Thứ Bảy tuần XIX
Mt 19,13-15
“Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” (Mt 19,14).
Tiếp theo nội dung bài Tin mừng hôm qua (Mt 19,3-12) nói về hôn nhân gia đình, bài Tin mừng hôm nay nói về hoa trái của hôn nhân là con cái. Đức Giêsu rất trân trọng hoa trái này.
Trước hết, bài Tin mừng cho thấy con cái hay trẻ em, theo quan niệm ngày xưa mà các tông đồ cũng bị ảnh hưởng bởi quan niệm đó, rất bị coi rẻ. Họ coi trẻ em như những kẻ quấy rầy, làm mất thì giờ của người lớn nên thường xua đuổi chúng khi họ có việc. Cụ thể, “khi người ta” có lẽ là chính cha mẹ các em, “dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện” thì “các môn đệ la rầy chúng” (Mt 19,13). Bắt chúng đi chỗ khác chơi để “các cụ” làm việc!
Có lẽ ngày nay, chúng ta lấy làm tiếc sao các môn đệ ngày xưa lại sai lầm, lại lạc hậu như vậy. Có lẽ ngày nay, chúng ta lấy làm tự hào vì mình đã tiến bộ, có sự yêu mến, trân trọng dành cho trẻ em. Tuy nhiên, có thật sự chúng ta coi trọng trẻ em không? Có thật sự chúng ta quan tâm đến các em không?
Có không ít ông bố bà mẹ, kể cả những nhà giáo dục nữa, khi làm rất nhiều thứ cho các em nào là lao động vất vả, cực nhọc để kiếm tiền, sắm đồ đạc hay các tiện nghi cho cuộc sống của các trẻ…, nhưng lại dành rất ít thời gian cho trẻ, không chịu lắng nghe trẻ, không để ý đến nguyện ước của trẻ. Họ làm thật nhiều cho trẻ nhưng dường như họ đang làm theo ý họ, cho nhu cầu của chính họ!
Tiếp đến, Chúa Giêsu thì khác. Ngài dành thời gian cho trẻ, lắng nghe trẻ, đáp ứng nhu cầu của trẻ. Thật vậy, thánh Matthêu ghi nhận phản ứng của Chúa Giêsu trước thái độ coi công việc hơn việc đón tiếp, dành thời gian cho các trẻ. Ngài nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” (Mt 19,14). Ngài không chỉ nói, nhưng còn thực thi điều Ngài nói: “Người đặt tay trên chúng” (Mt 19,15).
Nhu cầu của con người chúng ta, cách riêng các trẻ là được ở gần, được thân mật với người thân của mình, cách riêng là cha mẹ của mình. Không được ở gần, không có cơ hội thân mật với cha mẹ, trẻ sẽ bị trống vắng, đơn côi. Không được trò chuyện, rủ rỉ với người thân, nhất là cha mẹ, trẻ em không có cơ hội để được nuôi dưỡng và phát triển khả năng biểu cảm. Trẻ sẽ trở nên khép kín, trống rỗng, đơn độc, cô quạnh, buồn chán. Hãy quan sát những đứa trẻ phải xa cha xa mẹ lâu ngày thì rõ!
Sau cùng, bài Tin mừng còn nói manh mẽ hơn như mời gọi tất cả chúng ta, nhất là người lớn, phải trở nên trẻ nhỏ vì “Nước trời là của những ai giống như chúng” (Mt 19,14). Phải trở nên như trẻ nhỏ không chỉ là phải trở nên đơn sơ, trong trắng, tin tưởng, phó thác mà chúng ta thường nghĩ đó là những phẩm chất cao quý nơi trẻ em chúng ta cần học hỏi, rèn luyện cho mình nhưng còn là trở nên gần gũi, gắn bó với Chúa như trẻ mong được gần cha gần mẹ chúng, như trẻ mong được nói, được nghe, được yêu thương, vỗ về bởi cha mẹ chúng.
Như vậy, “cứ để trẻ em đến với Thầy” là lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ nói riêng, các nhà giáo dục nói chung, cần lưu tâm đến nhu cầu gần gũi, thân mật, trò chuyện, được yêu thương, được lắng nghe của trẻ và đồng thời cần noi gương Chúa Giêsu học cách đáp lại nhu cầu của trẻ vì đó là cách thế giúp các em cảm nhận chính tình yêu của Chúa dành cho chúng qua chúng ta. “Cứ để trẻ em đến với Thầy” cũng là lời nhắc nhở chính chúng ta, hãy để “đứa trẻ trong ta” (inner child) được đến với Chúa và cũng hãy để cho Chúa ôm lấy ta, đặt tay trên ta. Amen.