Thứ Sáu tuần II Phục Sinh
Cv 5,34-42, Ga 6,1-15
Trong mọi thời đại, nghèo đói luôn là vấn đề của nhân loại nói chung và những người có trách nhiệm nói riêng phải giải quyết. Nó được ví như một bãi rác mênh mông, đến nỗi người ta không biết tháo gỡ từ đâu. Sự nghèo đói, lạc hậu hay ngu dốt này đã gây nên bao đau thương và chết chóc cho nhân loại. Các tông đồ năm xưa đã băn khoăn về cái đói của dân chúng cũng là băn khoăn của con người hôm nay: “chúng con chỉ có năm cái bánh và hai con cá, như thế sẽ thấm vào đâu…”.
Thật thế, nhiều khi chúng ta không dám cho đi vì khả năng của chúng ta có hạn, trong khi nhu cầu của người khác lúc nào cũng đầy dẫy, cho bao nhiêu cũng chẳng đủ, cố gắng bao nhiêu cũng chỉ giúp được một phần nào đó... Dẫu thế, Đức Giêsu vẫn mời gọi các môn đệ và mỗi người chúng ta, bẻ bánh cuộc đời mình, vượt ra khỏi chính mình để lo cho người khác: “Các con hãy cho họ ăn". Vì đối với Chúa Giêsu, vấn đề không phải là chúng ta cho đi bao nhiêu hiện vật, của cải nhưng là cho bao nhiêu tình thương… Dù đôi khi lòng tốt của mình bị lợi dụng, bị đánh lừa, chúng ta vẫn quảng đại chia sẻ, cho đi, phân phát mới là điều đáng nói.
Hơn nữa, chúng ta nên biết rằng: Kẻ biết mất mà vẫn cho đi, biết bị đánh lừa mà vẫn quảng đại, chia sẻ mới là kẻ có lòng thương xót, có con tim lớn hơn sự tính toán của cái đầu và có vòng tay lớn hơn sự so đo hơn thiệt. Chỉ có tình yêu vô vị lợi và vị tha mới thúc đẩy chúng ta nhạy cảm với nhu cầu của người khác và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của tha nhân. Người ta vẫn thường nói: “Cách cho quý hơn của cho”. Đó là việc cho đi với tất cả tâm tình, cho đi mà không tính toán hơn thiệt, cho đi mà không cầu mong được đáp trả, và cho đi như là chính Đức Kitô, Người đã hoá thân trong những kẻ nghèo khó để thông cảm với cuộc sống nghèo khổ của kiếp người, vì chính Người đã nói: “Ai làm cho những kẻ bé mọn này, dù chỉ là một bát nước lã, vì danh Ta thì cũng làm cho chính Ta”. Như thế, phải chăng việc dám cho đi, dám chia sẻ cho người khác là một ân ban, một sức mạnh và một sự trợ lực từ trời cao? Nếu như thế thì lời cầu nguyện của chúng ta với Chúa, xin Ngài cho từng người chúng ta biết yêu thương chia sẻ, biết cho đi là lời cầu nguyện thật đẹp.
Chúa Giêsu đã cho đi chính mình hay nói như Tin mừng là Ngài đã yêu các môn đệ cho tới cùng. Phép lạ hoá bánh ra nhiều là hình ảnh báo trước việc cho đi đến cùng ấy, cho đi chính thịt máu mình là của ăn đem lại sự sống đời đời cho nhân loại. Lời mời gọi cho đi như Ngài quả là lời thách đố cho mọi tín hữu. Nguyện xin Chúa cho mỗi tín hữu có được trái tim của Chúa để có thể cho đi như Chúa.