Chúa Nhật XV Thường Niên C
Đnl 30,10-14 ; Cl 1,15-20 ; Lc 10,25-37
Là người Công Giáo, ai cũng thuộc lòng kinh Mười Điều Răn, biết mười điều răn tóm lại hai điều: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự; sau lại yêu người như mình ta vậy. Quả thật, mến Chúa và yêu người là gồm tóm mọi giới răn và lề luật. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống giới răn yêu thương đó, đặc biệt yêu thương người thân cận.
Thánh Luca hôm nay thuật lại cho chúng ta cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và một người thông luật. Người thông luật khao khát được sống đời đời, và đã nhận ra bí quyết để được sống đời đời là phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu người thân cận như chính mình. Để giúp người thông luật hiểu được ai là người thân cận, Chúa Giêsu đã kể cho ông dụ ngôn người Samari nhân hậu và dặn ông làm như người Samari thì sẽ được sống.
Con đường từ Giêrusalem xuống Giêricô phải băng qua đồi núi hiểm trở nên bọn cướp thường ra tay hành động trên con đường này. Hôm nay, có một người đáng thương đã bị bọn cướp tàn nhẫn đánh nằm nửa sống nửa chết giữa đường. Thấy vậy mà thầy tư tế và thầy Lêvi dù là những người lãnh đạo tôn giáo, nhưng họ nệ luật, sợ bị nhơ uế, sợ bị liên lụy nên vô cảm lách qua bên kia mà đi để người bị nạn ở lại nửa sống nửa chết. Chỉ có người Samari giàu lòng nhân ái, đã động lòng trắc ẩn trước cảnh tượng thương tâm, người lâm nạn đang đau đớn. Ông đã ra tay giúp đỡ. Dù người Do Thái và người Samari vốn không ưa gì nhau, thậm chí thù hằn nhau, nhưng trước cảnh nguy tử đó, người Samari đã không viện lý do gì mà sẵn sàng cứu chữa tận tình. Ông không những đổ dầu, đổ rượu xoa bóp, băng bó những vết thương mà còn đỡ người ấy đặt lên lưng lừa của mình, đưa đến quán trọ, săn sóc và trả mọi phí tổn.
Nếu chúng ta mến Chúa yêu người, chúng ta sẽ không bỏ mặc người gặp nạn đang đau khổ để tiếp tục hành trình của mình như thầy tư tế và thầy Lêvi. Nếu mến Chúa yêu người, chúng ta hãy hành động như người Samari tận tình giúp đỡ người cần giúp đỡ mà không so đo tính toán, phân biệt đối xử. Nếu thực sự mến Chúa yêu người, thường xuyên cầu nguyện, lắng nghe lời Chúa, thấm nhuần tình yêu hy sinh của Chúa, chúng ta sẽ chạnh lòng thương trước những cảnh đời đau khổ. Chính tình yêu Chúa thôi thúc chúng ta sống quảng đại, yêu thương và tôn trọng người khác. Trong cuộc sống ai cũng cần yêu và được yêu. Nếu chúng ta thực hiện khuôn vàng thước ngọc của Chúa: “Những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12), chúng ta sẽ đi bước trước trong việc cho đi hơn là đón nhận từ người khác.
Nếu tinh thần Kitô giáo được tóm gọn trong hai điều: mến Chúa và yêu người, thì cả hai luôn đi đôi với nhau như hai mặt của một đồng tiền. Đồng tiền nếu chỉ có một mặt thì sẽ chẳng có giá trị gì. Vì thế, Hễ mến Chúa là phải yêu người. Càng yêu mến Chúa thì càng yêu người. Hơn thế nữa, đức tin phải đi đôi với hành động bởi Thánh Giacôbê tông đồ đã khẳng định: “đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Thánh Gioan Tông đồ cũng khẳng định: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa, là Đấng mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20). Như thế, tình yêu tha nhân là nơi chứng minh tình yêu của mình đối với Thiên Chúa. Chỉ khi chúng ta mở lòng ra với Thiên Chúa và tha nhân, chúng ta mới sống đúng giới răn mến Chúa yêu người. Yêu mến Chúa để yêu thương phục vụ anh chị em cách vô vị lợi và toàn tâm toàn ý hơn. Nhà thần học Karl Rahner chia sẻ: “Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu đồng loại là một. Chỉ có tình yêu mới có thể đưa chúng ta đến cuộc sống đích thực, và chính tình yêu mới đưa ta đến ơn cứu độ của Thiên Chúa một cách viên mãn”.
Lòng thương xót của người Samari nhân lành dành cho người bị nạn, cũng diễn tả lòng xót thương của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu, Ngài nghiêng mình trên nhân lọai đang bị tổn thương vì tội lỗi. Chúng ta thấy Ngài rong ruổi khắp các nẻo đường, để đến gần với các bệnh nhân và tất cả những ai bị thương bởi những thử thách của cuộc đời. Ngài đã mang lấy trên mình tất cả những nỗi đau khổ và tội lỗi của trần gian. Ngài đã phải trả giá đắt để cho chúng ta được sống. Chính khi yêu thương chúng ta cho đến cùng mà Ngài trở thành người thân cận của chúng ta. Và hôm nay, Ngài nói với chúng ta giới răn của Ngài: “Con cũng hãy đi và làm như vậy”.
Yêu thương đích thực không phải là cho đi một cái gì, nhưng là cho đi chính bản thân. Yêu thương là hy sinh là quên mình, là hiến thân phục vụ tha nhân. Sống mến Chúa yêu người đòi hỏi chúng ta ân cần giúp đỡ những người bất hạnh, giúp họ vượt qua những khó khăn thử thách để cuộc sống mỗi ngày nên tốt đẹp hơn. Năm hiệp hành mời gọi chúng ta cùng chung tay xây dựng tình hiệp nhất yêu thương, hầu đem lại bình an hạnh phúc cho người khác ngay trong gia đình, cộng đoàn, giáo xứ và mọi môi trường mình sống.
Lạy Chúa “xin cho chúng con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người”. Amen.