Thứ Ba tuần XXI
(Mt 23,23-26)
Trong truyền thống Do thái giáo, luật đóng thuế thập phân những sản phẩm con người làm ra là một hành động tôn giáo để nhìn nhận quyền tối thượng của Thiên Chúa. Luật Môsê được ghi trong sách Đệ Nhị Luật buộc trả thuế thập phân những sản phẩm chính là gạo, rượu, dầu và con vật đầu lòng. Thế nhưng, có lẽ vì quá sốt sắng, những luật sĩ và biệt phái muốn áp dụng thuế thập phân cho những sản phẩm nhỏ, không cần thiết như: bạc hà, thì là và rau húng.
Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại hai lời kết án của Chúa đối với thái độ vụ hình thức. Trước hết là việc giữ luật bên ngoài thật tỉ mỉ, mà không có lòng đạo đức thật, không thi hành công bằng và tình yêu thương.
Hình thức bên ngoài đi đôi với nội tâm cũng như xuất phát từ nội tâm vốn là việc đáng khích lệ. Còn làm việc này việc nọ chỉ để phô trương thì bị Chúa lên án. Thói phô trương để trục lợi lắm khi không còn là thói xấu nữa, mà trở nên cái “mốt” khiến nhiều người tấm tắc, trầm trồ khen ngợi. Những người chủ trương việc này có thể đánh lừa thiên hạ, nhưng làm sao có thể qua mặt Thiên Chúa được, vì Ngài hằng thấu suốt tâm hồn con người. Người Pharisêu ngày xưa đã nghĩ ra những “chiêu độc”, như nộp thuế thập phân, để gọi là sống gương mẫu, biết kính thờ Thiên Chúa. Còn người vụ hình thức ngày nay đề ra những chiêu độc khác, như tổ chức sự kiện, từ thiện…để làm bình phong che đậy sự ham thích danh vọng của mình.
Khi nói “khốn cho các người”, Chúa Giêsu có vẻ rất nặng lời. Ta hiểu đó như là lời chúc dữ hay lời nguyền rủa. Theo đó những người này, với cách hành xử như thế, sẽ chuốc lấy án phạt nặng nề hay sẽ gặp nhiều tai họa. Tuy nhiên, đó đúng hơn là những lời ta thán, có giá trị mặc khải căn bệnh người ta đang có nhưng không nhận ra. Chúa Giêsu không bao giờ nguyền rủa hay chúc dữ con người; bởi lẽ sứ mạng của Người chẳng phải là cứu thoát chúng ta khỏi những lời chúc dữ đó sao? Như Người đã nói: “Thầy đến không phải kêu gọi những người công chính, nhưng là những người tội lỗi”.
Chúa Giêsu không kết án các luật sĩ và biệt phái vì sự tuân giữ luật Môsê một cách tỉ mỉ; nhưng Ngài kết án vì thái độ không trung thực: họ tuân giữ những điều hết sức nhỏ để tỏ ra mình sốt sắng đạo đức, nhưng họ lại lỗi phạm những điều lớn về đức công bằng và tình yêu thương, họ làm như thế chẳng khác nào lọc lừa con muỗi ra ngoài, nhưng lại nuốt con lạc đà nguy hiểm hơn.
Thái độ vụ hình thức thứ hai của các luật sĩ và biệt phái còn được thể hiện trong sự tuân giữ những nghi thức bên ngoài, mà không chăm lo tinh tuyền bên trong: họ lo rửa chén đĩa bên ngoài, mà bên trong tâm hồn thì đầy cướp bóc, tham lam. Việc tuân giữ nghi thức thanh tẩy bên ngoài, việc đến nhà thờ đọc kinh ngoài môi miệng mà thôi chưa đủ, cần phải để cho ơn Chúa biến đổi tận bên trong tâm hồn ngõ hầu trở nên con người mới. Sự hoán cải nội tâm quan trọng hơn và phải đi trước những thực hành đạo đức bên ngoài để tránh thái độ giả hình, vụ hình thức đáng bị Chúa khiển trách.
Để thoát khỏi thói sống lệ luật giả hình này, đòi hỏi mỗi người chúng ta hãy làm một cuộc “thanh tẩy nội tâm”. Tức là trở về với lòng mình để đối diện với Thiên Chúa, hầu thấy được điều nên làm và điều không nên làm. Điều đúng phát huy. Điều sai phải từ bỏ. Nếu không “thanh tẩy nội tâm”, có lẽ chúng ta không khác gì những kinh sư và pharisêu khi xưa: họ luôn quan tâm đến bề ngoài mà bên trong thì không hề mảy may để ý. Họ lo rửa chén đĩa bên ngoài, nhưng bên trong tâm hồn thì toàm là “hôi thối, xấu xa” bởi những tham lam, ích kỷ và hận thù. Họ nói yêu thương, nhưng thực ra họ là những người phản lại sứ điệp “yêu Thương” khi bất bao dung, vô cảm với người nghèo, bà góa và những người thấp cổ bé họng.
Nguyện xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng ta khỏi những tham lam, ích kỷ, hẹp hòi. Xin cho chúng ta sống ngay chính bên trong cũng như bên ngoài, sống điều chúng ta nói trên môi miệng để làm chứng cho Chúa giữa mọi người.