CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN NĂM B
St 2,18-24; Tv 128; Hr 2,9-11; Mc 10,2-16
(Một gia đình Công Giáo tại Hoa Kỳ với 8 người con và người con thứ chín sắp chào đời)
Theo thống kê, tỷ lệ ly dị của Việt Nam vào hàng thấp nhất thế giới (0.2/1000 người), nhưng nếu tính theo tỷ lệ đôi kết hôn thì cũng đã khá cao, nhất là tại các thành phố lớn: cả nước 25% (1 trên 4 đôi kết hôn), Sài Gòn tới 36% (1 trên 2,7 đôi kết hôn). Trào lưu này cũng ảnh hưởng đến các xứ đạo, thậm chí xứ đạo miền quê. Nhiều xứ đạo truyền thống cũng chứng kiến hàng chục hàng trăm đôi ly dị.
Trong bối cảnh xã hội như thế, hơn bao giờ hết, Lời Chúa hôm nay nhắc nhớ cho chúng ta về phẩm giá của hôn nhân. Hôn nhân không phải là chuyện dựng vợ gả chồng, thậm chí là trò đùa, mà là kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là tác giả của hôn nhân và Ngài muốn con người sử dụng món quà ấy để mưu cầu hạnh phúc cho mình và tha nhân. Đặc biệt, Chúa Giêsu đã nâng hôn nhân lên hàng Bí Tích để thánh hóa đời sống đôi lứa và làm sáng lên vẻ đẹp cao quý của tình yêu gia đình trong hôn nhân.
Từ thuở ban đầu
Chúa Giêsu khẳng định ý định ban đầu của Thiên Chúa về hôn nhân: một nam một nữ, một xương một thịt và bất khả phân ly. Đây là luật Chúa, thiên luật, con người không thể thay đổi. Qua đó, Chúa Giêsu khẳng định phẩm giá của hôn nhân. Hôn nhân không phải là chuyện của thế gian, không phải là một hợp đồng ngắn hạn, tạm thời, hay ở dở đi… Hôn nhân là một giao ước do Thiên Chúa phối hợp và đóng ấn, nên có giá trị cao quý và bền vững.
Giáo hội Công giáo minh định hôn nhân là cộng đồng tình yêu giữa một người nam và một người nữ (đơn hôn) và bền vững trọn đời (vĩnh hôn, bất khả phân ly). Hôn nhân được thánh hóa qua Bí tích Hôn phối, nhờ đó đôi vợ chồng được ban dồi dào ân sủng để trở nên hình ảnh sống động của hôn ước tình yêu nhiệm mầu giữa Chúa Kitô và Hội thánh, cũng như sinh sản và giáo dục con cái theo tinh thần của Chúa để gầy dựng một “Giáo hội tại gia”.
Một xương một thịt
Chúa Giêsu đã đưa ra câu trả lời dứt khoát cho vấn đề ly dị: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9). Nói cách khác, con người không có đủ thẩm quyền để phá vỡ một dây liên kết thánh thiêng mà Thiên Chúa đã thiết lập. Tuy nhiên, trong thực tế, tử cổ chí kim, chúng ta đều chứng kiến những cảnh ly dị rất tiếc vẫn xảy ra đó đây và thậm chí còn được hợp pháp hóa. Nhưng đó chỉ là những hành động mang tính ngoan cố của con người, bất chấp luật Chúa, để buông theo lòng chai dạ đá của mình.
Hai ngàn năm nay, Giáo hội kiên quyết giữ gìn luật Chúa và phủ nhận luật cho phép ly dị. Trong cuộc sống đời thường, chúng ta thấy việc cho phép ly dị chỉ gây tác động tiêu cực trên hôn nhân gia đình. Những hệ lụy của việc ly dị thật trầm trọng, vì mỗi khi ly dị xảy ra là một mái ấm bị chia lìa. Nếu gia đình là tế bào của xã hội, là “giáo hội thu nhỏ”, thì tương lai nhân loại sẽ đi về đâu khi rất nhiều những tế bào ấy (có khi lên đến hơn một nửa!) bị tan rã?
Đón nhận trẻ thơ
Một trong những hiện tượng xã hội hôm nay là ngại kết hôn và lười sinh con. Lý do có thể đơn giản chỉ là thích sống thoải mái và ngại trách nhiệm, hoặc do áp lực tài chính, xã hội. Tuy nhiên, lối sống thực dụng này làm cho trẻ em bị coi như là một gánh nặng hơn là quà tặng. Hệ quả là việc già hóa dân số, sự chênh lệch tỷ lệ nam nữ, tâm lý cậu ấm cô chiêu (do ít con và được nuông chiều quá mức)… ngày càng tăng. Một thế giới già nua cũng là một thế giới già cỗi, báo hiệu một tương lai không mấy sáng sủa…
Chúa Giêsu không coi sự có mặt của trẻ thơ là phiền hà mà là dấu hiệu của vẻ đẹp trời cao: “Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng”. Khi sinh con, các bậc cha mẹ đang cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa: sáng tạo những sinh linh mới! Khi nuôi dưỡng và giáo dục con cái, họ tham gia vào công trình cứu chuộc của Chúa. Trong khung cảnh gia đình, con cái là hồng ân Chúa ban, hoa trái tình yêu của vợ chồng và là mối dây gắn kết hai người họ với nhau bền chặt hơn.
*****
Bài đọc I có đưa ra ba động từ chỉ về ba hành động để tiến tới và thăng tiến hôn nhân: lìa bỏ, gắn bó và nên một. Lìa bỏ quá khứ không phù hợp, từ bỏ cải tôi ích kỷ lười biếng, để gắn bó tha thiết với bạn đời tới mức nên một trong suy nghĩ, ước mơ, tình yêu và cuộc sống. Bài đọc II nói đến sự hy sinh đến độ hiến dâng mạng sống của Chúa Giêsu vì hạnh phúc đời đời của nhân loại. Đó cũng là một hành trình Ngài đã từ bỏ, gắn bó và nên một với Hội Thánh là Hiền Thê của Ngài.
Hôn nhân gia đình muốn có hạnh phúc cũng cần kinh qua thập giá. Tình yêu đích thực đòi phải có hy sinh và phục vụ. Người ta chỉ mất vài giây để nói lời yêu nhau nhưng cần cả đời để chứng minh điều đó. Lời hứa của bí tích Hôn phối là kim chỉ nam cho đôi bạn yêu nhau và đi bên nhau suốt đời: “Anh/em xin nhận… làm vợ/chồng của anh/em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc yếu đau, để yêu thương, tôn trọng và chung thủy với anh/em suốt đời anh/em”.