Ngài cứ sự thật mà giảng dạy

Thứ bảy - 20/08/2022 03:47  419
Thứ Bảy tuần XX
(Mt 23,1-12)

unknown 2“Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy, làm hãy giữ…” (Mt 23,3)

Bài Tin mừng thuật lại cảnh Đức Giêsu giảng dạy cho dân chúng và các môn đệ Người về một đề tài khá tế nhị liên quan đến vấn đề vâng phục và xưng hô. Tế nhị bởi vì đề tài này không chỉ liên quan đến dân chúng và các môn đệ đang hiện diện trước mặt Ngài mà còn liên quan đến đệ tam nhân không có mặt ở đó là các thượng tế, biệt phái và kinh sư. Giảng dạy thế nào để không rơi vào tình trạng thái quá hay bất cập đối với người vắng mặt. Chúng ta hãy cùng chú ý đến cách giảng dạy của Chúa Giêsu để từ đó thấy được tư chất và phẩm hạnh của Ngài cũng là tư chất và phẩm hạnh mà mỗi người giảng dạy cần phải sắm cho mình.

Trước hết, Đức Giêsu lưu ý độc giả cần phân biệt sứ giả và sứ điệp. Cụ thể, tất cả những gì các kinh sư và người Pharisêu ngồi trên toà ông Môisê mà giảng dạy (sứ điệp) thì anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm thì đừng có làm theo vì họ nói mà không làm (sứ giả). Vẫn biết rằng, lý tưởng phải là như ông cha ta vẫn nói: “ngôn (nói) hành (làm) hợp nhất” hay như thánh Giáo hoàng Phaolô VI nói trong tông huấn Rao giảng Tin mừng: “ngày nay người ta lắng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy, còn nếu người ta nghe lời thầy dạy vì thày dạy đó cũng đã là chứng nhân” nghĩa là đã làm những gì mình nói. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có những chứng nhân hay thày dạy ngôn hành hiệp nhất như vậy. Do đó, người khôn ngoan là người biết phân biệt điều đúng điều sai, điều phải điều trái. Điều gì đúng, phải thì bất cứ ai nói dù họ là trẻ con hay ông già, người lành thánh hay kẻ tội lỗi, chúng ta đều cần phải nghe và đem ra thực hành. Ngược lại, điều gì sai, trái, tội lỗi thì dù đó là đấng vị vọng, bậc quyền thế, chúng ta cũng không có bổn phận phải vâng nghe.

Tiếp đến, Đức Giêsu cũng lưu ý dân chúng và môn đệ Người về những lối xưng hô với nhau trong cuộc sống. Cần hiểu cho sâu, cho thấu và đúng đắn một số danh xưng phổ biến. Chắc chắn Chúa Giêsu không có ý đả phá việc người ta vẫn gọi nhau trong các tương quan gia đình hay xã hội vốn có liên quan đến các danh xưng như: thầy, cha, người chỉ đạo. Người học trò gọi người dạy mình là “thầy”, con cái trong gia đình gọi người đã sinh thành ra mình là “cha”, nhân viên trong một công ty chẳng hạn gọi người điều hành mình và các công việc trong đó là “người chỉ đạo”. Hẳn Người cũng chẳng đả phá việc các tín hữu Công giáo gọi các chủng sinh là “thầy”, các linh mục là “cha”. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý và cần chỉnh lại ở đây khi Đức Giêsu nói: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là thầy,.. là cha, …là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một Thầy, chỉ có một Cha là Cha trên trời, chỉ có một người chỉ đạo là Đức Kitô; còn tất cả anh em là anh em với nhau.” Điều này chỉ có ý muốn nói ai đó được gọi là “thầy,” là “cha” hay “người chỉ đạo” ở trong gia đình, xí nghiệp hay trong nhà thờ cũng vậy, thì người đó đang được thông dự vào “chức” hay “quyền” “Thầy”, “Cha”, hay “Người Chỉ Đạo” (viết chữ hoa) của Chúa. Do đó, một mặt, người đó phải khiêm tốn quy cái vinh dự được gọi là “thầy”, là “cha” hay “người chỉ đạo” về cho “Thầy,” “Cha,” hay “Người Chỉ Đạo” đích thực là Chúa; mặt khác, phải cố gắng sống sao cho xứng đáng với vinh dự lớn lao đó, phải hành xử thế nào để phản ảnh trung thực hơn tâm tình và thái độ mà Chúa muốn mình đại diện cho Ngài thể hiện đối với người gọi mình.

Sau cùng, Đức Giêsu nhắc nhớ dân chúng và các môn đệ về nguyên tắc ngược đời của Chúa với quyền bính. Với thế gian, “người được coi là thủ lãnh các dân thì áp đặt trên họ quyền bá chủ, những người làm lớn thì áp đặt trên họ quyền hành của mình” (Mc 10,43). Nhưng “trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em” (Mt 23, 11). Đức Giêsu đã không chỉ dạy mà thôi, nhưng cùng với lời Ngài dạy cũng là những việc Ngài làm qua thái độ phục vụ tận tâm của Ngài, đặc biệt qua hành động rửa chân của Ngài dành cho các môn đệ trong bữa tiệc li (x. Ga 13,2-5).

Như vậy, Chúa Giêsu “cứ sự thật mà giảng dạy”. Ngài không thiên tư tây vị. Ngài giúp người có mặt cũng như kẻ vắng mặt, giúp con người ngày xưa cũng như mỗi chúng ta hôm nay, biết phân biệt sứ giả và sứ điệp, biết thấu hiểu cách xưng hô để có những thái độ tâm tình xứng hợp với danh xưng ấy, biết dùng khả năng và quyền bính Chúa ban mà phục vụ lẫn nhau. Amen.

Tác giả: Lm. Gioakim Nguyễn Hữu Văn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập127
  • Máy chủ tìm kiếm41
  • Khách viếng thăm86
  • Hôm nay21,505
  • Tháng hiện tại540,008
  • Tổng lượt truy cập69,599,882
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây