Chúa Nhật XXIV TN năm B: Con Người là ai?

Thứ bảy - 14/09/2024 05:02  181
CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM B
Mc 8,27-35

maxresdefaultTrong cuộc đời công khai thi hành sứ vụ, Đức Giêsu giảng dạy, chữa bệnh và làm nhiều phép lạ khác nữa. Chứng kiến những việc Người đã làm và những lời Người đã nói, các môn đệ đã khám phá được Người là ai chưa? Dĩ nhiên là chưa, vì Người là một nhân vật rất đa dạng và vì có những điều mà Người chưa mặc khải và sắp mặc khải mà thôi. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Người mặc khải Người là ai.

Chúa Giêsu đã hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?”. Cả ba câu trả lời: Là Gioan Tẩy Giả, là Êlia, là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó, đều đề cao Chúa Giêsu là tiên tri, nhưng Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải đi xa hơn. Người không phải là các vị ấy. Nói cách khác, Người không đến dọn đường cho ai hết. Trái lại, các bậc đáng kính nói trên phải dọn đường cho Người, vì Người là Đấng Mêsia mà Đức Chúa đã hứa xưa.

Vì thế, Chúa Giêsu muốn chính các Tông đồ đưa ra nhận định của mình: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Phêrô đại diện tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô”, nhưng có lẽ trong ý nghĩ của Phêrô, danh hiệu Đức Kitô không rõ ràng lắm vì sau đó ông đã cản Chúa Giêsu vào con đường khổ nạn. Với ông, Đức Kitô không thể theo con đường khổ giá, mà phải là con đường chiến thắng hiển hách.

Theo Máccô, Đức Giêsu không phủ nhận tước hiệu “Kitô”, hơn nữa Người sẽ chính thức chấp nhận tước hiệu ấy trước câu hỏi của Thượng Hội đồng Do Thái: “Ông có phải là Đấng Kitô, Con của Đấng đáng chúc tụng không? Đức Giêsu trả lời: Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mc 14,61). Chúa Giêsu chấp nhận đồng hóa mình với Đấng Mêsia, nhưng không theo ý tưởng mà Do Thái giáo đã tạo nên về Đấng Mêsia. Theo quan niệm đang thịnh hành lúc đó, Đấng Mêsia được trông chờ và phải là như một vị lãnh đạo chính trị và quân sự, Đấng đến để giải thoát Israel khỏi sự đô hộ ngoại bang và thiết lập triều đại Thiên Chúa trên trái đất bằng sức mạnh quân sự. Vì thế, Đức Giêsu phải cấm ngặt các môn đệ không được nói ra, vì rằng Đức Giêsu là Đấng Mêsia mà sứ mệnh đầu tiên là giải phóng loài người khỏi ách nô lệ tội lỗi.

Thật vậy, Chúa Giêsu phải điều chỉnh tận căn tư tưởng này nơi các Tông đồ, sau khi cho phép họ nói về Người là Đấng Mêsia. Nên ngay lập tức, Người bắt đầu dạy cho các ông biết: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng  tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”. Như vậy, Đức Kitô đích thực là Đức Kitô đi qua đau khổ của thập giá rồi mới đến vinh quang phục sinh.

Tưởng chúng ta cũng nên biết một chút về ba chức vị Kỳ mục, Thượng tế và Kinh sư nơi dân tộc Do Thái. Đây là ba thành phần cầm đầu trong dân: Kỳ mục đại diện cho giới quý phái trong dân; Thượng tế đại diện cho các gia đình tư tế; và Kinh sư đại diện cho các nhà chuyên môn Luật Môsê. Ba nhóm này, hiệp lại, làm thành cơ quan tối cao gọi là Thượng Hội đồng, gồm 71 thành viên mà người đứng đầu là Thượng tế. Nhiệm vụ của Thượng Hội đồng là cai trị dân Do Thái theo Luật Môsê (Kinh sư) và truyền thống (Kỳ mục). Vì thế, khi bị Thượng Hội đồng Do Thái kết án thì không thể tránh được cái án đó.

Cho nên, khi nghe Đức Giêsu nói về cuộc thương khó, Phêrô kéo riêng Chúa Giêsu ra và can ngăn Người. Ông không thể chấp nhận Đức Kitô chịu đau khổ như Người vừa nói. Như vậy, mặc dầu ông tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô nhưng quan niệm của ông về Đức Kitô chưa đúng theo ý Chúa. Chúng ta đều biết Thánh Phêrô cản Đức Giêsu như vậy là một sai lầm. Như thế, Đức Giêsu trách ngài là phải. Nhưng tại sao thánh Phêrô cản Người chỗ riêng tư, Người lại quở trách ông trước mặt các môn đệ khác? Thưa, Người làm như vậy, vì Người coi lời Phêrô là lời của người đại diện và đằng khác, vì Người muốn các môn đệ khác đều biết mầu nhiệm Thương khó và đừng có cản trở Người như thánh Phêrô.

Một cách đáng tiếc, chúng ta phải nói rằng sai lầm của Phêrô đã tiếp tục lặp đi lặp lại trong lịch sử Giáo Hội. Nhiều người Kitô hữu lắm lúc đã cư xử như thể Nước Thiên Chúa thuộc về thế gian này, đã củng cố Nước đó bằng sức mạnh quyền lực và những chiến công lẫy lừng (có khi bằng sức mạnh quân đội, chính trị) để chiến thắng kẻ thù, thay vì chọn lựa sống theo con đường hy sinh, thập giá và tử đạo mà Chúa Giêsu đã đi, như lời Người nói trong Tin Mừng hôm nay: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.

Ngày nay, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục đặt cho chúng ta câu hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Liệu chúng ta có tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô không? Và nếu chúng ta tuyên xưng như vậy, liệu chúng ta có tin vào sứ mệnh đích thực của Đức Kitô Thiên Sai không? Con đường của Đức Kitô mà chúng ta tuyên xưng phải là Đức Kitô trải qua thập giá, đau khổ để phục sinh vinh quang, con đường từ bỏ để được cách sung mãn hơn. Đó cũng là con đường của mỗi tín hữu chúng ta phải đi. Phải chấp nhận mất ở hiện tại để được trong tương lai; mất đời này để được đời sau; mất phàm tục để được thần thiêng; mất tạm bợ để được vĩnh cửu muôn đời. Amen.

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập77
  • Máy chủ tìm kiếm50
  • Khách viếng thăm27
  • Hôm nay29,777
  • Tháng hiện tại717,709
  • Tổng lượt truy cập76,425,975
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây