Thứ Ba tuần XX
(Mt 19,23-30)
Trong thời đại ngày nay, con người ta đặc biệt đề cao đồng tiền, đến nỗi người ta lao mình như con thiêu thân về phía trước và tìm mọi cách để kiếm cho thật nhiều tiền. Tiền trở thành thước đo của mọi thứ: Tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng để che thân, là cán cân công lý... Từ đó suy ra, người có tiền là có tất cả. Người giàu nói gì cũng đúng, đi đâu cũng được chào đón cung phụng. Còn người nghèo thì nói hay mấy cũng chẳng ai nghe và chẳng ai thèm để ý tới. Vì thế, nhiều người trong chúng ta có thể sẽ cảm thấy khó chịu hoặc bất bình khi nghe điều Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay về sự giàu có và Nước Trời. Có thể hiện tại chúng ta không giàu, nhưng chúng ta cũng mong muốn con cái chúng ta một ngày nào đó sẽ trở nên giàu có; hoặc chúng ta cũng rất hâm mộ những con người nhờ chăm chỉ làm việc mà trở nên phú túc giàu sang. Có gì sai khi người ta làm giàu bằng chính sự nỗ lực và chăm chỉ của họ chứ? Tại sao Nước Trời lại “phân biệt giàu-nghèo” như thế?
Hẳn chúng ta còn nhớ dụ ngôn phú ông xa hoa và anh Ladarô nghèo khó (Lc 16,19-31). Ông không chịu cực hình dưới âm phủ vì sự giàu có của mình, nhưng vì sự thờ ơ lãnh đạm trước bất hạnh khốn khổ của anh Ladarô. Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện về ngày phán xét (Mt 25,3-46). Cũng vậy, những “người ở bên trái” không bị xử “chịu cực hình muôn kiếp” vì sự giàu có của mình, nhưng vì họ đã không biết giúp đỡ, chia sẻ cho những người khó khăn thiếu thốn. Nếu chẳng bị phán xét bởi sự giàu có, vậy tại sao Chúa Giêsu lại bảo: “Người giàu có khó vào Nước Trời”?
Sự giàu có vật chất dễ khiến chúng ta trở nên lòng chai dạ đá và mắt mù tai điếc trước những nhu cầu của tha nhân, trở nên ích kỉ chỉ biết khư khư giữ lấy cho riêng mình. Và một khi chúng ta khước từ giúp đỡ những người nghèo khó, ấy cũng là chúng ta khước từ phụng sự Chúa, khước từ Nước Trời vinh phúc. Vậy, làm sao chúng ta có thể vào Nước Trời khi chính chúng ta đã khước từ Nước Trời? Vì thế, sự giàu có dễ khiến chúng ta ham mê của cải thế gian, đóng lòng trước tha nhân, và “quá khổ”trước cánh cổng Nước Trời.
Sự giàu có dễ tạo cho chúng ta cảm giác đầy đủ và thoả mãn giả tạo. Nó cho chúng ta cảm giác rằng chúng ta đã có tất cả, chẳng thiếu thốn và cũng chẳng cần thêm điều gì nữa, như phú ông tích trữ kho lẫm của cải trong Tin Mừng Lu-ca (Lc 12, 16-21): “Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” Và “cứ ăn uống vui chơi cho đã” làm chúng ta quên mất vị trí “khách trọ trần gian” của mình, cũng chẳng còn nhớ đến quê nhà trên Nước Trời nữa. Và cứ thế, chúng ta chỉ mải mê vun đắp cho cuộc sống mau qua nhất thời, bận rộn tích trữ những kho tàng dưới đất mà quên chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu đời sau. Với lối sống hưởng thụ trần gian như thế, liệu chúng ta còn lòng trí tâm tư nào để phụng sự Chúa, để lưu tâm đến nhu cầu của tha nhân hòng đổi lấy Nước Trời không? Liệu chúng ta còn sót lại chút khao khát Nước Trời nào chăng? Lời thánh Gioan Thánh Giá nhắc nhở chúng ta rằng: “Vào lúc cuối đời, tất cả chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu”. Với lối sống như thế thì thứ tình yêu duy nhất mà chúng ta có chỉ là yêu bản thân, yêu xác thịt, yêu thế gian mà thôi! Khi ấy, vào ngày phán xét, liệu chúng ta có đủ tự tin để cho rằng chúng ta xứng đáng với Nước Trời chăng?
Của cải vật chất sẽ trói buộc chúng ta vào mặt đất như một tên nô lệ nếu chúng ta không cẩn trọng canh giữ lòng trí mình, nếu chúng ta không đặt kho báu của mình nơi Thiên Chúa, nơi Nước Trời hoan lạc vĩnh cửu. Chỉ những ai đặt niềm tin vào Chúa, tin tưởng nơi Người và chia sẻ những gì mình có thì mới tìm được bình an đích thực, sự an toàn đúng nghĩa và niềm hạnh phúc hoan lạc dẫn tới đời sống vĩnh hằng.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho cả cuộc đời của mỗi chúng con biết tìm kiếm Ngài là kho báu và niềm an vui đích thực của chúng con. Xin đừng để bất cứ điều gì khiến chúng con phải lìa xa Chúa. Amen.