Thứ Tư tuần II Mùa Phục Sinh
(Ga 3,16-21)
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Nói đến tình yêu là nói đến sự quan tâm, sự thông dự, sự ân cần chăm sóc. Tình yêu làm cho người ta muốn điều tốt đẹp cho người mình thương. Người ấy không dửng dưng với con đường và số phận của người yêu, nhưng ra sức cho người mình yêu được sống trong niềm vui và sự viên mãn. Đối với Thiên Chúa thì sao? Phải chăng Ngài tạo ra thế giới rồi bỏ mặc nó? Ngài có quan tâm đến chúng ta và số phận của chúng ta không? Qua bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan xác quyết rằng: Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài yêu thương nhân loại đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.
Tuy nhiên, trong cuộc sống, có khi người ta vẽ ra một bức tranh về Thiên Chúa nghiêm khắc, giận giữ, không dung thứ và khư khư nắm chặt lề luật. Còn Chúa Giêsu thì nhu mì, yêu thương và sẵn sàng tha thứ. Nhiều khi người ta trình bày thông điệp Kitô giáo như là Chúa Giêsu đã làm một điều gì đó để thay đổi thái độ của Thiên Chúa đối với loài người, từ xử phạt ra tha thứ. Nhưng Lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết rằng: Chính Chúa đã sai Con Ngài đến thế gian vì Ngài yêu thương nhân loại. Đằng sau mọi hành động của Thiên Chúa, đó là tình thương của Ngài dành cho con người.
Thiên Chúa là Tình Yêu. Vâng! Bản chất của Thiên Chúa là Tình yêu. Ngài không yêu nửa vời, nhưng Ngài yêu thương trọn vẹn. Yêu trọn vẹn có nghĩa là Ngài không thể yêu hơn được nữa. Cụ thể, gia tài quý giá nhất là chính Con Một của Ngài, Ngài cũng không giữ lại cho riêng mình, Ngài đã hiến trao cho con người. Ngài yêu tới độ liều lĩnh, không biết người ta đón nhận hay từ chối Con của Ngài. Thậm chí người ta có thể giết chết Con Một yêu dấu của Ngài. Nhưng, Thiên Chúa vẫn hiến trao Con Một cho nhân loại. Vì vậy, tình yêu hiến trao tất cả của Thiên Chúa phá vỡ tất cả những nghi ngờ có trong lòng con người. Nếu chúng ta chỉ nghĩ về Chúa như Ngài đang nhìn vào nhân loại vô tâm, không vâng lời, phản loạn, và phán rằng: “Ta sẽ đánh gục chúng, kỷ kuật chúng, trừng trị, xử phạt và giáng tai họa cho đến chừng nào chúng chịu hồi tâm” thì chúng ta rất dễ nghĩ về Chúa như Ngài đang tìm cách đàn áp loài người để thỏa mãn quyền hành của Ngài, để hoàn toàn áp đặt vũ trụ. Nhưng “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sông muôn đời”. Qua đó ta thấy, Thiên Chúa đang hành động, không phải vì chính Ngài, mà vì chúng ta. Ngài không hành động để thỏa mãn ước muốn cầm quyền của Ngài, để giẫm đạp vũ trụ dưới gót chân, nhưng Ngài hành động là nhằm thỏa mãn tình yêu của Ngài. Ngài không phải là vị bạo chúa độc tài, đối xử với mọi người như thần dân, bắt phải tuân phục vô điều kiện. Ngài là người Cha không thể vui, khi những đứa con hoang đàng của mình chưa trở về. Ngài không đàn áp loài người khiến họ phải đầu phục, Ngài trông mong và dịu dàng kêu gọi họ trở lại với tình thương của Ngài.
Tình thương yêu của Thiên Chúa thật bao la. Tình yêu đó không phải chỉ dành riêng cho những người tốt lành, thánh thiện, không chỉ là một tổ chức, một quốc gia...vv nhưng là dành cho toàn thể nhân loại. Toàn thể những người khó yêu và chẳng có gì đáng yêu, người cô đơn chẳng được ai yêu, người yêu mến Chúa lẫn người chối bỏ tình yêu của Ngài. Người chẳng bao giờ suy nghĩ đến Ngài cũng như những người yên nghỉ trong tình yêu của Ngài, tất cả đều được bao gồm trong tình yêu bao la của Thiên Chúa. Thánh Augustinô đã nói: “Chúa yêu mỗi người chúng ta dường như chỉ có một mình ta để Ngài yêu mà thôi”.
Tình yêu của Thiên Chúa bao la. Ngài ban tặng cho nhân loại một cách nhưng không. Vậy chúng ta phải làm gì để đón nhận tình yêu nhưng không của Thiên Chúa ban tặng? Mỗi người chúng ta phải mở lòng mình ra để đón nhận quà tặng vô giá mà Thiên Chúa ban tặng, đó là Đức Giêsu Kitô. Đón nhận Đức Giêsu Kitô, đó là chúng ta đón nhận Đấng đã tự nguyện hiến trao chính mạng sống của mình cho nhân loại. Nhờ đó, chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình. Đồng thời, mỗi người chúng ta phải trở thành chứng nhân về tình yêu, sự tha thứ và hy sinh của Chúa trong cuộc sống thường ngày. Bởi vì Chúa Giêsu đã nói: không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Amen.