do Thái để đi đến tình huynh đệ phổ quát và đại đồng.
Bên cạnh chúng ta còn biết bao nạn nhân, dưới nhiều hình thức, đang chờ bàn tay nâng đỡ của chúng ta, nhưng thử hỏi chúng ta đã làm được gì? Có thể chúng ta không có tiền bạc, nhưng một lời nói, một nụ cười, một cử chỉ, một việc làm tốt cũng có sức xoa dịu và cảm thông với những nỗi khổ đau của đồng loại.
Yêu thương hay lòng nhân ái là lề luật không chỉ được Thiên Chúa khắc ghi trên bia đá, được lưu truyền qua Sách thánh mà còn được ghi tạc vào lòng con người. Ước gì chúng ta cũng có lòng yêu thương người khác như chính Chúa Giêsu, cụ thể là biết tìm đến an ủi, giúp đỡ và chữa lành những nạn nhân của những hình thức bất công, nghèo đói, bệnh tật trong cuộc sống hôm nay. Có như vậy, chúng ta mới xứng đáng là môn đệ Đức Giêsu và đáng hưởng sự sống đời đời làm gia nghiệp. Amen.