Chúa Nhật XXV TN B
Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,30-37
Ai trong chúng ta cũng muốn ở địa vị cao hơn người khác, vì ở địa vị cao, người ta có thể điều khiển được người khác, được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi. Chính vì muốn được chức trọng quyền cao, muốn được thống trị, mà không thiếu người đã dùng cả những thủ đoạn hèn hạ nhất để đạt cho bằng được địa vị đó.
Đấy là điều mà con người mọi thời vẫn đang tìm kiếm. Đối với các môn đệ của Đức Giêsu thì khác. Dường như mọi thứ bị đảo lộn vì đối với Đức Giêsu, địa vị càng cao thì càng đòi buộc phải cúi mình phục vụ. Con đường trở nên cao trọng của người môn đệ Chúa Giêsu không phải làm ông nọ bà kia nhưng là khiêm nhường và phục vụ. Nghĩa là phải noi gương bắt chước lối sống tự hạ của Thầy Giêsu: Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì, địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (Pl 2,6-8).
Với những gì Đức Giêsu đã làm trong những tháng ngày rao giảng Tin Mừng, các môn đệ và đám đông dân chúng đi theo Người có đủ lý do để tin rằng, Đức Giêsu sắp bày tỏ uy quyền lớn lao để giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ đế quốc, và đem họ đến miền đất tự do như cha ông họ năm xưa. Tuy nhiên, khi Đức Giêsu tiên báo về những gì sắp xảy đến cho mình tại Giêrusalem và mời các môn đệ theo Người, thì họ không thể chấp nhận vì họ nghĩ rằng, Đấng uy quyền trong lời nói và hành động, đến ma quỷ và thậm chí đạo binh quỷ còn phải khiếp sợ mà lại chịu để cho người đời bắt trói, đánh đòn và giết chết hay sao?
Suy tính của loài người là như vậy, còn đường lối của Thiên Chúa lại rất khác. Đức Giêsu có đầy đủ uy quyền của Thiên Chúa, nhưng Người chỉ thi thố quyền năng ấy để cứu giúp con người mà thôi, chứ không dùng để đàn áp, bắt người khác phải theo mình. Bởi vì con đường mà Thiên Chúa muốn Người bước vào là con đường tự hủy, con đường lãnh nhận lấy khổ hình thập giá. Đức Giêsu đến không phải để bắt loài người phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (x.Mt 20,28). Chính khi Đức Giêsu hiến dâng mạng sống mình trên cây thập giá, thì Thiên Chúa đã suy tôn Người và ban tặng cho Người mọi danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, khiến cho tất cả muôn loài muôn vật trong vũ trụ và trong nơi âm phủ đều phải báy quỳ và tôn vinh Người là Chúa (x.Pl 2,9-11).
Bởi thế, những người được mời gọi bước theo Đức Giêsu hay mang nơi mình danh hiệu Kitô hữu không thể sống một lối sống theo kiểu trần thế, tìm kiếm địa vị danh vọng chức quyền, nhưng phải là một lối sống theo gương Thầy Giêsu: khiêm tốn, tự hạ, phục vụ trong yêu thương và hiến dâng chính bản thân mình vì Nước Trời. Như lời Đức Giêsu mời gọi các môn đệ: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35). Một lối sống đi ngược dòng đời như thế bao giờ cũng thực sự khó khăn, dễ gây chán nản, buông xuôi. Tuy nhiên, chỉ những ai kiên trì, bền chí đến cùng, những người ấy mới có thể được cứu độ (x.Mc 13,13). Sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian là vậy (x.Ga 17,16).
Một khi chúng ta sống tinh thần khiêm nhường và phục vụ như Đức Giêsu dạy, sẽ không còn ghen tương và tranh chấp, cũng chẳng có sự xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa trong gia đình, trong cộng đoàn chúng ta nữa. Những người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính (x.Gc 3,16-18). Thánh Giacôbê cho chúng ta biết rằng: Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết ; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc (x.Gc 4,1-3).
Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta biết mặc lấy tâm tình khiêm nhường và tinh thần phục vụ vô vị lợi, để nhờ đó Danh Thánh Chúa Giêsu được mọi người biết đến và Nước Chúa là Nước của sự công chính, yêu thương và an bình tràn ngập khắp vũ trụ này. Amen.