Chúa Nhật Vi Phục Sinh C
(Cv 15,1-2.22-29; Kh 21,10-14.22-23; Ga 14,23-29)
Trong cuốn ‘Cơ hội của Chúa’, nhà văn trẻ Việt Hà đã nhận định về xã hội đương đại như thế này: Quả thực, chưa bao giờ nhân loại đông đảo, ồn ào, vui nhộn và tự do xiết chặt tay nhau đến thế, nhưng đồng thời cũng cô đơn trống rỗng biết bao! Chưa bao giờ, nhân loại đầy đủ, tiện nghi, sung sướng đến thế, nhưng cũng hụt hẫng, bơ vơ và đau khổ biết chừng nào! Chưa bao giờ con người khôn ngoan, hiểu biết và nắm bắt mọi sự trên đời đến thế, nhưng cũng bối rối, ngơ ngác và mù mịt về chính mình như thế!
Thưa anh chị em, nhận định này lại càng hiện sinh khi mấy năm nay chúng ta phải hứng chịu hậu quả nặng nề của Đại dịch Covid-19. Nó đóng băng tất cả sức người và của, nó đặt lại vấn đề sống còn và cứu cánh của phận người chúng ta?
Là người Công giáo, chúng ta có thấy cô đơn trống rỗng, hụt hẫng bơ vơ, đau khổ, bối rối, ngơ ngác và mịt mù không? Có chứ, không nhiều thì ít. Nhiều hay ít này tùy thuộc vào niềm tin của mình vào Đức Giê-su, Đấng là Thiên Chúa đã nhập thể, tử nạn, phục sinh và để lại bình an cho chúng ta làm lương thực đi đường, thứ bình an không như thế gian (c.27).
Vậy bình an không như thế gian ban tặng là thứ bình an nào, nó khác bình an kiểu thế gian ra sao? Có ai nhâm nhi sở hữu hay đi tìm thứ bình an đấy không?
Trước tiên, ta cần tìm hiểu xem: bình an theo kiểu thế gian nghĩa là gì? Nói tới bình an, người ta thường nghĩ tới một tình trạng không gặp bất trắc, hiểm nguy hay xui xẻo... vì điều đó sẽ làm cho họ được sống thoải mái, sung sướng và vui vẻ. Thế nhưng, sau khi lãnh nhận bình an của Chúa Phục Sinh, các môn đệ vẫn luôn phải đối diện với những bất ổn, hiểm nguy, đe dọa, thậm chí còn bị giết chết như trường hợp của Stêphanô. Cuộc đời của các môn đệ đầy long đong, lận đận, tự mình chèo chống con thuyền giáo hội vào thuở khai sinh với bao nhiêu cơn sóng gió và nỗi truân chuyên. Sự khốc liệt của sứ vụ nhiều lúc dường như đã vắt cạn kiệt lửa nhiệt tình nơi các tông đồ, khiến trong đầu các ông chắc có lúc cũng đã thấp thoáng đâu đó ý tưởng đào ngũ.
Thứ đến, bình an của các môn đệ xưa và mỗi người tín hữu chúng ta là thế, đang khi, thứ bình an mà Chúa Giê-su ban tặng thì vượt trên sự sợ hãi, trống vắng, roi đòn. Vậy đó là thứ bình an nào? Hay nói cách khác: Đâu là điều làm cho bình an đó ‘không như’ bình an của thế gian? Đâu là dấu chỉ cho thấy môn đệ đang sở hữu sự bình an của Đấng Phục Sinh?
Chúng ta thử tìm lời giải đáp khi đọc lại câu chuyện ‘Phêrô bị bắt và được giải cứu cách lạ lùng’ mà sách Cv (12,1-11) đã thuật lại. Một chi tiết rất đặc biệt được ghi nhận: "Chính trong đêm trước ngày bị đưa ra xét xử, Phêrô ngủ giữa hai người lính, và bị khóa vào hai cái xiềng. Trước cửa ngục lại có lính canh... Bỗng thiên sứ đứng bên ông, và ánh sáng chói rực cả phòng giam. Thiên sứ đập vào cạnh sườn Phêrô, đánh thức ông..." Ghi nhận: mặc cho giờ xét xử đã gần kề, Phêrô vẫn cứ ngủ. Mặc cho thân xác đang phải mang đầy xiềng xích, Phêrô vẫn thản nhiên ngáy. Mặc cho lính canh lúc nào cũng cận kề ngay bên, Phêrô vẫn vô tư say giấc điệp. Và mặc cho ‘ánh sáng chói lòa cả phòng giam’ vì thiên thần xuất hiện, Phêrô vẫn miệt mài ‘kéo gỗ’. Chỉ khi bị ‘đập vào cạnh sườn’ thật đau điếng, Phêrô mới đành phải trỗi dậy. Giấc ngủ ấy chỉ có thể có khi Phêrô đang nhâm nhi món quà bình an của Đấng Phục Sinh.
Điều đã giúp cho Phêrô có thể ngủ một giấc ngủ thật say sưa giữa những cơn giông tố đang gào thét như muốn muốt trửng lấy người tông đồ này, chắc chắn đó chỉ có thể là lòng phó thác cho quyền năng của Đấng Phục Sinh. Mặc trong tâm tình như thế, chúng ta sẽ tìm ra câu trả lời rằng: người môn đệ hôm nay chỉ có thể cảm nghiệm được ơn bình an đó với lòng Tín Thác, Cậy Trông vào Thiên Chúa, dẫu cho mỗi chúng ta vẫn luôn phải đối diện với những tất bật, lo toan, mệt nhọc, đau khổ, buồn chán, hiểm nguy và cả cái chết mới mong ngủ thật ngon, thật say giữa những bộn bề cuộc sống người môn đệ hôm nay. Amen!