Sự can trường của Đức Mẹ dưới chân thập giá

Thứ tư - 14/09/2022 10:46  1606
LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI
Ga 19,25-27

8767c07e9a8ab134851d36c2681eab7cpieta jesus cristoCả cuộc đời Đức Maria là một hành trình theo Chúa, trên hành trình ấy rất nhiều vinh quang nhưng cũng không kém phần gian nan đau khổ. Sự đau khổ đến tận cùng tâm hồn Đức Maria, nhất là trong biến cố Mẹ theo Chúa đi lên đỉnh đồi Gôngôtha đứng dưới chân Thập Giá Con yêu. Mẹ đã cho chúng ta mẫu gương can trường trong việc theo Chúa, ngay cả trong những lúc khó khăn và đau khổ nhất.

Thật vậy, thường những đau khổ làm con người ta dễ dừng chân không muốn bước tiếp, nhất là trên những hành trình không nhìn thấy tương lai hay mục đích rõ ràng. Có những đau khổ cùng cực làm cho con người gục ngã buông xuôi, hay ít ra kêu ca phản kháng. Nhưng nhìn lại hành trình theo Chúa của Đức Maria, nhất là trong biến cố Đức Giêsu trên Thập Giá, cho thấy Đức Maria thật can trường. Một người Mẹ theo Con mình trong suốt cuộc hành trình, đã đứng gần Thập Giá nơi Con mình bị chết treo. Mặc dù Kinh Thánh không nói rõ cho chúng ta về những đau đớn mà Đức Maria phải chịu, nhưng chắc chắn không một người mẹ nào không đau khổ khi thấy con mình bị người ta đánh đập, hành hạ và giết chết cách đớn đau như vậy. Đức Maria đã cùng với Con của mình cùng chịu đau khổ với Đức Giêsu. Thánh Bonaventura đã khẳng định: “Bạn hãy nhìn kỹ Chúa Giêsu, vô số vết thương tỏa khắp châu thân Ngài và tất cả đã được hợp nhất lại trong vết thương duy nhất và khôn tả nơi tâm hồn Đức Maria”[1]. Như thế, Mẹ là người nữ can trường, vượt trên đau khổ, chấp nhận đớn đau để theo Con đến tận cùng trên đời dương thế. Trước những đớn đau không lời nào diễn tả hết của Đức Giêsu, chúng ta thấy Đức Maria vẫn “thinh lặng”. Kinh Thánh không nói cho chúng ta biết về Đức Maria lúc đó, Ngài vẫn “thinh lặng”. Đây chính là sự “thinh lặng” trong nỗi đau đớn cùng cực, phải rất can trường mới “thinh lặng” được như vậy.  Sự can trường của Mẹ còn thể hiện ở việc can đảm đón nhận di chúc của Đức Giêsu.

Khi còn đang trên Thập Giá, Đức Giêsu đã trăn chối Thánh Gioan lại cho Đức Mẹ: “Thưa Bà, đây là Con của Bà”. Nhà thần học William Barclay đã chú giải: “Điều hết sức cảm động là đang lúc hấp hối trên Thập Giá, lúc sự cứu rỗi thế gian được treo lên cán cân, Chúa Giêsu vẫn nghĩ đến sự cô đơn của Mẹ mình trong những ngày Ngài vắng mặt. Chúa không bao giờ quên các bổn phận đã được phó thác vào tay mình… Cho đến ngày cuối cùng, lúc treo trên Thập Giá, Đức Giêsu vẫn nghĩ đến sự đau khổ của kẻ khác, hơn là nỗi đau khủng khiếp của chính Ngài”[2]. Như thế, Đức Maria đã rất đau khổ, khi biết Con mình từ nay sẽ không còn ở với mình nữa nên Ngài đã phó thác Thánh Gioan cho Đức Mẹ. Sự trao phó Gioan của Đức Giêsu cho Đức Mẹ, không chỉ đơn thuần là việc di chúc lại người môn đệ chăm sóc Đức Maria thay mình, mà nó liên hệ tới một nhiệm cục khác, bởi vì có liên quan đến cách xưng hô: “Thưa Bà”.

 Trong chiều kích Kitô học, sự kiện Đức Giêsu được thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần và được sinh ra từ Đức Trinh Nữ Maria mang ý nghĩa:  Đức Giêsu bước vào trần gian như một Ađam mới, khởi đầu công trình tạo dựng mới của Thiên Chúa. Cũng như Ađam cũ phát xuất trực tiếp từ Thiên Chúa, thì Ađam mới cũng xuất phát từ Thiên Chúa một cách trực tiếp như vậy, nhờ quyền năng sáng tạo của Thần Khí[3]. Mặt khác, trong tư cách là người mẹ và người con, thì liên hệ giữa Đức Maria và Chúa Giêsu là duy nhất, chỉ có mình Đức Maria là Mẹ của Chúa Giêsu. Nhưng đồng thời, hai Đấng còn có một mối liên hệ khác đó là mối liên hệ giữa Ađam mới và Evà mới[4]. Từ trên Thập Giá, Chúa Giêsu đã trao phó Nhiệm thể của Người cho Đức Maria, qua trung gian thánh Gioan. Người biết rằng chúng ta cần có một người Mẹ để được bao bọc chở che, một người nâng nhân loại lên và làm trung gian cho chúng ta[5]. Như vậy, với lời di chúc này, Đức Maria được Đức Giêsu trao phó cho một đoàn con đông đảo, Mẹ đã trở thành “Bà Mẹ của chúng sinh”. Từ nay, Đức Maria phải nhận thêm một sứ vụ mới, sứ vụ của một “Bà Mẹ phổ quát” của tất cả con cái trong Giáo Hội. Điều này cũng nói lên sự can trường của Đức Maria trong trọng trách này. Chính vì tình yêu và vì công nghiệp của Đức Kitô mà Mẹ Maria trở nên Mẹ của Giáo Hội.

Sự can trường phải qua được cuộc thử thách khó khăn nhất, đó là sự tận trung. Tận trung là chiều kích thứ tư của trung tín. Gắn bó ngày một ngày hai là điều dễ dàng, nhưng gắn bó với niềm tin trọn cả cuộc đời mới là điều khó khăn, nhưng lại là quan trọng. Gắn bó trong lúc vui là điều dễ dàng, nhưng trong “Giờ” hiến tế, trong đau khổ và thử thách mới là điều khó khăn. Đức Maria đã vượt qua tất cả, Mẹ can trường nói lời “Xin vâng”, can trường theo Chúa đến tận cùng, Mẹ đã thông hiệp, cộng tác cứu chuộc cùng con mình. Đúng như lời của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã nhận định: “Mẹ hoạt động nhưng tất cả mọi cử chỉ và tư tưởng, dù vụn vặt nhất, cũng vì Chúa Giêsu, Mẹ không thể có một giây phút nào ngoài Chúa Giêsu được”[6].

Chính vì thế, Đức Maria chính là mẫu gương can trường trong việc theo Chúa. Sự can trường của Mẹ là bài học lớn cho mỗi chúng ta. Mẹ nhắc nhở chúng ta rằng: hãy can đảm vượt qua khó khăn, hãy chấp nhận hoàn cảnh thiếu thốn, kiên tâm theo Chúa và vững tin vào Chúa như xưa Mẹ đã can trường nói lời “xin vâng” trong ngày Truyền Tin, nay Mẹ tiếp tục nói lời “Amen”, “xin vâng” dưới chân Thập Giá. Đức Maria vẫn “đứng đó”, Mẹ đứng gần Thập Giá Đức Giêsu. Xin cho mỗi chúng con cũng biết nói lời “xin vâng” trước “thập giá” cuộc đời, để biết đón nhận và thực thi Thánh ý Chúa mỗi ngày. Amen.

[1] X. Raoul Plus, S.J. Marie Dans Notre Historie Divine, Đức Maria trong lịch sử Thiên Chúa cứu độ, Giêrônimô Maria chuyển ngữ, NXB Tôn Giáo 2011, tr. 64.
[2] William Barclay, Bộ sách chú giải Kinh Thánh Tin Mừng theo Thánh Gioan, NXB Tôn Giáo 2008, tr. 462.
[3] X. Norberto Nguyễn Văn Khanh, O.F.M, Đức Giêsu Kitô: Ngôi Lời Nhập Thể, NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2014, tr. 140.
[4] X. Jan G. Bovenmars, M.S.C, Linh Đạo Trái Tim Theo Thánh Kinh, Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên, O.C. chuyển ngữ, tr. 169-170.
[5] X. Francis Fernander, Đối Thoại Với Thiên Chúa: Những bài suy niệm hằng ngày, Thư viện ĐCV. Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu, tr. 880.
[6] X. Đhy. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng, Thư viện ĐCV. Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu, tr. 460.

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập403
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm378
  • Hôm nay52,881
  • Tháng hiện tại913,242
  • Tổng lượt truy cập78,916,693
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây