Câm điếc trong tâm hồn?

Thứ bảy - 07/09/2024 04:35  446

Chúa Nhật XXIII TN B

Is 35,4-7a; Gc 2,1-5; Mc 7,31-37

1Con người được dựng nên để sống cùng và sống với người khác. Sống là phải có tương giao với người khác. Không ai là một hòn đảo. Để hiểu và cảm thông được với người khác, chúng ta cần lắng nghe và nói lời an ủi. Cũng như để người khác có thể hiểu và cảm thông với mình, chúng ta cần phải giãi bày, chia sẻ, nhưng làm sao để lắng nghe được nỗi thống khổ của tha nhân, nếu chúng ta bị điếc? Làm sao có thể nói lời an ủi, cảm thông với tha nhân, nếu miệng chúng ta bị câm? Làm sao tha nhân có thể hiểu và cảm thông với chúng ta, nếu chúng ta không thể truyền đạt và giãi bày nỗi khổ của mình bằng ngôn ngữ và hành động? Hơn nữa, làm sao có thể lắng nghe được tiếng Chúa, làm sao có thể dâng lời cảm tạ, ngợi khen và nài xin lên Chúa, nếu tai chúng ta không thể nghe, và miệng lưỡi chúng ta không thể thốt lên lời?

Tình cảnh của người vừa điếc vừa ngọng mà Tin Mừng Máccô thuật lại thật là đáng thương. Vì không nghe được và cũng không thể nói được cách rõ ràng, cho nên anh không thể đối thoại hoặc giao tiếp được với bất cứ ai. Vì không ai hiểu anh và anh cũng không thể hiểu người ta nói gì, nên anh bị cô lập, bị coi như người thừa trong xã hội. Theo quan niệm của người Dothái, câm điếc và đui mù không chỉ là một thứ khuyết tật về thân xác, mà còn là hình bóng của một tâm hồn xấu xa tội lỗi. Chính vì thế mà khi Đức Giêsu chữa người vừa điếc vừa ngọng được lành bệnh, thì phép lạ ấy không chỉ diễn tả lòng trắc ẩn đối với người bệnh, nhưng còn là dấu chỉ của thời đại Đấng Thiên sai. Thời đại mà như ngôn sứ Isaia trong bài đọc I đã nhắc tới: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ, mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (Is 35,4-6a).

Sự xuất hiện của Đức Giêsu mở đầu cho thời đại của ơn cứu độ, đó cũng là dấu hiệu báo trước ngày tàn của quyền lực sự dữ đã thống trị con người bấy lâu. Đức Giêsu đến thế gian chính là để cho con người được sống và sống dồi dào. Người chữa lành tất cả. Đúng như lời sách Khải Huyền đã khẳng định: “Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ, giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền, và Đức Kitô của Người giờ đây cũng biểu dương quyền bính. Vì Xatan, kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước tòa Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài. Họ đã thắng được nó nhờ máu Con Chiên và nhờ lời họ làm chứng về Đức Kitô” (Kh 12,10b-11)). Đó cũng là ngày mà Thánh Phaolo đã nói tới: Đây là ngày Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ (x.2Cr 6,2). Ngày Thiên Chúa thi ân giáng phúc chính là ngày mà Thiên Chúa biểu lộ lòng tín trung của Người mãi muôn đời. Người sẽ giải phóng cho những ai còn đang bị tù tội, mở mắt cho kẻ mù lòa, cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên. Người luôn là Đấng yêu chuộng những ai sống công chính, luôn xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn, Đấng luôn phù trợ những khách ngoại kiều, nâng đỡ cô nhi quả phụ, nhưng lại diệt trừ những kẻ kiêu căng tự phụ và phá vỡ mưu đồ của bọn ác nhân (x.Tv 145,6b-10).

Có thể chúng ta không bị câm bị điếc về mặt thể xác, nhưng biết đâu được chúng ta đang bị câm, bị điếc về linh hồn thì sao? Mỗi khi chúng ta tỏ ra cứng cỏi, cố chấp, bỏ ngoài tai những lời mời gọi của Chúa và những giáo huấn của Giáo Hội; mỗi khi chúng ta chưa biết mở miệng để tôn vinh Thiên Chúa, không dám nói lên sự thật và làm chứng cho sự thật, không dám bệnh vực quyền lợi cho những người cô thế cô thân, những người bị chà đạp áp bức; mỗi khi chúng ta bỏ ngoài tai và làm ngơ trước tiếng kêu cứu và nỗi khốn cùng của anh chị em, thì khi ấy chúng ta chẳng phải đang bị câm, bị điếc về linh hồn đó sao? Câm điếc thể xác đáng thương thật đó, nhưng không nguy hiểm bằng câm điếc linh hồn. Bởi bệnh câm điếc này làm cho chúng ta đánh mất sự sống đời đời.

Chúng ta hãy chạy đến với Đức Giêsu, là vị lương y đầy lòng thương xót của Thiên Chúa Cha. Nài xin Người mở tai chúng ta, giúp chúng ta nghe rõ lời mời gọi của Người, và tiếng kêu tha thiết của tha nhân. Nài xin Người tháo cởi những sợi dây vô hình đang ràng buộc miệng lưỡi chúng ta, để chúng ta có thể dâng lời ca tụng và tạ ơn Chúa, đồng thời biết nói lời an ủi, xây dựng cho nhau. Không chỉ thế, chúng ta cũng cần để Chúa mở đôi mắt tâm hồn, để nhìn thấy tình yêu kỳ diệu của Chúa ở khắp mọi nơi. Cần để Chúa mở rộng đôi tay của chúng ta, để sẻ chia, cho đi cách quảng đại. Cần để Chúa giúp cho đôi chân của chúng ta thêm vững chãi, luôn tiến lên không ngừng nghỉ dẫu đường lữ hành còn nhiều hiểm nguy.

Và xin Chúa giữ cho tâm hồn chúng ta luôn vững tin trước biết bao lời xuyên tạc, nịnh bợ của ma quỷ. Chỉ có như thế, chúng ta mới xứng đáng là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, và cho thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người (x.Gc 2,5). Amen.

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu

 Tags: tương giao
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập112
  • Máy chủ tìm kiếm74
  • Khách viếng thăm38
  • Hôm nay29,219
  • Tháng hiện tại712,244
  • Tổng lượt truy cập76,420,510
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây