Thứ Bảy tuần XXII
Lc 6,1-5
“Con Người làm chủ ngày sabát” (Lc 6,5)
Bài Tin mừng thuật lại cho chúng ta cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và mấy người Pharisêu về việc vào ngày sabát mấy môn đệ Đức Giêsu bứt mấy bông lúa mà ăn. Trước hết, mấy người Pharisêu chất vấn Đức Giêsu khi thấy các môn đệ bứt mấy bông lúa, vò trong tay mà ăn. Họ nói: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sabát” (Lc 6,2). Tiếp đến, Đức Giêsu trả lời bằng cách mời gọi họ nhớ lại trường hợp vua Đavít và thuộc hạ khi đói bụng đã vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Sau cùng, Ngài khẳng định: “Con Người làm chủ ngày sabát”.
Nếu chúng ta để ý, chúng ta sẽ nhận thấy ở đây việc “vi phạm” ngày sabát là do mấy môn đệ và lí do có lẽ do các ông đói quá. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp, không phải các môn đệ mà chính Đức Giêsu “vi phạm” ngày sabát và lí do chẳng phải do hoàn cảnh như do đói hay do bất cẩn hay do những ngày khác bận bịu quá. Rất nhiều trường hợp, Đức Giêsu cố ý “vi phạm” ngày sabát. Ngài cố ý “vi phạm” chắc chắn không phải để chọc tức các biệt phái và luật sỹ nhưng để sửa sai họ, giúp họ tìm về ý nghĩa đích thực của ngày sabát.
Thật vậy, “Ngày sabát được lập ra vì con người chứ không phải con người vì ngày sabát” (Mc 2, 27) và hơn nữa “Con Người làm chủ ngày sabát” (Lc 6,5; Mc 2,28). Lời khẳng định này giúp ta trước hết quay về với sách Sáng thế, lúc Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ tạo thành và con người trong vòng sáu ngày, ngày thứ bảy (sabát) Thiên Chúa nghỉ ngơi. Ngài nghỉ vì Ngài đã hoàn tất công cuộc sáng tạo. Noi gương Thiên Chúa, con người cũng nghỉ ngơi. Ngày nghỉ (sabát) đối với con người ít nhất có hai ý nghĩa chính này: để bồi dưỡng sức khoẻ thể xác và tinh thần và để thờ phượng Thiên Chúa.
Tiếp đến, có một chi tiết rất ý nghĩa trong sách Sáng thế khi mô tả: ngay sau khi Thiên Chúa dựng nên con người (vào ngày thứ sáu) thì sau đó là ngày thứ bảy (sabát), ngày Thiên Chúa nghỉ ngơi. Như vậy, con người (Ađam, Êva) được dựng nên và khi bắt đầu được sống và hoạt động, con người đối diện ngay với ngày nghỉ (tức là ngày thứ 7) trước ngày làm việc (của tuần kế tiếp). Điều này có ý nghĩa rằng: Đối với con người, ngày thờ phượng Đức Chúa là trước hết, cho nên con người phải tôn trọng Đức Chúa, dành ưu tiên cho Đức Chúa chứ không phải công việc.
Sau nữa, Chúa Giêsu muốn đưa ngày sa-bát về ý nghĩa nguyên thuỷ của nó “Ngày sa-bát được lập ra vì con người chứ không phải con người vì ngày sabát” (Mc 2,27) để con người biết noi gương Thiên Chúa sống bổn phận bác ái yêu thương trổi vượt trên hình thức tuân giữ ngày nghỉ. Thật ra điều này, nếu có tình yêu với nhau thì rất dễ chấp nhận. Chẳng hạn, vua Đavít và thuộc hạ của ông dù vi phạm luật về việc ăn bánh tiến vẫn được chấp nhận và hơn nữa còn được khen vì đã có quyết định khôn ngoan, can đảm, trưởng thành.
Cuối cùng, Đức Giêsu cũng nhận là Ngài làm chủ ngày sa-bát (Lc 6,5). Điều này có nghĩa là chính Chúa Giêsu là mẫu gương về việc sống và tuân giữ ngày sabát. Chính Ngài ban cho ngày sabát có ý nghĩa. Khi làm việc lành, việc thiện trong ngày sabát là chúng ta bắt chước Thiên Chúa luôn luôn “làm việc” nghĩa là luôn yêu thương tạo dựng vũ trụ, còn tiếp tục cai quản vũ trụ và ban sinh khí cho con người.
Như vậy, ngày sa-bát đích thực là ngày con người sẽ nghỉ ngơi như Thiên Chúa và cộng tác với Ngài, hiệp thông với tâm tình yêu thương của Ngài. Amen.