CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM B
Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48
Chúng ta đang trong bầu khí sống hiệp hành. Chữ “cùng nhau” (together) ngày càng trở thành cung cách sống trong mọi lãnh vực: cùng nhau hành trình, cùng nhau lắng nghe, cùng nhau phân định, cùng nhau phục vụ… Thư chung của Hội Đồng Giám Mục mới đây cũng mang chủ đề “Cùng nhau loan báo Tin Mừng”.
Trong kinh Cải tội bảy mối có bảy đức, hai mối tội đầu gây ảnh hưởng trầm trọng tới lối sống “cùng nhau” trong cộng đoàn là “ghen ghét” và “hà tiện”. Để sửa chữa hai mối tội đó, chúng ta cần luyện tập nhân đức yêu thương qua việc sống bao dung quảng đại. Đây cũng là những điều mà phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn lưu ý chúng ta.
Yêu người chớ ghen ghét
Mối tội thứ nhất là ghen ghét, cũng gọi là ganh tỵ, là sự buồn bực hoặc giận ghét về điều tốt hoặc của cải mà người khác có và muốn chiếm đoạt làm của mình. Sự ganh tỵ sinh ra thù ghét (ghen nên ghét!), nói xấu, vu khống, và có khi còn kèm theo mong muốn điều xấu cho họ, vui khi thấy họ gặp hoạn nạn, buồn bực khi thấy họ gặp may lành. Ghen ghét là điều xấu nặng nề, là “thói xấu của ma quỷ”, là tội đi ngược lại với đức yêu thương bác ái. Giôsuê trong bài đọc I và Gioan trong bài Tin Mừng đều tỏ ra ghen ghét khi xin Thầy mình ngăn cấm những người khác không được rao giảng hoặc trừ quỷ.
Sư ghen ghét phá hoại cộng đoàn. Thánh Gioan Kim Khẩu cảnh báo chúng ta rằng “sự ganh tỵ võ trang cho chúng ta chống lại nhau”, “cắn xé nhau như thú rừng”, “phá rối thân thể Đức Kitô”, làm cho Thân Thể Đức Kitô “trở thành một xác chết”. Vì thế, để xây dựng cộng đoàn, chúng ta cần loại bỏ sự ghen ghét, ganh tỵ, và tập sống nhân hậu bao dung; biết vui với người vui, khóc với người khóc; biết mong muốn điều tốt điều lành cho mọi người; biết thương mến nhau với tình huynh đệ; biết lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác trọng hơn mình.
Rộng rãi chớ hà tiện
Hà tiện là quá yêu vật chất, dành dụm tới mức bủn xỉn, keo kiệt. Đây là sự tham lam, nghĩa là “tình yêu vô độ đối với của cải hoặc sử dụng của cải một cách ích kỷ”. Chúng ta được nghe cảnh báo về điều này trong bài đọc II, trích thư Giacôbê (Gc 5,1-6): “Giờ đây, hỡi những kẻ giàu có, các ngươi hãy than van rên rỉ về những tai họa sắp đổ xuống trên đầu các ngươi…”. Thánh Gioan Kim Khẩu coi đó là hành vi “ăn cắp của cải người nghèo và tước đoạt mạng sống của họ”. Khi tham lam hà tiện, tâm hồn sẽ bị đóng kín, không còn chỗ cho Thiên Chúa và tha nhân.
Sự hà tiện sẽ khiến tương quan trong cộng đoàn bị khô cứng và thường là nguyên nhân gây đến xung đột quyền lợi. Ai cũng tham lam vun vén cho mình thì sẽ khiến cộng đoàn trở thành một “chiến trường” trong đó mọi người tranh giành quyền lợi với nhau. Sẽ không có tình yêu đích thực, vì chẳng ai chịu hy sinh và chia sẻ. Sự cạnh tranh này sẽ dẫn đến ganh tỵ, chia rẽ và hiềm khích. Từ đó, những tội lỗi “do tính xác thịt” sinh ra hàng loạt: hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, phân rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén… (x. Gl 5,19-21). Do đó, rất cần vun đắp lòng rộng rãi quảng đại, nghĩa là tình yêu vị tha, bao dung, vô vị lợi, dâng hiến và phục vụ, như Chúa Giêsu đã truyền dạy và nêu gương (x. Ga 15,13; Rm 5,7-8).
Hiệp nhất trong khác biệt
Phụng vụ hôm nay còn cho chúng ta thấy một mối tội khác gây hại cho cộng đoàn, đó là óc bè phái. Trong bài đọc I, Giôsuê không muốn cho Eldad và Medad nói tiên tri, vì hai ông này không ở cùng “Lều” khi Đức Chúa ban Thần Khí trên họ. Trong bài Tin Mừng, ông Gioan cũng muốn ngăn cấm một người nhân danh Chúa Giêsu trừ quỷ, vì anh ta “không theo chúng ta”. Óc bè phái luôn muốn loại trừ những người không thuộc phe nhóm mình, nên tạo ra sự kỳ thị và bè phái. Việc tốt, người tốt không được nhìn nhận chỉ vì lý do phe nhóm. Điều này khiến cho cộng đoàn mất đi sức sống và tính năng động, mất đi sự phong phú đa dạng và sức mạnh hiệp nhất.
Ông Môsê và Chúa Giêsu đều không để cho óc bè phái xâm nhập cộng đoàn của mình. Các Ngài muốn cộng đoàn phải là nơi quy tụ, hiệp nhất, hiệp nhất trong khác biệt, cùng nhau tham gia và đồng trách nhiệm. Ông Môsê ước ao chớ gì “toàn dân nói tiên tri”! Chúa Giêsu ước cho “mọi người hợp nhất nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 17,21). Ngài không muốn chúng ta “ngăn cản” ai tham gia vào công việc Nước Chúa; Ngài nghiêm nghị trước những cớ vấp phạm và dịp tội gây cản trở cho sự hiệp nhất; Ngài khích lệ việc trao ban chia sẻ (dù là bé nhỏ) trong cộng đoàn: “Ai cho anh em một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,41).
*****
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay khích lệ chúng ta xây dựng cộng đoàn qua việc loại bỏ những tật xấu đầu sỏ: ghen ghét, hà tiện, bè phái, và tập luyện các nhân đức giúp thăng tiến cộng đoàn: bác ái, quảng đại, liên đới. Tình yêu làm nên sự gắn kết, làm cho cộng đoàn triển nở nhờ hiệp nhất và yêu thương. Mọi người biết vun đắp cho nhau, cùng nhau thăng tiến và cùng nhau xây dựng cộng đoàn.
Lời của Thánh Phaolô một lần nữa truyền cảm hứng cho chúng ta trên bước đường hiệp hành: “Anh em thân mến, nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu” (Pl 2,1-5).
Thánh Gioan Kim Khẩu, In epistulam II ad Corinthios, homilia 27, 3-4: PG 61, 588, theo GLHTCG, số 2538.
Xem Rm 12, 1.15; Pl 2,3-4.