Đường lối Thiên Chúa khác xa đường lối con người

Thứ bảy - 21/09/2024 04:34  255
CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN NĂM B
Mc 9,30-37

Từ khi thánh Phêrô tuyên xưng đức tin, Đức Giêsu bắt đầu mặc khải sự việc Người phải chịu chết. Người mặc khải ba lần. Bài Tin Mừng hôm nay, Người mặc khải lần thứ hai, nhưng các môn đệ vẫn không dám hỏi. Đã vậy, các ngài lại còn tranh cãi xem ai là người lớn hơn cả. Bài Tin Mừng hôm nay nói về hai vấn đề ấy: Đức Giêsu mặc khải, còn các môn đệ thì tranh cãi.

Thật ra, nếu muốn hiểu đoạn Tin Mừng này rõ hơn, chúng ta cần xác định thời điểm của nó: Khi ấy, Đức Giêsu đã rao giảng được khoảng ba năm, và Ngài sắp kết thúc sự nghiệp của mình ở trần gian, một kiểu kết thúc không ai có thể ngờ được, nghĩa là kết thúc bằng cái chết đớn đau tủi nhục trên Thập Giá. Chính vì đoán trước rằng không ai có thể ngờ được việc đó cho nên Đức Giêsu phải nói trước cho các môn đệ mình hay, để khi sự việc xảy ra thì họ sẽ không quá ngỡ ngàng và hoang mang. Những lời báo trước về cuộc khổ nạn mà chúng ta vừa nghe trong đoạn Tin Mừng hôm nay, là lần loan báo thứ hai. Dù vậy, các môn đệ vẫn không hiểu. Họ đoán là Đức Giêsu sắp kết thúc hoạt động rao giảng, nhưng kết thúc một cách huy hoàng bằng cách chiếm lấy quyền bính và lên ngôi vua. Chính vì nghĩ như vậy nên họ bắt đầu tranh giành nhau xem trong chính phủ Đức Giêsu sắp lập, ai trong nhóm họ sẽ được giữ địa vị nào.

Rõ ràng các môn đệ đã theo Chúa nhưng vẫn còn mang trong mình những “giấc mơ”, các ông ước mơ sẽ được thăng quan tiến chức, có chức vụ và quyền lực theo kiểu trần thế trong Nước Chúa. Quả thật, các ông theo Chúa nhưng vẫn còn hành xử theo tinh thần thế gian, chưa đi vào đường lối của Chúa, đó là đường tiến về Giêrusalem, đường thập giá, đường hiến thân phục vụ; các ông vẫn chưa thể hiểu hay đúng hơn là không muốn hiểu điều Chúa đang loan báo.

Thật vậy, ai trong chúng ta cũng muốn ở địa vị cao hơn người khác vì ở địa vị cao thì có thể thống trị người khác, được nhiều đặc quyền. Thậm chí, nhiều người dùng cả những thủ đoạn hèn hạ để đạt được địa vị cao. Nhưng với những môn đệ Chúa Giêsu thì khác: Địa vị càng cao thì càng bị đòi buộc phải cúi mình phục vụ. Con đường trở nên cao trọng của người môn đệ Chúa là khiêm nhường phục vụ.

Tuy nhiên, người thật sự không vị kỷ rất ít, nên có người như thế được mọi người ghi nhớ mãi. Người Hy Lạp có một câu chuyện về người ở Sparta tên gọi Paedaretos. Người ta chọn và bầu ra 300 người để cai trị xứ Sparta. Paedaretos là một ứng cử viên. Khi danh sách những người trúng cử được công bố không có tên ông. Một bạn thân của ông ta nói: “Tiếc thật, người ta đã không bầu cho anh, thiên hạ không biết nếu bầu cho anh, anh sẽ là một chính khách lỗi lạc đến thế nào”. Nhưng Paedaretos thản nhiên đáp “Trái lại, tôi rất vui vì trong xứ Sparta này còn có 300 người có tài, có đức hơn tôi”. Đây là một người đã đi vào truyền thuyết vì sẵn sàng nhường cho kẻ khác ngôi vị hàng đầu mà không hề tỏ ra cay đắng.

00 00 lavement1Chính trong bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ tinh thần đích thực của người lãnh đạo “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Thật vậy, câu nói này tóm tắt đạo lý của Chúa Giêsu về lý tưởng phục vụ. Theo Chúa không phải để tìm kiếm địa vị, chức tước hay để xây dựng sự nghiệp riêng, nhưng là để trở thành người loan báo Tin Mừng và phục vụ Giáo Hội. Người làm lớn phải trở thành người tôi tớ phục vụ người khác. Trong Giáo Hội, các chức vụ và địa vị chỉ là phương tiện để phục vụ, để xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô, chứ không phải là mục đích, hay để thống trị và bắt người khác phục vụ mình. Giáo Hội chọn lý tưởng phục vụ do Chúa Giêsu đề ra làm con đường phải đi. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II quả quyết rằng: “Con người là con đường của Giáo Hội”. Điều này có nghĩa là Giáo Hội được thiết lập là để phục vụ con người. Vì con người là trung tâm điểm của sứ mạng Giáo Hội. Giáo Hội được mời gọi bước theo mẫu gương phục vụ của Chúa Kitô. Bởi lẽ, chính Người là mẫu gương tuyệt hảo về lý tưởng phục vụ: Người là Thiên Chúa nhưng đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên người phàm hèn và bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá để cứu độ chúng ta (x. Pl 2,6-8).

Quả thế, nếu trong một quốc gia, những người lãnh đạo là những người phục vụ người dân thì đất nước đó sẽ phát triển và sẽ tiến nhanh, tiến mạnh. Trong một xã hội, nếu mọi người biết phục vụ nhau, thì xã hội đó sẽ bình an và thịnh vượng. Trong một cộng đoàn, ai cũng có tinh thần phục vụ, thì cộng đoàn đó sẽ sống động và đầy niềm vui. Cũng thế, trong một gia đình, vợ chồng, con cái biết phục vụ lẫn nhau, thì gia đình đó sẽ tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.

Tóm lại, đường lối của Thiên Chúa không phải như đường lối của người phàm. Đức Giêsu dứt khoát lên đường khiêm hạ mà Chúa Cha đã vạch ra. Nhưng, đang khi cùng đi với Thầy, các môn đệ lại ước mơ chuyện khác hẳn: làm lớn. Các ngài cứ nghĩ đến làm lớn chính ngay lúc Đức Giêsu nêu cao tinh thần làm nhỏ, tinh thần phục vụ. Hơn nữa, phải phục vụ với tâm hồn khiêm nhu và bác ái, người môn đệ đúng nghĩa của Đức Giêsu phải coi mình như là tôi tớ và phải nhận thấy Thiên Chúa trong kẻ đơn sơ, thấp hèn. Ước mong chúng ta được như vậy. Amen.

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập127
  • Máy chủ tìm kiếm64
  • Khách viếng thăm63
  • Hôm nay24,997
  • Tháng hiện tại713,743
  • Tổng lượt truy cập77,507,991
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây