Bởi đâu có chiến tranh – xung đột?

Thứ bảy - 21/09/2024 04:15  618

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN NĂM B
Kn 2,12.17-20; Gc 3,16- 4,3; Mc 9,30-37

1Thiên Chúa đã chủ động đến với nhân loại và ban bình an cho con người, nhưng tại sao nhiều nơi trên thế giới vẫn còn chiến tranh, hận thù, chia rẽ, ghen tương, chém giết và chưa có bình an thật sự? Phải chăng lòng người quá sân si, chưa thực sự phục vụ nhau và lòng đầy tà ý? Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy: chính Đức Giêsu đã đưa ra lời khuyên hữu ích các môn đệ năm xưa và cho chúng ta hôm nay cách thức diệt trừ lối sống đầy tà tâm là yêu thương phục vụ: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải là người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35).

1. Lối sống đầy tà tâm đẩy con người đến chỗ xung đột và gây chiến
 
Bài đọc thứ nhất, trích sách Khôn ngoan cho biết: lối sống tà tâm khiến con người trở nên vô đạo, hay soi mói, gạt người và hại người: “Phường vô đạo lên tiếng nói: “Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo” (Kn 2,12). Chính lối sống đầy tà tâm này khiến con người trở nên mù quáng, không nhận ra phẩm chất tốt đẹp nơi con người, từ đó họ chẳng thể nhận ra một Thiên Chúa là Đấng Chân – Thiện – Mỹ. Một khi không nhận ra hình ảnh Thiên Chúa nơi tha nhân, không tôn trọng phẩm giá con người, con người không còn tin nhau, dễ làm nhục nhau và kết án nhau: “Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã” (Kn 2,20). Điều này kéo theo một loạt hệ luỵ: ghen tương, tranh chấp, xáo trộn và đử mọi thứ việc xấu xa.

Bài đọc thứ hai trích thư của Thánh Giacôbê tông đồ cho biết nguyên nhân của chiến tranh, xung đột chính là lối sống đầy tà tâm bởi tình tư dục và những khoái lạc bất chính: “Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau” (Gc 4,1-2). Do hậu quả của tội, con người dễ hướng chiều điều xấu và trở nên độc ác với nhau cũng như với chính mình. Dường như họ muốn làm chủ và muốn thống trị người khác qua việc bắt người khác phải quy phục và hầu hạ mình. Đúng như lời Thánh Phaolô khẳng định:“sự lành tôi muốn thì tôi không làm, còn sự dữ tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7,20). Chính thái độ muốn thống trị người khác và khao khát quyền lực (muốn làm lớn) đã gây nên chiến tranh - xung đột. Ngay cả các môn đệ mặc dù đi bên cạnh Đức Giêsu nhưng họ vẫn cãi nhau inh ỏi xem ai là người lớn hơn cả (x.Mc 9,34). Vậy làm thế nào để loại bỏ chiến tranh - xung đột?

2. Ao ước phục vụ tha nhân và hy sinh phục vụ người khác giúp loại bỏ lối sống tà tâm
 
Trước hết, ao ước phục vụ tha nhân và hy sinh phục vụ người khác chính là chìa khoá mở cửa bình an và loại bỏ chiến tranh - xung đột. Khi ước ao phục vụ tha nhân thì trong tâm sẽ nảy sinh lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn là một trạng thái cảm xúc của một người khi họ cảm nhận nỗi đau của người khác và mong muốn tìm cách xoa dịu nỗi đau ấy.

Tiếp đến, khi có lòng trắc ẩn với tha nhân, ta sẽ cảm được nỗi đau của người khác và tìm cách để giúp đỡ họ. Những cảm xúc này khiến chúng ta phải hành động để giúp họ trở nên tốt hơn. Đây chính là thái độ của người hy sinh-phục vụ: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Như thế, phục vụ tha nhân không dừng lại ở việc muốn hay không muốn nữa mà nó là một sứ mạng. Nếu con người không phục vụ nhau, không giúp đỡ nhau con người sẽ bị diệt vong.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu đặc biệt nhấn mạnh đến sự phục vụ và chính Ngài cho chúng ta thấy sự cần thiết cũng như tầm quan trọng của việc phục vụ: “Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải là người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”” (Mc 9,35). Chúng ta để ý, khi nói về việc phục vụ thì Đức Giêsu “ngồi xuống” chứ Ngài không đứng. Ở đoạn Tin Mừng khác cho biết trong bữa tiệc sau hết Ngài đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Điều này nói lên sự phục vụ trong khiêm hạ. Một Thiên Chúa Toàn Năng là Vua muôn vua, là Chúa các chúa đã tự nguyện hạ mình xuống để cho con người được nâng lên. Chính Đức Giêsu đã đến và hiệp hành cùng con người. Ngài đã hy sinh phục vụ tất cả mọi người, không phân biệt giàu hay nghèo, khôn ngoan hay dốt nát, tội lỗi hay thánh thiện, không phân biệt màu da gia cấp, không phân biệt trẻ hay già… Khi ao ước phục vụ người khác trong khiêm hạ, thì những tà tâm sẽ bị đẩy lùi, chiến tranh - xung đột sẽ rời xa, con người sẽ gắn bó với nhau hơn và yêu thương nhau hơn. Hãy nhớ: “Giúp người là giúp mình - Cho thì có phúc hơn là nhận”.

Cuối cùng, lòng trắc ẩn với bản thân chính là việc nhận ra con người thật của mình. Thay vì dằn vặt bản thân với những sai lầm, lỗi tội, chúng ta cần sám hối, chấp nhận những giới hạn bất toàn của mình. Nhiều khi chúng ta để “lãng phí Ơn Chúa”, chúng ta không có vì chúng ta không xin, chúng ta xin mà không được vì chúng ta xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc (x.Gc 4,2-3).

Như vậy, để loại bỏ lối sống đầy tà tâm chúng ta cần khiêm hạ phục vụ - hy sinh với tấm lòng chân thành. Đặc biệt phải cầu nguyện xin Ơn Chúa giúp với thiện ý chứ không phải tà ý, nghĩa là theo Thánh Ý Chúa. Có như thế, tâm hồn sẽ bình an, thế giới không còn chiến tranh – xung đột và nhân loại sẽ yêu thương nhau hơn. Amen.

Tác giả: Lm. Jos. Duy Trần

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập131
  • Máy chủ tìm kiếm72
  • Khách viếng thăm59
  • Hôm nay25,252
  • Tháng hiện tại713,998
  • Tổng lượt truy cập77,508,246
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây