Thứ Bảy tuần XXIII
(Hc 42,15-16;43,1-2.6-10; Mc 10,13-16)
“Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10,15).
Hôm nay là 15 tháng Tám Âm lịch, giữa mùa Thu (Trung Thu), ngày Tết của các em thiếu nhi. Bài đọc thứ nhất trích sách Huấn ca (Hc 42,15-16;43,1-2.6-10) mời gọi chúng ta ca ngợi Chúa vì Chúa đã thương sáng tạo vũ trụ, muôn vật muôn loài cho chúng ta chiêm ngưỡng, tận hưởng, làm dấu chỉ nhận biết thời gian: “Do lời Đức Chúa mà có những công trình của Người. Mặt trời toả sáng nhìn xuống muôn loài… Cả vầng trăng cũng luôn đúng hẹn làm dấu hiệu muôn đời chỉ rõ thời gian…” Bài đáp ca cũng mời gọi chúng ta: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Một cách cụ thể: Chúng ta tạ ơn Chúa vì “Tầng trời cao, Chúa tạo dựng tài tình, trải mặt đất này trên làn nước bao la… Người làm ra những đèn trời to lớn, cho thái dương điều khiển ban ngày, đặt trăng sao hướng dẫn ban đêm… Sau cùng, Bài Tin mừng cho thấy tình thương cụ thể, trực tiếp của Chúa đối với các em nhỏ. Ngài nói: Hãy để trẻ nhỏ đến với Ta. Ngài ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng. Hơn nữa, Ngài còn coi các em như mẫu gương mọi người cần phải trở nên để được vào Nước Trời.
Có lẽ không ít người cảm thấy khó hiểu và thậm chí còn không đồng ý về điểm này vì “đã già rồi thì làm sao trở nên trẻ thơ” được. Hoặc đã trưởng thành rồi làm sao có thể trở lại sống như các bé? Ông Giêrônimô, người môn đệ ban đêm, đã từng thắc mắc với Đức Giêsu như vậy. Nhưng quả là Chúa Giêsu đã dạy: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10,15). Vậy trở nên như trẻ nhỏ nghĩa là gì? Trẻ nhỏ ở đây chắc chắn không phải nói về mặt thể lý, nhưng nói về “tâm hồn trẻ thơ” nghĩa là về cách sống, cách cư xử của chúng ta đối với Thiên Chúa. Một cách cụ thể, trở nên như trẻ thơ là:
Trước hết, sống trong vùng (zone) hay khu vực yêu thương của Chúa. Như các bé, trẻ em lúc nào cũng sống trong vòng tay của ba mẹ chúng. Đối với các em, ba/mẹ là tất cả cuộc đời chúng. Ba/mẹ là thần tượng; ba/mẹ là khuôn mẫu; ba mẹ là… duy nhất trong đời của chúng. Lúc nào các em cũng nghĩ về ba/mẹ của chúng. Dù em đi học, ở trường mầm non, chơi với bạn bè, thầy cô, thì lúc nào bé cũng mong muốn được về nhà sớm ở với ba/mẹ mình. Khi muốn ăn, cũng chờ cha mẹ mang cơm tới. Khi khát, cũng đợi cha/mẹ lấy nước cho mình. Khó chịu, khóc lóc cũng chỉ đòi ba/mẹ. Điều này có thể thấy, suốt ngày sống của các trẻ thơ chỉ biết mỗi mình ba mẹ mình. Tâm trí của các bé lúc nào cũng nghĩ về ba mẹ. Đây được gọi là sống trong vùng của ba mẹ. Như vậy, có được tinh thần trẻ em có với cha mẹ chúng, chúng ta sẽ được sống trong vùng yêu thương của Thiên Chúa.
Tiếp đến, sống phó thác, tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa. Điều này chúng ta thấy rất rõ nơi trẻ em tin tưởng vào cha mẹ chúng. Suốt ngày sống của các bé chỉ biết cậy dựa hoàn toàn vào ba/mẹ mình. Có thể nói, các bé đặt niềm tin vào ba mẹ mình một cách vô điều kiện. Mỗi ngày các bé không cần phải lo lắng mình có cơm ăn, áo mặc cho hôm nay không, vì các bé luôn biết rằng điều này là hiển nhiên sẽ có vì ba/mẹ luôn làm điều này cho mình. Đối với tương lai của mình, các bé cũng chẳng cần phải lo, vì các bé hoàn toàn tin tưởng vào ba/mẹ mình. Khi có bất cứ điều gì xẩy ra, các bé cũng chỉ biết chạy đến để cầu cứu ba/mẹ mình, vì chỉ có ba/mẹ mình sẽ là người bảo vệ, gìn giữ và tha thứ cho mình, cho dù đó là lỗi do chính mình gây ra… Ôi, một sự tin tưởng thật tuyệt vời! Cũng vậy, chúng ta cũng hãy đặt tin tưởng nơi Chúa vì Chúa cũng sẽ lo cho chúng ta như Ngài đã lo để “như chim trời không biết gieo gặt, cũng được cho ăn đầy đủ mỗi ngày’, ‘Như hoa cỏ ngoài đồng nội, nay còn mai mất, Thiên Chúa vẫn mặc cho chúng áo đẹp đến nỗi ngay sự xa hoa của vua Salomon cũng không sánh ví bằng”.
Sau cùng, hãy chạy đến với Chúa bất cứ khi nào chúng ta phạm tội để được Ngài cảm thông, tha thứ vì trước mắt người Cha, không có gì gọi là tội lỗi đối với những đưa con thơ dại của mình. Điều này chúng ta rất dễ thấy đối với những đứa con bé bỏng của mình. Đôi khi, các bé có làm điều gì đó có lỗi rất nặng, chúng ta cũng chỉ la mắng đôi chút, nếu có, rồi sau đó chúng ta quên hoàn toàn việc các bé đã làm mất lòng chúng ta. Tại sao chúng ta lại đối xử quá bao dung với con cái chúng ta như vậy? Câu trả lời đơn giản là vì chúng ta quá yêu thương chúng. Trước mắt chúng ta, các bé chẳng bao giờ có tội. Thiên Chúa cũng vậy, khi chúng ta trở nên bé nhỏ trước mặt Ngài, thì chẳng bao giờ Ngài xem các lỗi/tội của chúng ta là tội trọng cả. Bởi vì Thiên Chúa rất yêu thương và trìu mến chúng ta, nên Ngài rất dễ quên đi tất cả tội lỗi của chúng ta.
Như vậy, khi chúng ta “trở nên như trẻ nhỏ” trước mặt Thiên Chúa thì chúng ta sẽ chiếm được Nước Trời. Để có thể “trở nên như trẻ nhỏ”, chúng ta cần luôn đặt mình sống trong bầu khí của Ngài, luôn biết tin tưởng, phó thác và đặt mình trong vòng tay âu yếm của Ngài. Bất cứ khi nào phạm tội, hãy chạy đến với Ngài nơi phép giải tội để được thứ tha. Amen.