Bài học phục vụ

Thứ bảy - 21/09/2024 03:54  658

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN NĂM B

Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,30-37

Triết gia Aristotle trong cuốn “Chính trị luận” đã đưa ra một câu nhận định để đời: “Con người tự bản chất là một sinh vật chính trị” (πολιτικὸν ζῶον/politikon zoon). Quả thực, con người là một hữu thể mang trong mình xã hội tính, trong đó vị thế và tương quan là điều luôn có mặt. Nói đến vị thế là có cao thấp, và do đó, có cai trị và phục tùng.

Chúa Giêsu muốn hướng các môn đệ của Ngài tiến tới một lối nhìn khác: quyền bính là để phục vụ. Tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa khác xa tư tưởng và đường lối của con người.  Vị thế không phải để phân biệt đối xử mà để hỗ tương cách trật tự trong xã hội để tạo ra sự hài hòa liên đới cho cộng đồng. Đó là bài học phục vụ, bài học của tình yêu khiêm tốn và hi sinh, mà Chúa muốn truyền thụ cho các môn đệ của Ngài.

Cãi nhau xem ai là người lớn…

Thánh Marcô ghi lại một cách rất trung thực, rất người, rằng có một sự ganh đua quyền lực giữa các môn đệ của Chúa. Điều đáng nói ở đây là cuộc ganh đua này xảy ra đang khi Chúa Giêsu nói về cuộc thương khó mà Ngài sắp phải chịu. Các ông không “hiểu” (hay không muốn hiểu) và “sợ không dám hỏi lại Người” (sợ bị mắng hay sợ biết sự thật?). Đây thật sự là một sự trớ trêu và vô cảm, vì lòng các môn đệ xem ra quá xa Thầy!

Câu chuyện này có khi vẫn còn xảy ra đâu đó ngay trong lòng Giáo hội, khi chúng ta vẫn chưa “hiểu” được tư tường và đường lối của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha muốn chúng ta sống với nhau như anh em một nhà chứ không phải xử sự với nhau như chủ-tớ để rồi coi nhau như đối thủ cạnh tranh và loại trừ! Bài học phục vụ giúp chúng ta nhìn mọi người như đối tượng để yêu thương chứ không phải đối thủ để cạnh tranh. Trong lăng kính ấy, mỗi người, dù là thấp bé, nghèo nàn như một trẻ nhỏ, cũng cần được tôn trọng “như đối đãi với chính Thầy”!

Làm đầu phải hầu thiên hạ

Đây đích thị là một bài học quan trọng nên Chúa Giêsu “ngồi xuống” và “gọi nhóm Mười Hai lại mà nói”. Ngồi là tư thế của một bậc Thầy khi phán dạy điều gì quan trọng (phải chăng vì thế sau này Đức Giáo hoàng phán quyết long trọng điều gì thì đều “từ ngai tòa”, ex cathedra?). Gọi riêng Nhóm Mười Hai là nhóm tinh hoa trong các môn đệ để cho thấy tầm quan trọng của bài học được truyền thụ. Thậm chí, Tin Mừng còn ghi nhận thêm rằng, trước đó, trên đường đi Chúa Giêsu “không muốn cho ai biết, vì Người đang dạy các môn đệ”…

Một bài học quan trọng như thế, được lặp đi lặp lại nhiều lần cả bằng lời nói, cả bằng hành động, cả nơi cách thức, nhưng các môn đệ vẫn không hiểu, không nhập tâm, không thay đổi. Phải chăng vì tham vọng làm lớn đã lấp đầy tâm trí các ông tới mức không còn chỗ cho Lời Chúa có thể chen vào? Quả thực, đây là một bài học rất khó chấp nhận theo lối suy nghĩ thế gian… Mãi sau này, nhờ gặp gỡ Đấng Phục Sinh và lãnh nhận Thánh Thần, các ông mới có thể hiểu được.

Sự vĩ đại thực sự

Chúa Giêsu cho thấy sự vĩ đại thực sự không phải là làm đầu hay ở trên mọi người mà ở mức độ yêu thương và phục vụ. Chức vụ, vật chất có thể làm cho người ta nổi tiếng chứ không thể làm cho người ta vĩ đại. Con người vĩ đại khi họ có một tâm hồn vĩ đại, một trái tim yêu thương và quảng đại, một cuộc đời cống hiến và phục vụ đồng loại.

Qua niệm sai lầm về “vĩ đại” rất dễ làm cho chúng ta định hướng đời mình một cách sai lệch. Đâu là những “câu chuyện” chúng ta đang bàn tán trên “đường đi” cuộc sống thường ngày? Có phải là niềm tin, tình yêu, cống hiến, hy vọng… hay chỉ là những tranh cãi về quyền hành, chức vụ, tiền bạc, hưởng thụ, than phiền? Xem ra ngày càng ít những trang sách báo phim ảnh đề cao cái đẹp của tình yêu, tình nghĩa, tình người, sự hy sinh, lòng quảng đại… thay vào đó là những chiêu trò khai thác thị hiếu hưởng thụ và tiêu thụ của độc/khán/thính giả để câu view, câu like hoặc tìm kiếm lợi nhuận!

*****
Tin mừng Marcô ghi lại ba lần Chúa Giêsu tiên báo cuộc thương khó (8,31;9,31;10,33-34), cả ba lần các môn đệ đều không hiểu (8,32-33; 9,32; 10,35-41) và đều phản ứng không phù hợp. Sau cả ba lần đó, Chúa Giêsu lại phải giảng giải thêm cho các ông (8,34- 9,1; 9,33-50; 10, 42-45). Bài học phục vụ thật sự không dễ học, dễ hiểu và dễ thực hành chút nào! Nhưng Chúa Giêsu vẫn kiên trì vì đó là bài học quan trọng làm nên căn tính môn đệ.

Bài học này ngày hôm nay cũng có thể vẫn bị coi là “ngược đời”, vì cũng như kinh nghiệm của người công chính trong bài đọc I, lối sống ấy làm chướng tai gai mắt lối sống ích kỷ hưởng thụ của xã hội đương thời. Thánh Giacôbê cảnh báo chúng ta rằng: nguyên nhân của mọi chiến tranh xung đột chính là “những khoái lạc đang gây chiến trong con người anh em” (x. Bài đọc II: Gc 3,16- 4, 3). “Nhân dục vô nhai”, nên cuộc chiến ấy xem ra không có hồi kết thúc.

Xin Chúa ban cho chúng ta “Đức Khôn Ngoan” giúp chúng ta sống “thanh khiết, hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình” để “thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hòa bình, là cuộc đời công chính”.

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập121
  • Máy chủ tìm kiếm74
  • Khách viếng thăm47
  • Hôm nay28,123
  • Tháng hiện tại716,869
  • Tổng lượt truy cập77,511,117
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây