Sống chết vì đức tin vào Đức Kitô

Thứ bảy - 14/09/2024 04:51  152

Chúa Nhật XXIV TN B
Is 50,5-9a; Gc 2,14-18; Mc 8,27-35

360 f 629665957 bh7o6xuwfgdxhrs4d9rt9vav5p5cbw3sỞ Armenia, một làng gồm 60 gia đình bị ép phải theo đạo Hồi, nếu không sẽ bị tra tấn và giết chết. Riêng có một cụ già 110 tuổi nhất định không chịu bỏ đạo. Bà nói: “Tôi quá già rồi, tôi không thể chối Chúa”. Quân lính liền giằng cuốn Kinh Thánh bà đang cầm trong tay, xé nát và vứt đi. Bà bình tĩnh nói: “Các anh có thể làm chuyện đó. Nhưng các anh không thể nào xé nát được niềm tin trong lòng tôi”. Người đàn bà này có đức tin thật là mạnh. Bởi vì bà biết Đấng bà đang tin tưởng và phó thác là ai? Là Kitô hữu, chúng ta đã biết Đấng ta tin tưởng, cậy trông và yêu mến là ai, và đường lối của Người là như thế nào chưa? Phụng vụ Lời Chúa hôm nay sẽ giúp cho chúng ta có được câu trả lời đó.

Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” (Mc 8,27b), chắn hẳn các môn đệ đã được nghe rất nhiều dư luận bàn tán, nhận định về thầy Giêsu. Các ông trả lời ngay: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó” (Mc 8,28). Rõ ràng, dân chúng ta đã thấy một số nét căn bản nào đó nơi con người Đức Giêsu. Tựu chung những lời nhận định của dân chúng đều cho rằng, Đức Giêsu là một ngôn sứ. Tuy nhiên, đó là ý kiến của dân chúng, còn các môn đệ thì thế nào? Họ là những người đã được ở với Đức Giêsu, được Người dạy dỗ, cùng ăn cùng uống, cùng đi rao giảng với Người. Họ cũng cần phải bày tỏ lập trường của mình: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? Phêrô liền thay mặt các anh em tuyên xưng đức tin: Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8,29). Câu trả lời của St.Phêrô thật là chính xác, nhưng cách hiểu của St.Phêrô cũng như các môn đệ khác về danh hiệu Đấng Kitô lại chưa đúng như ý Thiên Chúa muốn. Bằng chứng, là sau tuyên xưng đức tin cao đẹp đó, Đức Giêsu đã dạy cho các ông biết rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”, thì Phêrô đã một mực can ngăn và bắt đầu trách Thầy (x.Mc 8,31-32).

Đấng Kitô mà Thiên Chúa sai đến không phải là một Đấng biểu lộ sự oai phong hiển hách theo cái nhìn trần thế, hay của một vị đại anh hùng theo ý nghĩa quân sự. Đấng Kitô đích thực phải là người luôn sẵn sàng thực thi thánh ý của Thiên Chúa, dầu phải chấp nhận những thử thách, chống đối, thậm chí cả cái chết. Đó chính là hình ảnh người Tôi Trung mà ngôn sứ Isaia trong bài đọc I đã nói: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng” (Is 50,5-7).

Đấng Kitô chịu đau khổ nhiều, bị loại bỏ và bị giết chết có thực sự là Thiên Chúa mà chúng ta đang tin kính tôn thờ hay không? Hay chúng ta lại đang tôn thờ một Thiên Chúa mà chúng ta hình dung và vẽ ra cho mình? Bởi vì không có cái nhìn đúng đắn về Thiên Chúa theo như những gì Người mặc khải cho biết, cho nên triết gia người Đức là Ludwig Feuerbach trong cuốn “Bản chất Kitô Giáo” đã cho coi Thiên Chúa như là một sự phóng chiếu của con người. Nghĩa là ông coi “Thiên Chúa chính là con người”. Ông cho rằng, mọi cố gắng để diễn tả về Thiên Chúa đều khởi đi từ con người, chính họ đã nghĩ ra và tưởng tượng về một Đấng Siêu Việt đáp ứng những khát vọng của họ. Ông kết luận: “con người dựng nên Thiên Chúa theo hình ảnh của con người, chứ không phải Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh Thiên Chúa”. Phải chăng chúng ta cũng đang tưởng tượng, tìm kiếm và tôn thờ một vị thiên chúa như triết gia này?

Đức Giáo hoàng Phanxicô trong buổi tiếp kiến mới đây vào thứ Tư hàng tuần, Ngài đã mời gọi các tín hữu tự vấn lại đức tin của mình: Tình yêu của Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại có phải là trung tâm của cuộc sống hàng ngày của chúng ta như nguồn cứu rỗi, hay chúng ta hài lòng với một số hình thức tôn giáo để cứu vãn lương tâm của chúng ta? Chúng ta sống đức tin như thế nào? Chúng ta có gắn bó với kho tàng quý giá, với vẻ đẹp của sự mới mẻ của Chúa Kitô, hay chúng ta thích điều gì đó thu hút chúng ta vào lúc này nhưng sau đó lại để tâm hồn chúng ta trống vắng? Đó cũng chính là lời mời gọi của Thánh Giacôbê trong bài đọc II: ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Đức tin không có hành động chỉ là đức tin chết (x.Gc 2,14.17).

Chỉ tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu bằng môi miệng mà không sống đức tin vào Người trong mọi giây phút cuộc đời, nghĩa là không sẵn sàng từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Chúa (x.Mc 8,34), thì mãi mãi Đức Giêsu mà chúng ta tin tưởng, Thiên Chúa mà chúng ta đang tôn thờ cũng chỉ là mớ lý thuyết suông mà thôi.

Bởi vậy, điều mà Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” vẫn luôn là câu hỏi mà Người đang đặt ra cho mỗi chúng ta hôm nay. Đức Giêsu không thay đổi, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời, nhưng sau mỗi biến cố của cuộc đời, chúng ta lại khám phá ra những nét mới mẻ nơi sự phong phú của Người. Cuộc đời của chúng ta là một chuỗi những câu trả lời cho câu hỏi của Chúa: “Còn con, con bảo Thầy là ai?”

Xin Chúa củng cố đức tin của chúng ta vào Ngài, để mỗi ngày sống của chúng ta là sống với Ngài, hoạt động với Ngài, và luôn bước đi trên đường lối mà Ngài mời gọi chúng ta. Amen.

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập541
  • Máy chủ tìm kiếm56
  • Khách viếng thăm485
  • Hôm nay29,777
  • Tháng hiện tại713,404
  • Tổng lượt truy cập76,421,670
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây